Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng: Trân quý một vùng đất, là hướng về truyền thống, dân tộc

Việt Quỳnh (thực hiện) 19/05/2019 09:00

Đại Đoàn Kết trò chuyện cùng nhà thơ Nguyễn Quang Hưng nhân dịp anh ra sách tản văn mới: “Nối những vệt không gian” (NXB Văn học).

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng: Trân quý một vùng đất, là hướng về truyền thống, dân tộc

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng.

“Em em chị chị làm gì
Lòng tơ hiu hắt chỉ vì chị em
...Yếm kia buộc chị với chồng
Buộc em với luống cải ngồng xót xa”.

Thời sinh viên Văn khoa xưa, hẳn nhiều người nói đến thơ Nguyễn Quang Hưng đều nhắc lại câu thơ này...

PV: Thủa mộng mơ thơ từ thời sinh viên ấy với anh đã diễn ra như thế nào?

-Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng: Khi thi đại học ngành văn học, tôi chỉ mang một tình yêu môn văn với thú vui đọc sách truyện và say mê với những bài tập làm văn ở phổ thông, và chớm viết những câu từ ngô nghê. Không biết trước khi bước vào đại học, vẻ đẹp những câu thơ của thầy Nguyễn Hùng Vĩ và những văn nhân sau này chúng tôi được biết qua thầy, nhiệt huyết với việc sáng tác thơ một cách bồng bột của nhiều bạn cùng lớp... sẽ đốt trong tôi niềm say mê và ý chí theo nghề viết.

Và không thể không nhờ chính những tiết học trên giảng đường, nhờ những người thầy khác đồng thời sáng tác, là nhà thơ như thầy Đào Duy Hiệp, Thế Hùng… cùng với sự quen biết với thầy Chu Văn Sơn từ năm thứ ba đại học, và việc in tập thơ bốn tác giả “Để tình yêu đánh lưới” cùng ba bạn Trần Trọng Dương, Bùi Việt Phương, Nguyễn Quốc Khánh năm 2001 với “những ngọn lửa ban đầu” ấy như tên một bài ghi chép sau này tôi nhớ lại, tôi tin mình sẽ làm thơ lâu dài, như một trong những công việc chính của mình vậy.

Lần đầu tiên gặp anh, trong một lần trở về trường đọc thơ cùng nhóm, cảm giác của tôi khi ấy là anh rất nhiệt thành với thơ, và thơ ngấm vào trong anh, để mỗi lời nói ra cũng dễ dàng đầy chất thơ trong ấy?

-Không đợi đến khi ra trường, mà từ khi vào năm đầu được một thời gian, “không hiểu sao” gặp được những người mê thích làm thơ và kết bạn với nhau, chúng tôi lại “mê man” đến thế. Thường xuyên đi học sớm hoặc ở lại thêm sau giờ học để trao đổi những trang viết mới, bình phẩm với nhau, rồi cùng đọc những tuyển thơ hay, ngồi “lê la” khắp chỗ trong khuôn viên trường. Có khi tôi ngồi ở ghế đá trong trường, “tóm” được nhiều anh chị học Văn các khóa trên, phải giữ lại rồi đọc thơ “bắt” nghe. Rồi lại cùng thành lập CLB thơ với một số cuộc sinh hoạt sôi nổi, dự những cuộc giao lưu, nói chuyện đầy hâm mộ với các nhà thơ, những đêm hội trại có sinh hoạt thơ và ca hát hào hứng…

Ở tuổi “thanh niên sôi nổi”, mỗi lần gặp, được nói chuyện hoặc chỉ nghe những người như Nguyễn Bùi Vợi, Hoàng Nhuận Cầm, Băng Sơn, Nguyễn Quang Thiều, Trần Anh Thái, Nguyễn Thành Phong, Nguyễn Duy, Phạm Công Trứ… với tôi, đã thành những ấn tượng đẹp, đốt thêm “máu lửa” trong mình.

Thực tế ngoài đời, anh trong thơ và khi không thơ là như thế nào?

-Không thơ trực tiếp thì có báo, có gia đình, bạn bè, sách vở và nhìn, và nghĩ về đời sống. Nhưng hình như trong rất nhiều những khoảng thời gian đó, đều có thơ ngấm vào, trong những suy nghĩ, những cóp nhặt, trong đời sống mong muốn được gặp, được thấy, được hưởng những điều tốt đẹp. Và ngược lại, bây giờ, khi ngồi sáng tác hoặc đang nghĩ một cái ý, tứ, câu chữ nào đó, thì hình như không phải là một cái gì tách rời, mà lại chính là chuyển động cuộc sống. Và với thơ, trong thơ lại cũng dung dị đời thường.

Tuổi thơ của anh, có những kỷ niệm, hay dấu hiệu gì để rồi anh chọn đi trên con đường thơ ca tự nhiên như thế không?

-Tôi chỉ thích đọc sách truyện thôi. Bố tôi thích đọc sách lắm. Ngày nào ông cũng hoặc ngồi hoặc nằm đọc. Và ông mua cho chúng tôi nhiều sách truyện. Bố tôi hát hay thời trẻ và tôi được thừa hưởng một chút. Nhà bố tôi có nghề thêu và bố tôi khéo tay, thích bày biện, chăm cây và hoa. Tôi mê vẽ và ngồi xổm “còng cả lưng” để vẽ phấn khắp nhà. Thế rồi quê ngoại tôi ở làng Tó cách Hà Đông có vài cây thôi, nên tôi hay được về và tha thẩn trong không khí làng quê hoang sơ, tự nhiên, um tùm cây cối với đủ tưởng tượng. Tôi cũng hay được bố cho “về phố” với họ hàng trong phố cổ Hà Nội, nên hình ảnh phố xá, hồ Gươm, hồ Thiền Quang, đền Ngọc Sơn… cũng khiến tôi rất mê thích. Những dấu vết đó trở thành lý do “mầm mống” dẫn tôi đến những suy nghĩ mơ mộng, lan man, xa xôi và sau này muốn đẩy cái “tiềm năng mơ mộng” đó vào việc tạo ra câu chữ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng: Trân quý một vùng đất, là hướng về truyền thống, dân tộc - 1

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng: Trân quý một vùng đất, là hướng về truyền thống, dân tộc - 2

Bìa các tác phẩm.

Thơ của anh, lấp lánh dòng chảy văn hóa Kinh Bắc trong đó?

-Nói gọn lại, có lẽ chỉ là địa bàn Bắc Ninh thôi. Và khoanh lại nữa, là quanh địa bàn các làng quan họ. Và tôi viết có màu sắc của dữ liệu văn hóa ca hát quan họ, của dáng nét sông ngòi, những núi đồi thấp và hình bóng đền chùa Bắc Ninh, với những con người yêu cái đẹp, giữ cái đẹp, nhiều nỗi niềm hiện ra trong đó. Hồi nhỏ tôi chưa từng biết nơi này, đến khi say mê những câu thơ Hoàng Cầm, khi theo thầy Vĩ đi hội Lim, lần lượt được quen gia đình các nghệ sĩ Tự Lẫm, Minh Phức, Lệ Ngải, nghệ nhân Nguyễn Năng Địch, Tạ Thị Hình, CLB quan họ Đặng Xá… Những con người đó, những chuyến đi đi về về Bắc Ninh, đã gieo cho tôi nhiều điều cảm động để viết.

Cho đến gần đây, với cuốn sách mới “Nối những vệt không gian”, qua từng trang viết, anh có đưa người đọc đến với những không gian văn hóa Bắc Ninh?

-Cuốn tản văn này tôi tập trung chủ yếu vào hai không gian Hà Nội phố và Hà Nội mở rộng phía Hà Tây trước kia, nơi tôi thỉnh thoảng được trở về hồi nhỏ, và nơi tôi lớn lên, vươn tới từ Hà Đông. Nhờ một gợi ý của chị Đặng Hà, biên tập viên NXB Văn học về một tập tản văn viết về Hà Nội, nên tôi dỡ ra, hoàn chỉnh lại một tập bản thảo “tổng hợp”. Vậy nên hiện giờ và sắp tới, tôi đang hoàn thành một tập ghi chép, tản văn khác với tên dự kiến “Những người cầm tinh hoa”. Trong đó, tôi sẽ gửi được những bài về các nghệ sĩ, nghệ nhân, người hát quan họ thân yêu để ngẫm về cuộc đời đắm đuối với câu hát của họ, với những hạnh phúc và thỏa nguyện, lẫn nhiều nỗi niềm mà những câu hát, những hội lễ và đất đai, sông núi, nếp sống miền Bắc Ninh gieo vào đời người ta.

Những bài thơ, tản văn về quan họ, từ quan họ, từ Bắc Ninh tôi viết, đã nằm tản ra ở một số tập thơ như “Mùa Vu Lan”, “Chia ngũ cốc”, ở tập tản văn trước là “Năm tháng mặt người”. Giờ nhìn lại, tôi thấy bao năm qua, ngoài những con đường xa, những không gian rộng mở ở những miền đất khác, tôi thường “trở về” và đi tìm sáng tác của mình giữa các điểm, các vùng thuộc Hà Tây - Hà Nội - Bắc Ninh trước kia. Chung một niềm ngưỡng mộ, một niềm đắm đuối như thế, trước những vẻ đẹp, những số phận, những con đường mời gọi.

Anh gắn bó với văn hóa Bắc Ninh như thế nào?

-Như một trong những nguồn nuôi suy nghĩ, ý tưởng và tình cảm của mình vậy! Và khi trân quý một vùng đất, cũng chính là hướng về với truyền thống, với dân tộc.

Những trải nghiệm của anh trong nền văn hóa đó?

-Tôi đi hội theo thầy, cùng các bạn, có những đêm rét mướt, có những đêm mưa dày hạt hay tầm tã, và cứ nhớ mãi những khoảng không gian tối, sâu hút của đường làng, ngõ làng, của đường đi thiếu đèn, những đêm ngồi tha thẩn nghe các nghệ sĩ, nghệ nhân hát. Cứ nghe mà như lịm đi bởi những ca từ, những giai điệu níu kéo. Và tôi cứ thế muốn hát theo, muốn tập hát, để sống cùng những cảm xúc đẹp, buồn, thương tiếc nhưng đầy yêu mến và chân thành. Thế nên mỗi lần sang Bắc Ninh đi chơi, đi viết báo vì tìm được nhiều đề tài văn hóa là như một lần học hát và điều chỉnh cách hát. Một điều hân hạnh và thầm vui khi thỉnh thoảng hát giao lưu đâu đó, lại có người hỏi anh ở làng nào. Tất nhiên một thoáng thôi, vì tôi mới thuộc được vài chục bài, và về giọng, về cách hát, sẽ phải học hỏi, tham khảo lâu dài lắm.

Từ những trải nghiệm thực tế, theo anh, vấn đề gì đáng quan tâm để duy trì vẻ đẹp, sự sâu lắng của nền văn hóa Bắc Ninh?

-Giữ lấy cái gốc gác, cái cổ truyền của văn hóa, nghệ thuật, và hiểu về những biến chuyển của chúng qua thời gian, để ngày hôm nay tiếp tục sáng tạo văn hóa, nghệ thuật đó một cách phù hợp. Giữ và tái tạo không gian thiên nhiên, không gian văn hóa để duy trì hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Giữ và trân trọng những con người tinh hoa để học hỏi, lưu giữ và lan tỏa từ họ những chất liệu – sản phẩm đẹp đẽ trong ca hát, trong lời ăn tiếng nói, cách sống. Nhưng một điều cũng thật quan trọng, là quan niệm đúng và tích cực về những di sản, con người đó trong thực tại, trong thực tế đời sống chứ không phải như những sản vật cũ, đã qua. Và đương nhiên, cần biết bao những gợi mở, xúc tác để ra đời nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật hay về Bắc Ninh, Kinh Bắc. Trong đó, không thể thiếu thơ hay. Biết đâu, sẽ có nhiều bài thơ mới - hay, sẽ đi vào hệ thống bài bản quan họ thời hiện đại một cách thuyết phục.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng: Trân quý một vùng đất, là hướng về truyền thống, dân tộc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO