Mặt trời vẫn sáng trong tim

Thanh Hoa 28/07/2019 08:00

Nhìn vóc dáng nhanh nhẹn, hoạt bát, giọng nói sang sảng và kỹ năng sử dụng điện thoại công nghệ nhắn tin, gửi mail, viber, zalo, facebook “nhoay nhoáy” của bà, ít ai có thể ngờ rằng bà đã ở lứa tuổi “thất thập cổ lai hy”…

Mặt trời vẫn sáng trong tim

NSND Tô Nguyệt Nga (thứ 3 từ phải sang) bên gia đình.

Cánh chim đầu đàn

Ấy vậy nhưng NSND Tô Nguyệt Nga lại là một trong những thế hệ nghệ sĩ đầu tiên của Đoàn Ca Múa Nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam) cùng với các nghệ sĩ của đoàn “vào sinh ra tử” trên các tuyến lửa Vĩnh Linh, Quảng Trị, phục vụ thanh niên xung phong và bộ đội ở tiền phương…

Dù vào Đoàn Ca Múa Nhân dân Trung ương sau các nghệ sĩ Phùng Nhạn, Thúy Quỳnh, Anh Nghiêm, Mạnh Hùng, Như Bình... vài năm, nhưng Tô Nguyệt Nga đã cùng với các nghệ sĩ múa Thúy Hằng, Nguyệt Ánh, Phương Thảo, Viết Việt, Xuân Ngọc, Quan Vy Đạt nỗ lực rèn luyện, học hỏi các nghệ sĩ đi trước nên bà tiến bộ rất nhanh và chẳng bao lâu bà đã có thể đảm nhiệm được các tiết mục, vai diễn chính của Đoàn. Bà là một trong những diễn viên solist của Đoàn đã thể hiện thành công nhiều vai diễn chính trong các tiết mục như: vai thiếu nữ châu Phi trong múa “Chiến lũy thép” (biên đạo: NSND Xuân Định), solo “Cánh chim và ánh sáng mặt trời” (biên đạo: NSND Thái Ly), solo “Cây tre Việt Nam” (biên đạo: NSND Phùng Nhạn), vai Em bé miền Nam trong vũ kịch “Theo cờ Giải phóng” (biên đạo: NSND Thái Ly)… Vâng, thế hệ bà là thế, không nề hà bất cứ việc gì, đất nước và nhân dân cần là sẵn sàng xả thân - đi và biểu diễn hết mình, không băn khoăn, đòi hỏi bất cứ điều gì…Có lẽ đó cũng là phẩm chất, là khí phách, là nhiệt huyết của những người nghệ sĩ năm xưa đã làm nên sức mạnh và thương hiệu “cánh chim đầu đàn” của Đoàn Ca Múa Nhân dân Trung ương thời ấy…

Với những nỗ lực không mệt mỏi, diễn viên múa Tô Nguyệt Nga đã được Bộ Văn hóa tuyển chọn cho đi học ngành Biên đạo múa tại Trường Đại học Sân khấu Quốc gia Matxcơva… Một mình nơi “đất khách quê người” với bao khó khăn, vất vả của áp lực học tập và nỗi nhớ chồng con ở quê nhà da diết, nhưng Tô Nguyệt Nga vẫn không chịu chùn bước, hơn nữa bà lại lấy đó làm động lực thôi thúc mình phải nỗ lực và cố gắng nhiều hơn, nhiều hơn nữa… Thấm thoát 6 năm học rồi cũng trôi qua. Tác phẩm tốt nghiệp “Việt Nam của tôi” (âm nhạc: Nguyễn Văn Nam) do bà biên đạo đã vinh dự được các nghệ sĩ của Đoàn Balê Cổ điển Matxcơva biểu diễn ra mắt tại Cung Đại hội Điện Kremli - Matxcơva, tại Nhà hát Lớn của thành phố Lêningrat và một số thành phố khác tại Liên Xô và Cộng hòa Dân chủ Đức.

Tốt nghiệp biên đạo năm 1979, trở về khi đất nước hoàn toàn giải phóng, lúc đó chồng và con trai cũng đã trở lại quê hương miền Nam. Từ biệt đất Bắc, bà theo chồng “Nam tiến” và bắt đầu sự nghiệp biên đạo tại Đoàn Ca Múa Bông Sen (nay là Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân tộc Bông Sen – TPHCM). Tại đây, bà đã xây dựng nhiều tác phẩm, chương trình nghệ thuật để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp cho Đoàn Ca Múa Bông Sen thời đó, nhiều tác phẩm múa của Đoàn do bà biên đạo tham gia Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc cũng đã đạt các huy chương Vàng, Bạc của Bộ Văn hóa, tiêu biểu là các tác phẩm “Ánh sáng và bóng tối”, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, “Những bông hoa trong vườn Bác”, “Hòa bình niềm vui”… Với những nỗ lực và thành tựu đó, bà được bạn bè đồng nghiệp tin cẩn trao cho trọng trách Phó trưởng Đoàn và quyền Trưởng Đoàn của Nhà hát Ca Múa Nhạc Bông Sen cho đến khi nghỉ hưu năm 1994.

Mãi mãi một tình yêu

Nghỉ hưu, không còn công tác tại Nhà hát nữa, bà có nhiều thời gian tập trung cho nghệ thuật hơn. Vì thế, tuy là về nghỉ theo chế độ của nhà nước nhưng dường như đó lại là quãng thời gian bà được thỏa sức tự do sáng tạo và truyền thụ kinh nghiệm của mình cho thế hệ kế cận. Bà tham gia giảng dạy tại các lớp Sáng tác của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh và trường Đại học VHNT Quân đội (khu vực phía Nam). Thời gian này bà cũng biên đạo và sáng tác nhiều tác phẩm múa lớn - nhỏ cho thành phố và các đơn vị nghệ thuật tỉnh thành phía Nam. Ngoài ra, nhiều kịch bản múa do bà viết hàng năm đều được thông qua và nhận được nhiều giải thưởng của UBND thành phố, của Hội Liên hiệp VHNT thành phố, của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam và Trung ương như: Kịch múa “Mùa hè xanh”, “Những linh hồn bất tử”, “Giấc mơ hoa”, “Đại dương hát ca”, “Câu chuyện một dòng sông”, “Mặt trời và niềm tin”, “Người con gái xứ Dừa”, “Tuổi trẻ thành phố mang tên Bác”... Tiêu biểu là kịch bản múa “Mặt trời trong tim” do bà viết đã được Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đầu tư dàn dựng, được nhóm biên đạo gồm NSND Việt Cường - Kim Quy và nghệ sĩ Tấn Lộc xây dựng thành vở kịch múa lớn cho Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TPHCM biểu diễn. Kịch bản này của bà cũng đã nhận được giải thưởng xuất sắc của Ban Tuyên giáo Trung ương trong Cuộc vận động sáng tác tác phẩm nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Mặt trời vẫn sáng trong tim - 1

NSND Tô Nguyệt Nga (trái) và thầy giáo chủ nhiệm GS.NSND Zakharcop.

Bà là thế, hoạt động, sáng tạo như một nhu cầu tự thân; làm việc chỉ để thỏa nỗi đam mê, thỏa cái nghiệp đã vận vào thân chứ chẳng vì vật chất hay danh vị gì. Bà là “tip” người thẳng thắn, chân thành, không ưa bon chen, hơn thua với đời và cũng chẳng bao giờ đòi hỏi điều gì cho bản thân... Có lẽ đó cũng là một phần lí do khiến danh hiệu NSND đến với bà khá muộn mằn so với bè bạn cùng trang lứa... Song có lẽ cũng vì đức tính đó mà bà được nhiều người quý mến, nể trọng.

Ngẫm lại, thấy các nghệ sĩ thế hệ bà ngày xưa dẫu có trải qua nhiều gian khổ, truân chuyên, thiếu thốn về mọi mặt từ điều kiện vật chất đến khả năng học hỏi, tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nhưng bù lại, có niềm hạnh phúc là có điều kiện tập trung cho nghệ thuật hơn; biểu diễn, sáng tạo “cái gì ra cái nấy” bởi mọi chuyện “cơm áo gạo tiền” đã có Nhà nước lo.

Còn đối với các nghệ sĩ trẻ ngày nay, so với lớp trước họ thông minh, nhạy bén hơn nhiều do có nhiều điều kiện học hỏi, giao lưu quốc tế nên các em rất năng động và sáng tạo. Tuy nhiên, các em cũng gặp phải nhiều khó khăn, thách thức do phải lo bươn chải, cạnh tranh dữ dội hơn với thời cuộc nên dễ bị phân tán và ít có thời gian tập trung cho một vấn đề, phong cách nghệ thuật một cách chu toàn.

Tuy nhiên, có một điểm chung giữa các nghệ sĩ múa xưa và nay là những nghệ sĩ nào còn làm nghề là còn yêu nghề say đắm. Đó là những tín hiệu vui mừng, là điều mà NSND Tô Nguyệt Nga cảm thấy lạc quan, yên tâm và vững tin vào thế hệ kế tục. Và đó cũng là lí do khiến bà nhận thấy mình nên dừng lại, dừng lại để ngắm nhìn con trẻ, dừng lại để nhìn lại chính mình, dừng lại để không tụt hậu, cổ hủ với đời, dừng lại để ung dung, tự tại với hạnh phúc tuổi già, để cùng nắm tay người chồng chung thủy là ông Trương Công Vinh đi khắp đất Pháp và Canada thăm thú cảnh đẹp và vui vầy bên con cháu bất cứ lúc nào.

Mặt trời vẫn sáng trong tim - 2

NSND Tô Nguyệt Nga.

Khác hẳn với suy nghĩ của nhiều người ở độ tuổi như bà luôn buồn phiền, âu lo cho những mặt trái, mặt chưa tốt của con cháu, của xã hội để mà bi quan, tiêu cực, ở bà dường như chẳng tồn tại tư tưởng thủ cựu, phiền lụy... Đó có lẽ cũng bởi phong thái ung dung, tự tại, cũng bởi sự khoan dung, độ lượng luôn thường trực trong tâm hồn người nghệ sĩ ấy. Và có lẽ cái niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ đã từng được nếm trải qua hai giai đoạn lịch sử đất nước đã tôi luyện ý chí, nghị lực trong bà và cũng giúp bà chiêm nghiệm thấy những điều tốt - xấu, được – mất ở đời âu cũng là cái lẽ thường tình mà thôi... nên hãy cứ vui vẻ sống và thụ hưởng những gì cuộc đời đã ban cho mình…

Đã từng gặp bà trong các hội thi, hội diễn và các sự kiện chuyên ngành của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam; được nghe nhiều cha - chú thế hệ trước kể về bà với một tình cảm trìu mến, thân thương; vẫn thầm ngưỡng mộ tác phong làm việc và đức độ trong cung cách sống của bà nhưng hôm nay tôi mới có cơ hội được nghe bà tâm sự nhiều hơn về chuyện đời, chuyện nghề của mình, tôi càng thấm thía và “ngộ” ra nhiều điều từ con người bà.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mặt trời vẫn sáng trong tim

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO