Sau 9 lần tổ chức việc trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT đã và đang lộ ra nhiều lỗ hổng, bất cập trong công tác xét tặng. Nhằm tạo một hành lang thông thoáng mới đây Bộ VHTTDL đã tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP (Nghị định 89) của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.
Lễ trao tặng, truy tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9. Ảnh: Quang Vinh.
Theo tờ trình (dự thảo) của Bộ VHTTDL cho biết, hiện nay vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình xét tặng danh hiệu do một số quy định của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP chưa phù hợp với thực tiễn.
Cụ thể, về cách tính thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp quy định tại Khoản 3, Điều 3 Nghị định 89 trên thực tế, đối với một số loại hình nghệ thuật truyền thống, cơ bản việc đào tạo diễn viên do các trường VHNT chuyên nghiệp đào tạo nhưng có không ít các nghệ sĩ được đào tạo mang tính truyền nghề (nghệ sĩ được tuyển vào các đoàn nghệ thuật vừa được truyền nghề và tham gia biểu diễn cùng các nghệ sĩ của Đoàn). Hiện nay, các nghệ sĩ đó phần lớn tuổi đời cao, có nhiều đóng góp cho bộ môn nghệ thuật truyền thống ở nhiều địa phương. Cũng có một số nghệ sĩ trẻ, là những người có tài năng, hiện là diễn viên chính của các đoàn nghệ thuật, vừa tham gia biểu diễn vừa học tập tại các Trường văn hóa, nghệ thuật của tỉnh, thành phố.
Do vậy, qua đợt xét tặng danh hiệu lần thứ 8 và lần thứ 9, Hội đồng các cấp thống nhất tính thời gian tham gia nghệ thuật chuyên nghiệp cho các nghệ sĩ được xét cụ thể từng hồ sơ trên cơ sở thông tin cá nhân có xác nhận của Sở VHTT hoặc Sở VHTTDL nơi cá nhân được xét hồ sơ. Với quy định này, sẽ tránh bỏ sót được việc tôn vinh các nghệ sĩ có tài năng đặc biệt xuất sắc, có nhiều đóng góp ở một số lĩnh vực nghệ thuật truyền thống (nhất là bộ môn nghệ thuật chèo, cải lương và tuồng cổ) ở nhiều địa phương, nghệ sĩ được tuyển vào các đoàn nghệ thuật vừa được truyền nghề và tham gia biểu diễn cùng các nghệ sĩ của đoàn.
Bên cạnh đó, về tiêu chuẩn giải thưởng quy định tại Khoản 4 Điều 8 và Khoản 4 Điều 9 Nghị định 89, trong đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 8 và lần thứ 9, có một số trường hợp đề nghị xét tặng danh hiệu chưa đạt đủ tiêu chuẩn về giải thưởng nhưng được Hội đồng các cấp thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét vận dụng về số lượng huy chương đề nghị Chủ tịch nước xét phong tặng, truy tặng danh hiệu cho một số nghệ sĩ. Đơn cử như những nghệ sĩ lão thành, có nhiều đóng góp trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tích cực phục vụ và cổ vũ tinh thần lao động của nhân dân; Các nghệ sĩ là người dân tộc, tham gia tích cực phát triển phong trào văn hóa, nghệ thuật tại địa phương; tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị lớn của đất nước; Các nghệ sĩ hoạt động trong các bộ môn nghệ thuật truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải lương, với đặc thù ngành nghề nên ít có điều kiện và cơ hội tham gia các Liên hoan, Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng tích cực phát triển phong trào văn hóa, nghệ thuật tại địa phương;…
Bên cạnh đó, theo Bộ VHTTDL cũng đề nghị về số lượng thành viên Hội đồng các cấp và cơ cấu thành phần Hội đồng cần tăng thêm các chuyên gia, giảm bớt đại diện các cơ quan nhà nước….
Trao đổi với báo chí, ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng (Bộ VHTTDL) cho biết: Những quy định còn vướng mắc sẽ được tập trung sửa đổi, bổ sung là các quy định liên quan đến cách tính thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp; tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu; Hội đồng xét tặng danh hiệu các cấp; tỉ lệ % thông qua của Hội đồng các cấp… Trong đó, ngoài sửa đổi về cách tính thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, nội dung được dư luận quan tâm là về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu. Dự thảo Nghị định quy định trong tổng số giải thưởng mà cá nhân đạt được tính, phải có ít nhất 1 giải thưởng dành riêng cho cá nhân để khẳng định uy tín cá nhân của nghệ sĩ được xét danh hiệu... Cũng theo ông Phùng Huy Cẩn, để tránh “bỏ sót” việc tôn vinh các nghệ sĩ thực sự tài năng, Bộ VHTTDL thấy rằng cần bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của Hội đồng cấp Nhà nước “Xem xét đề nghị bằng văn bản của Chủ tịch Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước và bỏ phiếu đối với các nghệ sĩ có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho ngành, nghề nghệ thuật, có uy tín nghề nghiệp, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ, nhưng chưa đạt tỉ lệ phiếu đồng ý trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định”.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89 được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (https://bvhttdl.gov.vn), tiếp thu ý kiến đóng góp đến hết ngày 22/6/2020.