Không gian Hồ Gươm: Đi tìm vẻ đẹp hài hòa

Minh Quang - Minh Quân 23/07/2016 08:25

Giới kiến trúc sư đề nghị UBND TP Hà Nội đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị hiệu quả nhất những giá trị của không gian kiến trúc và cảnh quan khu vực Hồ Gươm

Hồ Gươm đang chứng kiến thời khắc của sự lựa chọn không dễ dàng giữa cái đẹp và sự tiện lợi (trong ảnh: Dự án khách sạn tại số 22-32 Lê Thái Tổ). Ảnh: Thành Trung.

Thông tin về việc TP Hà Nội đồng ý chủ trương xây dựng khách sạn ven Hồ Gươm đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Một lần nữa câu chuyện qui hoạch chi tiết Hồ Gươm và gìn giữ không gian văn hóa Hồ Gươm lại được đặt ra. Các chuyên gia kiến trúc và Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị: UBND TP Hà Nội đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị hiệu quả nhất những giá trị của không gian kiến trúc và cảnh quan khu vực Hồ Gươm - một di tích quốc gia đặc biệt.

Băn khoăn và lo lắng

Văn bản số 5584/VP-ĐT của Văn phòng UBND TP Hà Nội mới đây truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng về việc triển khai thực hiện kết luận của Thường trực Thành ủy về Quy hoạch kiến trúc Dự án đầu tư xây dựng công trình khách sạn tại số 22-32 Lê Thái Tổ. Theo đó, kết luận đồng ý chủ trương theo đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND TP về qui hoạch kiến trúc Dự án đầu tư xây dựng công trình khách sạn tại số 22-32 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm.

Thường trực Thành ủy Hà Nội lưu ý phương án kiến trúc xây dựng công trình phải đảm bảo phù hợp các qui định về quy hoạch và bảo tồn, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc có liên quan; cố gắng kiến trúc mặt ngoài đảm bảo hình thái kiến trúc của công trình hiện có; thiết kế hài hòa, phù hợp với kiến trúc cảnh quan khu vực Hồ Gươm và phụ cận; bố trí cây xanh và chiếu sáng mặt tiền nhằm tạo điểm nhấn về kiến trúc tại khu vực Hồ Gươm.

Theo KTS Trần Huy Ánh, bây giờ không nên bàn luận việc xây hay không xây khách sạn nữa, bởi cơ quan lãnh đạo cao nhất của TP đã có ý kiến thì cũng có thể hiểu đây là công trình có quyết định rồi. Chỉ có điều Dự án nói trên hiện đang gây chú ý vì được đầu tư xây dựng trên “đất vàng” giữa trung tâm Hà Nội, lại nằm ngay sát di tích quốc gia đặc biệt Hồ Gươm.

Giờ đây, giới KTS chỉ quan tâm tới việc gìn giữ và bảo tồn không gian văn hóa, không gian công cộng Hồ Gươm vốn đang ngày càng bị thu hẹp lại. Làm thế nào để hài hòa giữa phát triển và bảo tồn mới là điều đáng quan tâm. Ông Ánh cho hay, trước đó, Hội KTS Việt Nam đã tổ chức lấy ý kiến của các thành viên, chuyên gia góp ý về kiến trúc công trình khách sạn nói trên.

Theo đó, Hội KTS Việt Nam cho rằng công trình có chức năng dịch vụ, thương mại và khách sạn là phù hợp. Tuy nhiên, nhịp điệu mặt đứng kiến trúc mới không hòa nhập với đặc trưng kiến trúc đô thị và cảnh quan của khu vực. Do mặt đứng mới là một khối đồng nhất kéo dài liên tục không chú ý đến nhịp điệu mặt phố cũ nhờ sự giãn cách của 3 khối kiến trúc Pháp vốn đã trở thành hình ảnh quen thuộc có giá trị văn hóa kiến trúc Hồ Gươm.

Tổ hợp kiến trúc mặt đứng về phân vị, tỷ lệ giữa các phần cột, cổng, cửa chưa chuẩn mực. Đặc biệt là các chi tiết kiến trúc và mầu sắc cầu kỳ nhưng đơn điệu và tạo nên ấn tượng xa lạ. Sau cuộc họp lấy ý kiến này, Hội KTS Việt Nam đã đề nghị UBND TP Hà Nội đặc biệt quan tâm đến các ý kiến nêu trên để bảo tồn và phát huy giá trị hiệu quả nhất những giá trị của không gian kiến trúc và cảnh quan khu vực Hồ Gươm.

Ở góc độ cá nhân, KTS Trần Huy Ánh băn khoăn: Chức năng của công trình thương mại cũng sẽ khác với công trình khách sạn. Chắc chắn sau khi xây dựng khách sạn thì mật độ người cư trú, đi lại sẽ nhiều hơn, ít nhiều gây ảnh hưởng tới giao thông ở khu vực trung tâm Hà Nội.

Vì lẽ đó điều mà bản thân ông nói riêng và giới KTS nói chung đang quan tâm tới một số vấn đề: công trình xây dựng mới phải hài hòa về kiến trúc với các công trình kiến trúc Pháp được xây dựng trong khu vực; làm sao để cải thiện không gian quanh Hồ Gươm tốt hơn chứ đừng làm cho nó xấu đi; về mặt giao thông, trong định hướng của Hà Nội thì khu vực Hồ Gươm sẽ trở thành một không gian đi bộ. Vậy công trình có chức năng gì đi chăng nữa thì nó phải đáp ứng được nhiệm vụ lâu dài là không gian giải trí, nghỉ dưỡng và đi bộ của Hà Nội.

Chung quan điểm này, trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, KTS Phạm Thanh Tùng cũng cho rằng việc cần bàn bây giờ là làm thế nào gìn giữ cho được không gian văn hóa Hồ Gươm.

“Tôi cho rằng khi làm một công trình cạnh Hồ Gươm phải tính đến giá trị văn hóa, lịch sử. Bởi nếu chúng ta xây khách sạn với mục đích để kinh doanh thì có thể xây chỗ khác. Tuyến phố Lê Thái Tổ rất nhạy cảm bởi đã gắn bó với cảnh quan Hồ Gươm hàng trăm năm nay. Ngoài ra, bản thân vị trí xây khách sạn hiện nay đang là 2 tòa biện thự cổ, kiến trúc Pháp. Việc xây dựng khách sạn ở đây mang tính chất thương mại, dịch vụ, khác với siêu thị. Do đó, việc xây dựng ở đây cần chú ý đến một số vấn đề. Thứ nhất là kiến trúc của nó phải phù hợp với cảnh quan chung của Hồ Gươm là kiến trúc nhỏ và có nét riêng. Thứ hai, là khu vực xây khách sạn lại nằm ở ngã ba, tuyến đường một chiều nên khi xây khách sạn sẽ xảy ra xung đột về giao thông. Đặc biệt, khi Hồ Gươm sẽ trở thành tuyến phố đi bộ. Cụ thể là vấn đề giao thông công cộng và dịch vụ khách sạn sẽ có sự xung đột nhau”- ông Tùng nêu ý kiến.

Bên ngoài dự án khách sạn tại số 22-32 Lê Thái Tổ (Hoàn Kiếm-Hà Nội). Ảnh: Thành Trung.

Thiếu qui hoạch chi tiết

Vậy từ trước tới nay Hà Nội đã có qui hoạch Hồ Gươm hay chưa? Theo KTS Trần Huy Ánh: Ngay từ khi Hà Nội chưa có qui hoạch thì Bộ Xây dựng và Chính phủ đã ưu tiên lập qui hoạch chi tiết, kèm theo qui chế quản lý qui hoạch Hồ Gươm và vùng phụ cận.

Được biết từ năm 2008, nhằm thiết thực đóng góp cụ thể và trực tiếp vào chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã phát động cuộc thi “Ý tưởng qui hoạch và thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và phụ cận”. Cuộc thi đã được giới KTS trong và ngoài nước quan tâm, các ý tưởng thiết kế đã đưa ra những chỉ tiêu, giải pháp có tính gợi mở và có giá trị.

Tại thời điểm trao giải cuộc thi, KTS Hoàng Thúc Hào đại diện cho đơn vị đoạt giải Nhì (1+1>2 Group và Academia Italia) cuộc thi bày tỏ: Đồ án đưa ra nhiều giải pháp nhằm làm sao phải trả lại cho Hồ Gươm những gì đẹp nhất vốn có, bóc gỡ những “cây tầm gửi” đang gây hại đối với vẻ đẹp của hồ. Viên ngọc Hồ Gươm đang vướng nhiều bụi trần, tạp chất… Tư tưởng bao trùm của đồ án là quan niệm tổng thể khu vực Hồ Gươm như một công viên văn hóa - lịch sử trung tâm.

Dẫu vậy, cho đến thời điểm này bao giờ nhà quản lý tiếp thu những ý tưởng đoạt giải từ cuộc thi đó để ứng dụng vào thực tế vẫn là một câu hỏi ngỏ. Trở lại với thực tại, theo KTS Trần Huy Ánh, nếu xét về kỹ thuật và mỹ thuật, bản chất lịch sử của Hồ Gươm và sự chú ý của các giới, các ngành cũng có nhiều, kinh nghiệm, kiến thức không thiếu. Có lẽ chúng ta không cần nghiên cứu quá nhiều về những vấn đề đó mà bây giờ chỉ cần thực hiện những cái cũ thôi đã tốt lắm rồi.

Mới đây nhất, tháng 4/2016 UBND Quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với Viện Kiến trúc- Hội KTS Việt Nam và Viện Qui hoạch xây dựng Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư, tổ chức, cơ quan và các đoàn thể thuộc quận đối với 2 qui chế: Qui chế quản lý Qui hoạch kiến trúc quận Hoàn Kiếm và Qui chế quản lý Qui hoạch kiến trúc khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận.

Tại hội nghị này, các đại biểu dự hội nghị đã đóng góp nhiều ý kiến, chủ yếu đồng tình, nhất trí cao với dự thảo 2 qui hoạch và tham góp một số ý kiến về mật độ xây dựng, chỉ tiêu cây xanh, trường học, y tế, bãi đỗ xe… đảm bảo phát triển bền vững gắn với việc cải tạo, bảo tồn các giá trị di sản của địa phương và nâng cao giá trị toàn bộ các công trình trong khu vực…

Thực hiện kết luận của Thường trực Thành ủy Hà Nội, đại diện UBND TP giao Sở Qui hoạch và Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Văn hóa- Thể thao- Du lịch; UBND quận Hoàn Kiếm và các đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền, tổ chức triển khai thực hiện theo đúng kết luận của Thường trực Thành ủy; hướng dẫn, tạo điều kiện giúp nhà đầu tư thực hiện hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và kế hoạch khởi công xây dựng công trình trong tháng 9/2016.
Dự án tổ hợp công trình khách sạn và dịch vụ tại 22-32 Lê Thái Tổ do Cty CP Intimex Việt Nam làm chủ đầu tư, có qui mô các công trình phía trong cao 6 tầng và tầng áp mái (tương đương 24m), công trình phía ngoài cao khoảng 16m và có 5 tầng hầm.

Cân nhắc để lựa chọn hài hòa

Đóng góp cho việc xây dựng công trình khách sạn ven Hồ Gươm, giới KTS đều có chung quan điểm: Không gian Hồ Gươm là di sản sống. Theo KTS Phạm Thanh Tùng, điều cần phải quan tâm là giá trị của Hồ Gươm không phải là giá trị về kinh tế. Mặc dù đây có thể là mảnh đất vàng “đẻ” được ra tiền. Nhưng cao hơn cả với Hồ Gươm là những giá trị văn hóa, lịch sử. Mà giá trị này có tiền không thể mua được. Hà Nội dù phát triển đến đâu cũng không thể có được một Hồ Gươm thứ hai.

Cho nên, khi các nhà đầu tư khi vào đây dù làm khách sạn, siêu thị… cũng cần phải cân nhắc giữa giá trị kinh tế với giá trị văn hóa và cộng đồng. Một điều nữa cần phải quan tâm, cho đến ngày hôm nay có rất nhiều qui hoạch Hồ Gươm nhưng chưa có một chút gì về giá trị thực tế nào được công khai. Đây là một điều rất đáng suy nghĩ. Bởi khi đã có thiết kế đô thị minh bạch chúng ta sẽ biết Hồ Gươm cần có bao nhiều khách sạn, siêu thị, kiot, vườn hoa…

Đặc biệt, nếu có một thiết kế đô thị công khai chúng ta có thể xin ý kiến của nhân dân, chuyên gia. Từ đó việc quản lý Hồ Gươm sẽ rất dễ, tránh được cơ chế xin cho sau này. Ông Tùng băn khoăn: Ai dám đảm bảo với thực trạng này ít lâu nữa tại khu vực cạnh Hồ Gươm sẽ không mọc lên nhiều cụm khách sạn khác?

KTS Trần Huy Ánh đau đáu: Cho dù thế nào đi chăng nữa thì Hà Nội cũng chỉ có một Hồ Gươm mà thôi. Vì thế cứ gì phải đè nghiến Hồ Gươm cũ ra mà xây nhà cao tầng, vừa khó đi lại (vì nạn tắc đường) lại không yên bề dư luận. Chi bằng đổi ra chỗ “đất cao mà bằng phẳng” thì có hơn không?

Theo ông, hiện Hồ Gươm đang chứng kiến cái thời khắc của sự lựa chọn không dễ dàng giữa cái Đẹp và cái Lợi. Phải khoan dung lắm, khôn ngoan lắm mới thoả nguyện cả đôi đường. Nhưng nếu đạt được sự đồng thuận thì nên khắc biển đồng dựng bia đá ghi lại chuyện này và cũng làm nhụt chí những ai muốn biến Hồ Gươm thành... ao. Một nghìn năm lịch sử Thăng Long đang nhìn vào tất cả chúng ta, đòi hỏi mỗi chúng ta cần ứng xử xứng đáng nhất với Hà Nội, với Hồ Gươm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không gian Hồ Gươm: Đi tìm vẻ đẹp hài hòa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO