Tạm dừng tổ chức lễ hội trong trường hợp cần thiết

Minh Quân 01/02/2020 08:00

Với gần 8.000 lễ hội diễn ra trên toàn quốc, việc người dân nô nức tham dự đã là điều không còn xa lạ trong mỗi dịp Tết đến Xuân về. Tuy nhiên, trước bối cảnh dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona đang diễn biến phức tạp thì đây lại trở thành những nguy cơ tiềm ẩn rất lớn.

Tạm dừng tổ chức lễ hội trong trường hợp cần thiết

Người dân tham dự Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn khá thờ ơ trong việc phòng chống dịch corona. Ảnh: Quang Vinh.

Nguy cơ tiềm ẩn

Theo thống kê của Bộ VHTTDL hiện này cả nước có 7.966 lễ hội. Nếu làm một phép đơn giản mỗi ngày có khoảng 22 lễ hội, mỗi giờ trên dải đất hình chữ S có 1 lễ hội diễn ra. Tuy nhiên, nếu chi tiết hơn, thì hầu hết các lễ hội thường tập trung vào những ngày đầu xuân năm mới. Trong có những lễ hội lớn thu hút cả vạn người đã, đang và chuẩn bị diễn ra. Thế nhưng, trong bối cảnh dịch viêm phổi cấp do virus corona đang diễn biến khó lường thì các lễ hội đang tạo ra mối lo lớn về việc lây lan dịch. Bởi lễ hội luôn chứa những nguy cơ tiềm ẩn để virus lây lan. Từ việc tụ tập đông người, chạm tay vào nhiều vật như lan can leo lên chùa, nhà vệ sinh không đảm bảo vệ sinh…

Ghi nhận của phóng viên trong những ngày qua tại các lễ hội lớn như chùa Hương, Yên Tử, Bái Đính… số lượng người dân tới thưởng ngoạn, vãn cảnh, du lịch tâm linh là rất lớn. Đơn cử như lễ hội chùa Hương, trong những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, đã có hơn 11 vạn lượt du khách thập phương đổ về. Không chỉ tạo ra nguy cơ lây nhiễm do việc tập trung đông người mà tại chùa Hương tiềm ẩn thêm nỗi lo từ việc bày bán thịt thú rừng tươi sống. Mặc dù năm nay BTC quy hoạch hàng quán quy củ hơn. Số lượng cửa hàng bày bán thịt thú rừng giảm hẳn, nhất là ở khu vực Thiên Trù. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng bày bán thịt động vật tươi sống, thịt thú rừng được chuyển ra bến đò Thiên Trù. Đáng chú ý, các mặt hàng thịt sống này được bày bán ngay dưới lòng đường, không tuân thủ việc bảo quản thực phẩm tươi sống trong tủ chuyên dụng, trông rất mất vệ sinh thực phẩm đang tạo nên những mối lo tiềm ẩn với du khách. Hay như lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (Hà Nam) diễn ra vào sáng ngày 31/1 dù khá “bình yên” nhưng cũng đã thu hút hàng nghìn người dân đến tham gia. Thế nhưng thực tế ghi nhận của phóng viên hầu như người dân tham gia lễ hội không có các biện pháp phòng chống dịch cần thiết như đeo khẩu trang.

Không chỉ các điểm lễ hội mà ngay tại các điểm di tích tâm linh như phủ Tây Hồ, đền Trấn Quốc, chùa Quán Sứ (Hà Nội)… trong dịp tết vừa qua luôn trong tình trạng quá tải người dân đi lễ đầu năm. Hầu hết các tuyến đường vào các điểm di tích luôn trong tình trạng quá tải, ách tắc kéo dài. Đặc biệt như tại chùa Tam Chúc (Hà Nam) là cảnh vượt rào, chen lấn lên xe, xả rác bừa bãi… BTC chùa Tam Chúc cũng phải thừa nhận dù đã rất cố gắng nhưng với lượng người đổ khiến công tác tổ chức nhiều thời điểm “lực bất, tòng tâm”.

Đặt an toàn lên hàng đầu

Trước tình hình trên, chiều ngày 31/1, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 06/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Trong đó nhấn mạnh, hạn chế tập trung đông người, nhất là tại các lễ hội; tạm dừng các lễ hội chưa khai mạc, trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ; giảm quy mô các lễ hội đã tổ chức; yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng và hạn chế du xuân, tham gia lễ hội.

Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã ký công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp trong hoạt động lễ hội, di tích. Theo đó, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở VHTTDL, Sở VHTT phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tại địa phương để thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình dịch bệnh, kịp thời thông tin đầy đủ, chính xác đến người dân và du khách; đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại lễ hội và di tích về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Trong trường hợp cần thiết tạm dừng các hoạt động tập trung đông người; căn cứ tình hình thực tế, chỉ đạo thực hiện nghiêm biện pháp tạm ngừng tổ chức lễ hội theo đúng quy định tại Điều 8 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội.

Trước đó, sau khi đề nghị tạm dừng lễ hội cướp Phết Hiền Quan, Cục Văn hóa cơ sở cũng đã gửi công văn số 34/VHCS-NSVH gửi Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ đề nghị báo cáo và tham mưu UBND tỉnh tạm ngừng tổ chức Lễ hội chọi trâu xã Phù Ninh năm 2020.

Cũng xung quanh việc bùng phát của dịch cúm corona, chia sẻ với báo chí, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Trần Đăng Khoa cũng cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, chiều 30/1, Thường trực Ban Chấp hành đã họp và quyết định lùi tổ chức Ngày Thơ Việt Nam vào một thời điểm thích hợp BTC sẽ thông báo sau. Được biết, theo kế hoạch, Ngày Thơ năm nay đón nhiều khách quốc tế lại tổ chức ở nhiều địa điểm khác nhau, trong đó có Huế, Hạ Long, Hà Nội và một số địa phương khác. “Để giữ an toàn cho khách quốc tế và các nhà thơ cùng đông đảo nhân dân, những người yêu thơ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam quyết định dừng tổ chức Ngày Thơ để tránh dịch. Tình hình rất nghiêm trọng không thể chủ quan”- nhà thơ Trần Đăng Khoa cho hay.

Trong sáng ngày 31/1, UBND huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) cũng đã có thông báo tạm dừng tổ chức Lễ hội Lồng tồng ngày mùng 8 tháng Giêng năm Canh Tý 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạm dừng tổ chức lễ hội trong trường hợp cần thiết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO