Nhà thơ Bình Nguyên Trang: Đang lạm phát danh xưng

Hoàng Thu Phố (thực hiện) 14/12/2015 17:59

PV: Được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý là điều mà bất cứ người nghệ sĩ nào cũng cảm thấy tự hào. Nhưng gần đây, chúng ta cũng thấy có nhiều danh hiệu cứ na ná nhau. Thưa chị, việc định danh cho đúng không chỉ giúp người được nhận cảm thấy vinh dự mà còn giúp cho đời sống văn hóa đỡ bị nhiễu loạn? 

Nhà thơ Bình Nguyên Trang: Tôi nghĩ câu hỏi của anh cũng đồng thời là câu trả lời rồi. Định danh chính là việc ghi nhận, khẳng định, tôn vinh những đóng góp của một cá nhân nào đó cho xã hội, trong công việc đặc thù mà họ tham gia. Các danh hiệu cao quý được trao là niềm tự hào của mỗi cá nhân, khuyến khích, động viên họ tiếp tục cống hiến nhiều hơn cho xã hội. Nhưng danh hiệu chỉ “cao” và chỉ “quý” khi được định danh đúng, chuẩn xác. Hiện nay, việc định danh này trong xã hội đang loạn. Nghệ sĩ nhân dân rồi Nghệ nhân nhân dân; Nghệ sĩ ưu tú rồi Nghệ nhân ưu tú, cứ rối bòng bong. Danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và ưu tú trong lĩnh vực biểu diễn thì đã định hình rồi, không bàn; nhưng chuyện phong danh hiệu cho các Nghệ nhân dân gian thì lẽ ra các nhà làm chính sách phải tính toán trước khi ban hành nghị định. Rằng có cần thiết phải máy móc phân ra “hai loại” nghệ nhân như vậy không, ở một công việc rất đặc thù của văn hóa dân gian. Nhất là khi những người được gọi là nghệ nhân đều tuổi đã cao sức đã yếu rồi, việc phân loại tầng bậc thứ tự, cứ phải đạt danh hiệu “ưu tú” đã rồi năm sau mới đủ tiêu chuẩn lên “nhân dân”. Chưa bàn đến chuyện lo thủ tục giấy tờ, một năm có khi đã là quá lâu, quá muộn với sự chờ đợi của một nghệ nhân cao tuổi. Ở đây, quan trọng nhất là sự khẳng định, ghi nhận của Nhà nước đối với cuộc đời một người có đóng góp cho văn hóa. Tôi nghĩ danh hiệu Nghệ nhân dân gian không cần thiết phải phân loại như vậy, nghe cứ kỳ kỳ, và trùng lặp, khiến cho công chúng có cảm giác rối rắm, nhiễu, khó phân biệt.

Nhưng, cũng có ý kiến cho rằng, xã hội cởi mở, hội nhập thì cũng nên có cái nhìn thoáng hơn. Vì thế, chúng ta mới thấy nhiều cuộc thi hoa hậu được mở ra, đến mức bây giờ các danh xưng hoa hậu cũng bị lạm phát. Ý kiến riêng của chị thì sao?

- Nếu nhìn rộng ra, thì cả xã hội ta đang “lạm phát” danh xưng thật. Mọi lĩnh vực đều có những bất thường trong danh xưng, nên có cảm giác mọi danh hiệu không còn “thiêng” nữa. Danh xưng hoa hậu cũng vậy, nhiều đến chóng cả mặt ấy chứ. Hoa hậu của một cuộc thi sắc đẹp mang tính chất quốc gia thì đã đành, nhưng nhiều cuộc thi sắc đẹp có quy mô nhỏ, của một ngành, một nghề, một vùng, hay trên một chương trình truyền hình, cũng danh xưng hoa hậu. Người ta chán từ “hoa khôi”, vì cứ phải hoa hậu thì mới đẹp, mới đẳng cấp, mới dễ cho phát triển sự nghiệp sau này của người được giải, và nâng tầm quan trọng của cuộc thi, của nhà tổ chức. Nói chung, công chúng thấy no nê, thấy bão hòa, thấy loạn với các danh hiệu.

Thậm chí, học hàm PGS, GS cũng đang “loạn”?

- Câu chuyện Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP Hồ Chí Minh) vừa tự bổ nhiệm chức danh PGS, GS là một ví dụ khôi hài. Thử nghĩ, trường nào trong cả nước cũng tự ý phong hàm GS, PGS thì xã hội bị nhiễu loạn đến đâu. Chẳng ai còn thấy ý nghĩ quan trọng, cao quý ở các danh vị đó nữa. Ngẫm ra, đó là sự mất cho toàn xã hội, chứ không phải sự được. Vì ý nghĩa thiêng liêng của nhiều câu chuyện đã bị xóa đi. Thậm chí, mất động lực lao động, sáng tạo, phấn đấu trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực.

Thế còn trong lĩnh vực văn chương của chị, có sự định danh nào chưa đúng, đang gây phiền hà hoặc tạo ra sự nhiễu loạn đáng lo ngại?

