Trong quá trình phát triển kinh tế -xã hội, bên cạnh các di tích lịch sử văn hóa được trùng tu khang trang là nguy cơ các di tích bị xâm hại nghiêm trọng. Bảo vệ và phát huy giá trị di tích là công việc quan trọng, nhất là đối với chính quyền sở tại. Tuy nhiên trên thực tế, không ít địa phương đã buông lỏng quản lý, thậm chí tiếp tay cho sai phạm.
Toàn cảnh công trình vi phạm tại Đền Hữu.
Dư luận vẫn chưa hết xôn xao trước sự việc chiều 24/3, mấy chục người dân ở xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương, Nghệ An đã đưa máy xúc vào phá tan một số hạng mục chùa Linh Sâm. Đến 18h30 cùng ngày, nhóm người trên đã phá hủy toàn bộ 6 ngôi nhà bê tông (nhà Tam Bảo, nhà Tổ, nhà Tăng, nhà Sư, Cổng Tam Quan...) đang xây dựng dang dở và một bức tường chắn. Ước tính thiệt hại lên tới nhiều tỷ đồng. Công an huyện Thanh Chương và Công an tỉnh Nghệ An đã vào cuộc điều tra làm rõ hành vi phá hủy một số hạng mục công trình chùa Linh Sâm ở xã Thanh Yên.
Điều đáng nói ở đây là chùa Linh Sâm này đã được xây dựng từ gần một năm nay mà không có đủ các giấy phép theo quy định. Ngày 26/7/2019, ông Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An mới chỉ ký công văn số 5198 về việc chấp thuận thành lập chùa Linh Sâm. Các văn bản khác theo quy định pháp luật về xây dựng một cơ sở tín ngưỡng tôn giáo đều chưa hoàn thiện. Vậy mà, đầu tháng 8/2019, chủ đầu tư (UBND xã Thanh Yên và Giáo hội Phật giáo Nghệ An đồng chủ đầu tư) đã làm lễ động thổ. Dự kiến, tổng đầu tư xây dựng chùa Linh Sâm gần 37 tỷ đồng, giai đoạn 1 đầu tư trên 23 tỷ. Chùa được xây dựng trên diện tích khoảng 6.000m2. Ngay lập tức người dân và Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Đền Hữu đã phản đối vì khuôn viên để xây dựng chùa Linh Sâm chồng lấn lên khu vực bảo vệ II của di tích đã được khoanh vùng bảo vệ.
Thi công được 10 ngày thì công trình chùa Linh Sâm bị UBND huyện Thanh Chương ra thông báo đình chỉ xây dựng. Tuy nhiên, sau đó, công trình lại được cấp tập xây dựng. Theo chỉ đạo của UBND huyện Thanh Chương, ngày 28/10/2019, UBND xã Thanh Yên có Thông báo gửi chủ đầu tư dừng ngay việc thi công. Thông báo viết rõ: “Qua kiểm tra của Ban Quản lý di tích Đền Hữu xã Thanh Yên, phát hiện phía Tây của Đền Hữu đang tiến hành xây dựng phần thô 6 ngôi nhà và cổng tam quan của Chùa chồng lấn lên phần đất khu vực cần bảo vệ của di tích Đền Hữu và chưa có đủ thủ tục hồ sơ theo quy định pháp luật”.
Tuy thừa nhận những sai phạm về chưa có đủ hồ sơ, xây dựng lên phần đất bảo vệ di tích, thế nhưng, thông báo của UBND xã Thanh Yên do Phó Chủ tịch xã Nguyễn Cảnh Điền ký lại hết sức “ỡm ờ”, có phần “hứa hẹn” khi viết: “Vậy, UBND xã, Ban Quản lý di tích Đền Hữu đề nghị Chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng dừng ngay việc thi công các hạng mục công trình. Chờ các cơ quan chức năng, nhà nước giải quyết đầy đủ thủ tục hồ sơ, cấp phép mới được xây dựng”.
Chính sự không cương quyết của chính quyền xã Thanh Yên đã góp phần đẩy sự bức xúc của người dân lên cao trào. Sự không cương quyết của UBND xã Thanh Yên cũng có lý do, bởi nguyên nhân xuất phát từ chính họ. Nhiều người dân ở Thanh Yên đều cho biết: Khuôn viên đất chùa Linh Sâm cũ ở núi Ó, cách xa hàng km với Đền Hữu. Vậy khi cắm đất xây dựng chùa Linh Sâm, UBND xã Thanh Yên lại quy hoạch vào khuôn viên Đền Hữu. Dù trước đó, ngày 20/5/2008, UBND tỉnh Nghệ An đã ký bản đồ khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích (vùng 1 và vùng 2). Ngày 22/1/2009, Bộ VHTTDL xếp hạng di tích cấp quốc gia cho Đền Hữu. Theo quy định pháp luật, khi quy hoạch khu vực bảo vệ di tích có cả Ban Quản lý và chính quyền xã tham gia. Vì vậy, UBND xã Thanh Yên không thể “cãi chày cãi cối” không biết việc quy hoạch bảo vệ di tích này?.
Một góc công trình xâm phạm di tích bị đập vỡ.
Ông Bùi Văn Thí (73 tuổi), nguyên Phó Bí thư Đảng uỷ xã Thanh Yên cho biết: Đền Hữu được xây dựng cách nay gần 400 năm, vào thời Lê Trung Hưng, thờ Thái phó tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (1521-1576) và hợp tự các vị sơn thần của làng. Đền có 18 đạo sắc và 38 sắc phong cùng nhiều di vật, cổ vật có giá trị. Toàn bộ khu vực Đền Hữu rộng khoảng 3,2ha. Chính ông Bùi Văn Thí là một trong những người đo đạc để xây dựng quy hoạch khu vực bảo vệ đền. Đất Đền Hữu ở tờ bản đồ 299, tờ số 2 gồm 7 mẫu, 4 sào và 13 thước (hơn 37.000m2).
Việc những người dân đưa máy xúc vào “tự cưỡng chế” các công trình xây dựng vi phạm là không đúng theo quy định pháp luật. Tuy nhiên cũng cần thông cảm cho họ là quá ức chế trước việc công trình vi phạm tồn tại một thời gian khá dài mà không bị cơ quan chức năng cưỡng chế. Có thể do tâm lý lo ngại công trình sẽ bị “phạt” rồi cho tồn tại nên người dân đã làm liều?
Từ việc xâm phạm di sản, đối chiếu quy định pháp luật về trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc bảo vệ di sản, ta thấy còn nhiều “lỗ hổng”. Khoản 2 Điều 33 Luật Di sản văn hóa quy định: “Ủy ban nhân dân địa phương hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch khi nhận được thông báo về di tích bị hủy hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại phải kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và báo cáo ngay với cơ quan cấp trên trực tiếp”. Tuy nhiên, ở đây, chính quyền xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình. Không có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn việc cố tình xây dựng. Vì sai phạm nên một số lãnh đạo xã Thanh Yên mới đây đã bị kỷ luật. Cụ thể, ông Lê Hồng Long, Bí thư Đảng ủy xã, nguyên Chủ tịch UBND xã Thanh Yên, ông Nguyễn Cảnh Điền, Phó Chủ tịch UBND xã và ông Nguyễn Văn Dũng, cán bộ địa chính xã, bị cảnh cáo. Ông Bùi Trung Thông, cán bộ văn hóa xã Thanh Yên, bị khiển trách.