Lê Lam - họa sĩ tài hoa

Minh Phúc 02/02/2020 09:00

Yêu nghệ thuật từ trong con người, từ cả cuộc đời. Đó là Họa sĩ tài hoa Lê Lam, nhà hoạt động nghệ thuật cách mạng từ những năm chiến tranh đến năm đổi mới. Những bức vẽ ký họa về chiến trường miền Nam giai đoạn kháng chiến chống Mỹ của ông vừa có giá trị nghệ thuật vừa tái hiện ý nghĩa lịch sử to lớn.

Lê Lam - họa sĩ tài hoa

Họa sĩ Lê Lam và bức tranh “Mùa xuân hy vọng”.

Họa sĩ tài hoa của cách mạng

Họa sĩ Lê Lam tên thật là Vũ Quốc Ái, sinh năm 1931 tại Đông Anh, Hà Nội. Ông tốt nghiệp Trường Mỹ thuật khóa Kháng chiến (1953); Đại học Mỹ thuật Quốc gia Kiev, Liên Xô (1964). Về nước năm 1964 thì tháng 1/1965, ông đã mở Triển lãm cá nhân đầu tiên tại số 10 Hàng Đào, với 114 tác phẩm và ký họa nêu cao tinh thần yêu nước, yêu nghệ thuật, đặc biệt là bộ tranh 20 bức với tên gọi “Từ tuyến đầu Tổ quốc”. Triển lãm lần ấy cũng là cơ duyên đưa ông ra chiến trường để tận mắt ghi chép các tư liệu thật về con người trong chiến đấu, bởi ông cho rằng phải đi, phải nghiên cứu thì mới có cảm hứng sáng tác và tác phẩm mới có hồn và đi vào lòng người.

Theo tiếng gọi của trái tim, ông tình nguyện đi Nam trong khi đã có giấy gọi làm luận án Phó tiến sỹ tại Liên Xô và đang là Trưởng khoa Đồ họa của Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp. Ngày 3/2/1966 họa sĩ Lê Lam cùng một số văn nghệ sỹ khác lên đường vào Nam. Ra đi, để lại sau lưng người cha già, người vợ trẻ và hai con nhỏ, nhưng trong lòng ông thấy vui, vì đã toại nguyện ước mơ được sống, tận mắt nhìn thấy quân, dân miền Nam sống, chiến đấu như thế nào. Ông thấy rạo rực khi nghĩ mình sẽ ghi lại “những trang nhật ký bằng tranh” để nhiều người cùng thấy.

9 năm trời sống và sáng tác tại chiến trường với bao kỷ niệm, hơn một lần chết hụt đã in đậm trong ký ức của ông cho đến tận bây giờ. Đối với ông, những năm tháng được sống gần gũi với quân dân miền Nam, chuyện trò, tìm hiểu những gương chiến đấu anh dũng, là những ngày tháng đáng trân quý nhất trong cuộc đời. Cũng nhờ đó, ông đã sáng tác được hàng trăm tác phẩm vừa có giá trị nghệ thuật cao, vừa tái hiện ý nghĩa lịch sử to lớn, phản ánh sinh động không khí kháng chiến sục sôi, tinh thần chiến đấu không mệt mỏi của quân dân miền Nam lúc bấy giờ.

Bức kí họa chưa từng công bố

Sáng tác nhiều, có nhiều tác phẩm tâm đắc, được giới chuyên môn cũng như đông đảo công chúng đánh giá cao, nhưng, tác phẩm mà ông yêu quý nhất và trân trọng nhất lại là một bức tranh chưa từng được công bố. Đó là bức kí họa “Mùa xuân hy vọng” được vẽ vào ngày 22/3/1974, ngay khi ông trở lại Hà Nội sau hơn 9 năm đi thực tế ở miền Nam. Hiện bức kí họa được ông lưu giữ cẩn thận, và đặt ở một vị trí trang trọng trong căn nhà mình.

Bức kí họa là niềm tự hào duy nhất trong sự nghiệp sáng tác của vị họa sĩ tài hoa. Tác phẩm không chỉ là kết tinh của những rung cảm mạnh mẽ, trên hết đó là tấm lòng của một người con Việt Nam, từng tận mắt chứng kiến những mất mát, những hy sinh, những đau đớn mà tội ác chiến tranh hằn lên mảnh đất miền Nam ruột thịt, luôn đau đáu niềm hy vọng giản dị, sớm thôi miền Nam sẽ được giải phóng, đất nước hoàn toàn độc lập, trả lại tự do, hòa bình, cuộc sống sum vầy đoàn tụ cho nhân dân.

Sau hơn 40 năm, bức tranh “Mùa xuân hy vọng” của họa sĩ Lê Lam vẫn còn vẹn nguyên giá trị, gây xúc động cho bất kì ai mỗi khi xem. Bức tranh kí họa người phụ nữ miền Nam với gương mặt đôn hậu, bình thản, đôi mắt ánh lên niềm vui, đang nâng trên tay lá cờ tổ quốc , bên cạnh là đứa trẻ đang say giấc nồng dưới tán mai nở vàng rực rỡ, một khung cảnh hết sức thanh bình, ấm áp, nhen nhóm trong đó niềm hy vọng mãnh liệt về một mùa xuân có thực giữa thời khắc chiến tranh ác liệt.

Chia sẻ về bức kí họa, người họa sĩ tài hoa dù tuổi đã cao, mắt đã mờ vẫn không giấu được sự xúc động, dường như mọi kí ức về những năm tháng ở chiến trường miền Nam lại một lần nữa ùa về rõ ràng và chân thực hơn bao giờ hết. Ông nói, kháng chiến trường kì, khốc liệt đã chứng kiến không ít những cuộc chia li đầy nước mắt, lấy đi hạnh phúc tưởng chừng nhỏ bé của biết bao gia đình miền Nam Việt Nam. Cảnh vợ trẻ, con thơ ngày đêm mong ngóng người đàn ông của họ trở về, những giọt nước mắt của người mẹ người vợ khi có con trai, chồng hy sinh trên chiến trường, khiến bất kì ai cũng phải cảm thấy đau xót.

Mong muốn làm sao để vẽ nên một tác phẩm có thể gửi gắm niềm tin, niềm hy vọng, rằng kháng chiến nhất quyết sẽ thành công, đất nước nhất định sẽ dành được độc lập, để gia đình được đoàn tụ, con trẻ được sống trong no đủ hạnh phúc, được đón một mùa xuân trọn vẹn đã thôi thúc ông bắt tay thực hiện. Những trăn trở, những đau đáu của ông cuối cùng đã dồn hết vào từng nét vẽ, từ đó tác phẩm “Mùa xuân hy vọng” ra đời, chứa đựng đầy ắp tâm tư tình cảm của không chỉ của riêng họa sĩ, mà là của toàn thể nhân dân Việt Nam cùng hướng về miền Nam ruột thịt.

Chiến tranh đã lùi xa, hơn 40 năm, cũng là chừng ấy năm, dân tộc ta được sống trong những mùa xuân yên ấm, hạnh phúc, đủ đầy. Mỗi một mùa xuân tới, lại chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ của dân tộc, đất nước từng ngày thay da đổi thịt, vươn tới những tầm cao mới. Bức kí họa “Mùa xuân hy vọng” của họa sĩ Lê Lam, tuy ra đời vào thời kỳ chiến tranh, nhưng không vì thế mà mất đi giá trị. Ngược lại, bức kí họa chính là lời nhắc nhở quá khứ, để mỗi khi xem, càng thêm trân quý những năm tháng đất nước hòa bình thịnh vượng ở phía trước, đồng thời làm cho mùa xuân của năm nay “xuân” hơn năm qua, làm cho đất nước “càng ngày càng xuân”, đúng như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của thế hệ cha anh đã anh dũng hy sinh vì độc lập hôm nay được trọn vẹn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lê Lam - họa sĩ tài hoa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO