Minh bạch tiền công đức

Minh Quân 23/05/2020 08:00

Nhằm làm minh bạch vấn đề quản lý tiền công đức tại các địa điểm thờ tự và lễ hội, mới đây Bộ Tài chính đã tiến hành lấy ý kiến các bộ, cơ quan, địa phương… góp ý cho Dự thảo Thông tư “Hướng dẫn việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội”.

Minh bạch tiền công đức

Tiền công đức phải “hợp tình” và đúng Luật. Ảnh: Quang Vinh.

Theo Dự thảo Thông tư quy định 7 nguyên tắc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ. Đặc biệt theo Thông tư, về quản lý tiền, tài sản dâng cúng, công đức, tài trợ cho di tích, Dự thảo quy định việc thành lập Tổ tiếp nhận các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ để bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch. Tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp di tích có trách nhiệm quản lý, sử dụng các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ, cụ thể: bố trí đặt hòm công đức hợp lý; phân công ghi phiếu công đức; niêm phong các hòm công đức phục vụ cho việc kiểm đếm theo quy định; mở tài khoản tiền gửi để tiếp nhận, quản lý tiền dâng cúng, công đức, tài trợ; mở sổ theo dõi thu, nộp tiền và tài sản được dâng cúng, công đức, tài trợ. Tiền, tài sản dâng cúng, công đức, tài trợ ngoài việc được sử dụng cho các nội dung bồi dưỡng những người được trưng tập, phục vụ trực tiếp các hoạt động của di tích, tham gia các công việc thường trực, kiểm đếm, chấm công, giám định và giám sát, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại di tích….

Nội dung quan trọng là sử dụng cho thực hiện dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; sửa chữa, tu bổ, tôn tạo di tích và đầu tư xây dựng các hạng mục công trình phục vụ cho hoạt động của cơ sở tín ngưỡng theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền...

Ngoài ra Dự thảo cũng quy định rõ về quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và hoạt động lễ hội. Theo đó, nội dung sử dụng tiền, tài sản công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội và hoạt động lễ hội gồm: Hoạt động của BTC lễ hội; bồi dưỡng cho những người được trưng tập, BTC lễ hội, phục vụ trực tiếp các hoạt động của di tích vào các dịp lễ hội và tham gia kiểm đếm, chấm công, giám định và giám sát; công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá lễ hội, di tích…

Có thể thấy việc ban hành Thông tư là một động thái khá tích cực của ngành tài chính cũng như quản lý văn hóa nhằm trả lời câu hỏi những ai, kiểm soát ra sao, công khai dưới hình thức như thế nào về những khoản tiền công đức này? Tuy nhiên, theo nhiều nhà quản lý các cơ sở tín ngưỡng, thờ tự cho rằng nội dung Thông tư điều chỉnh vấn đề lễ hội và di tích có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo điều chỉnh cần bổ sung hai văn bản này vào phần căn cứ pháp lý xây dựng Thông tư.

Bên cạnh đó, theo nhiều nhà quản lý di tích cũng bày tỏ cần nghiên cứu thêm các quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng; việc quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; đối tượng tổ chức lễ hội, quản lý di tích là các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo để đảm bảo sự thống nhất trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Cùng với đó, hiện nay các cá nhân, tổ chức có nhiều hình thức tài trợ, đóng góp cho việc tổ chức lễ hội và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích như bằng việc thực hiện một phần công việc trong bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích hoặc tự nguyện bỏ sức lao động “làm công quả”. Tuy nhiên, vì yếu tố tâm linh, đạo đức mà họ không muốn công khai mức đóng góp hoặc khó định lượng được bằng tiền. Bên cạnh đó, việc quy định phương thức tiếp nhận tài trợ bằng công trình xây dựng cơ bản theo hình thức “chìa khóa trao tay” phải được cần cân nhắc.

Về vấn đề này, theo Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN): Các chùa Phật giáo là tài sản hợp pháp của GHPGVN trước lúc xếp hạng và sau khi xếp hạng di tích thì vẫn hoạt động bình thường theo quy định của pháp luật nên các hoạt động tại các cơ sở này tuân thủ quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Hơn nữa, nhiều chùa được xếp hạng di tích sau đó mới quy hoạch và được các tăng ni, Phật tử xây dựng. Cũng theo Hòa thượng Thích Quảng Tùng dẫn chứng tại Khoản 6 Điều 7 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định quyền của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc “Nhận tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tự nguyện tặng cho”.

Tại Điều 56, 60 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: Việc quản lý, sử dụng tài sản của cơ sở, tổ chức tôn giáo phải đúng mục đích. Như vậy tiền công đức, tiền tài trợ và các tài sản khác của cơ sở, tổ chức tôn giáo được quản lý theo đúng Hiến chương, quy định của tổ chức tôn giáo đó.

Theo Hiến chương và Nội quy Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN, vị trụ trì thay mặt Giáo hội có toàn quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Giáo hội. “Trong các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, thì hành vi bị nghiêm cấm đầu tiên (theo khoản 1) là “phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo”. “Hiện nay, tại nước ta có 16 tôn giáo, 43 tổ chức tôn giáo. Dự thảo Thông tư này chủ yếu nhằm vào các di tích, các chùa của Phật giáo là chủ yếu; như vậy tạo nên sự phân biệt đối xử giữa các tôn giáo (tiền đóng lễ, tiền công đức của các cơ sở tôn giáo khác thì Nhà nước không quản lý)” - Hòa thượng Thích Quảng Tùng bày tỏ.

Nhìn nhận về vấn đề trên, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam cho rằng: Từ văn bản pháp quy tới thực tiễn cuộc sống có thể có những khoảng cách nhất định. Các di tích gồm nhiều loại hình và qui mô khác nhau, thuộc nhiều chủ sở hữu khác nhau, ở những vùng miền, dân tộc khác nhau, lễ hội cũng đa dạng không kém. Vì thế, sau khi được ban hành, việc thực hiện Thông tư cũng sẽ là sự kiểm nghiệm thực tiễn và là cơ sở để chúng ta có những sửa đổi về sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch tiền công đức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO