Tác phẩm nổi tiếng của tác giả Graham Collier vừa có bản dịch tiếng Việt với tựa đề “Nghệ thuật và tâm thức sáng tạo”. Người có công Việt hóa tác phẩm nổi tiếng này là dịch giả Trịnh Lữ.
Dịch giả Trịnh Lữ tại buổi tọa đàm và ra mắt sách.
Trịnh Lữ tên thật là Trịnh Hữu Tuấn, sinh năm 1948 tại Hà Nội. Ông từng là phóng viên, biên tập viên tiếng Anh của Đài Tiếng nói Việt Nam, từng làm việc ở Mỹ gần 15 năm cho các dự án truyền thông và giáo dục của Liên hiệp quốc. Độc giả Việt Nam nhớ đến Trịnh Lữ với nhiều bản dịch văn chương và nghệ thuật có giá trị như: “Cuộc đời của Pi”, “Con nhân mã ở trong vườn“, “Trần trụi với văn chương“, “Rừng Na Uy“, “Hội họa Trung Hoa qua lời các vĩ nhân và danh họa “...
“Nghệ thuật và tâm thức sáng tạo” (Đông A và NXB Dân Trí) là tác phẩm thứ hai của Graham Collier được chuyển ngữ và xuất bản tại Việt Nam sau cuốn “Hình, không gian và cách nhìn” (do Vương Tử Lâm, Phạm Long và Phạm Văn Thiều dịch). Đây có thể được xem là một bộ sách hoàn chỉnh, một khảo nghiệm mang tính toàn cầu về quá trình sáng tạo nghệ thuật.
Tác giả Alan Graham Collier sinh năm 1923 tại Lancaster, Anh quốc, tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Slate thuộc Đại học London, là họa sĩ chuyên vẽ chân dung và phong cảnh. Từ thập niên 1960, ông là Giáo sư Triết học Nghệ thuật tại Đại học Georgia và là thành viên hội đồng tư vấn của Trường Davenport, Đại học Yale.
Có mặt trong buổi tọa đàm ra mắt cuốn “Nghệ thuật và tâm thức sáng tạo “ tại Nhà sách Cá Chép (Hà Nội) hôm 3/3 vừa qua, các dịch giả Trịnh Lữ, Vương Tử Lâm, Phạm Long và Phạm Văn Thiều đã có những chia sẻ quanh 2 cuốn sách của tác giả Graham Collier. Đặc biệt, dịch giả Trịnh Lữ nêu rõ giá trị đương đại của cuốn “Nghệ thuật và tâm thức sáng tạo” đối với công chúng yêu thích nghệ thuật từ các góc độ: thưởng ngoạn, sưu tập, phê bình, giảng dậy, sáng tác.
Theo đó, “Nghệ thuật và tâm thức sáng tạo” tập trung tìm hiểu thế giới bên trong, cách mà con người thai nghén và tạo dựng nghệ thuật từ tâm thức, và mối quan hệ bập bênh giữa nội tâm với ngoại vật...
Ông đưa người đọc lên một đỉnh cao mà từ đó thấy được toàn bộ cốt lõi của hiện tượng nghệ thuật mà ta đã từng nhiều lần quanh co lạc lối trong đó. Giờ đây, ta có thể đi từ nghệ thuật cổ đại đến nghệ thuật hiện đại một cách khách quan, giải thích chúng với cùng những nguyên lý như nhau. Và giá trị không hề nhỏ nữa của cuốn sách này là làm phong phú thêm những hiểu biết về thành tựu của quá khứ từ những nghiên cứu hiện tại. Trong khi đi qua những giao cảm nội tâm phức tạp, các mâu thuẫn trong lịch sử nghệ thuật, Graham Collier đã tìm thấy tính nhất quán của nghệ thuật, và của cả con người.
“Có lẽ việc đi tìm nghệ thuật và biểu thị cái đẹp là bản năng của con người. Nhưng để truy nguyên nghệ thuật thì là một việc không hề dễ dàng. Graham Collier đã cho thấy tác phẩm nghệ thuật là sự giao đãi giữa nội tâm và ngoại giới và lập luận mọi thứ trên cơ sở này một cách thuyết phục, xác đáng. Cuốn sách mang đến cho người đọc cơ sở lí luận để thưởng ngoạn tác phẩm nghệ thuật bằng sự thẩm nhận riêng của mình”- dịch giả Trịnh Lữ chia sẻ.
Tại buổi tọa đàm, dịch giả Trịnh Lữ cũng tiết lộ quá trình liên hệ trực tiếp với tác giả và cuộc trò chuyện giữa ông với tác giả Graham Collier dành riêng cho bản dịch tiếng Việt. Cuộc trò chuyện được trích đăng cuối cuốn sách cho thấy mục đích của người dịch không chỉ là trung thành chuyển ngữ, mà còn giúp tác giả tái sinh cuốn sách vào một môi trường văn hóa khác với mục đích chia sẻ tri thức và tình yêu nghệ thuật theo tinh thần cập nhật và hướng thiện.