- Có đấy. Thậm chí việc loạn danh xưng cũng không kém phần nghiêm trọng, theo tôi. Bây giờ in ấn, xuất bản dễ như trở bàn tay. Ai viết gì cũng có thể xuất bản “tác phẩm” của mình trong nháy mắt trên các trang mạng xã hội. Nhà xuất bản thì cấp phép vô tư, không cần biết chất lượng cuốn sách ra sao, miễn các ông bà cầm bút đừng vi phạm về chính trị, đừng văng tục chửi bậy quá đáng trên sách là được. Cái gọi là “tác phẩm văn chương” xuất hiện nhiều như nấm, tràn lan khắp đời sống, là sự thách đố lớn đối với độc giả. Nếu không có khả năng chọn lựa sách tốt để đọc, độc giả có thể ngộ độc cấp tính sách văn chương không biết chừng. Đi kèm với đó là danh xưng nhà văn nhà thơ, nhiều vô kể. Một ông giám đốc về hưu, buồn buồn viết một cuốn sách, rồi in ra, rồi thuê truyền thông vào cuộc, và sau đó ra đường ai cũng gọi ông là nhà văn, ông cũng thích thú với danh xưng ấy, nghĩ danh xưng ấy thuộc về mình nghiễm nhiên. Một ông cán bộ xã, về hưu, ra vài tập sách, cũng thành nhà văn!

Dĩ nhiên như anh nói, xã hội cởi mở cần có cái nhìn thoáng hơn. Ừ thì chả nên nghĩ nhà văn, nhà thơ là cái danh xưng gì to tát, nó là định danh cho một công việc đặc thù mà ai đó theo đuổi. Những người viết ra các tác phẩm văn học có giá trị nghệ thuật, làm giàu có đời sống tinh thần của nhân dân. Nhưng khổ nỗi bây giờ, phân định đâu là tác phẩm có giá trị nghệ thuật cũng không dễ. Không có nhà phê bình làm việc đó. Toàn truyền thông làm thay, làm giúp. Mà truyền thông thì lại là câu chuyện của của thổi phồng theo chủ đích. Chỉ cần anh muốn nổi tiếng, muốn đạt cái danh xưng nào đó, truyền thông có thể có sức mạnh giúp anh đạt tới tạm thời. (Tất nhiên về lâu dài thì chả có danh xưng giả nào tồn tại được). Cho nên, chuyện người người làm thơ, thậm chí viết văn, ra đường chạm mặt nhà thơ, nhà văn chan chát là chuyện thường ngày. Thì cũng vui thôi, các cụ vẫn bảo, nhiều người làm văn học thì xã hội sẽ nhân văn hơn, cái thiện được nhân lên, cái ác ít đi. Tôi chưa đủ khả năng kiểm chứng điều ấy, nhưng loạn danh xưng nhà văn thì loạn đầu óc độc giả, mất thiêng khi người ta nghĩ về nghề văn. Nên có câu chuyện rất thật, một vài nhà thơ, khi xuất hiện ở đám đông, họ rất ngại được giới thiệu là nhà thơ.

Điều chị nói, về cái sự mất thiêng ấy, tôi chợt nhớ tới những tên đường, tên phố trùng nhau vì cùng mang tên một danh nhân. Chẳng hạn, TP Hà Nội có tới 3 con đường mang tên Trần Hưng Đạo (ở Q. Hoàn Kiếm, ở Q. Hà Đông, ở Thị xã Sơn Tây…). Trong khi đó, những cái tên dân gian, gần gũi và đầy ý nghĩa với đời sống của từng vùng dân cư lại đang vắng dần, thưa chị?

- Việc trùng tên phố ở một đô thị, là do người ta quy hoạch không có tính toán. Những con phố trùng tên trên một địa bàn dân cư, ngoài việc tao ra cảm giác trùng lặp, nhàm chán, sẽ gây rất nhiều khó khăn trong giao dịch, sinh hoạt, văn bản giấy tờ hộ khẩu hộ tịch của người dân, không nên. Tôi nghĩ, việc đặt tên một danh nhân trên một con phố (chỉ một thôi) ở một đô thị thì mới có giá trị tôn vinh cao quý. Không có nghĩa tôn vinh một người thì phải đặt tên người đó cho nhiều con phố. Ngân hàng tên danh nhân để đặt cho phố chắc chắn không thể thiếu thốn mức đó. Những cái tên dân gian, gần gũi như anh đặt vấn đề, nếu được đặt tên cho phố thì theo tôi cũng rất tuyệt vời.

Vậy theo chị, trong văn hóa, để định danh cho đúng một vấn đề, một hiện tượng, cần nhất điều gì?

- Theo tôi nghĩ, sự chuẩn xác trong đánh giá, gọi tên, định danh một vấn đề văn hóa, một hoạt động văn hóa là vấn đề sống còn.

Trân trọng cảm ơn chị!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà thơ Bình Nguyên Trang: Đang lạm phát danh xưng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO