Tiếng kêu từ đình làng Vạn Phúc

Minh Phúc 06/07/2016 09:00

 Đã nhiều năm nay, di tích lịch sử quốc gia đình làng Vạn Phúc (phường Đội Cấn, Quận Ba Đình, TP Hà Nội) liên tiếp bị ngập nặng sau mỗi trận mưa lớn. Phải chống chọi với những trận mưa  nhưng ngôi đình vẫn đang xếp hàng chờ ngân sách.

Tiếng kêu từ đình làng Vạn Phúc

Đình làng Vạn Phúc ngập nặng (Ảnh Vũ Trần).

Cứ mưa là ngập nặng

Đình Vạn Phúc hay còn gọi là đình Tổng được xây dựng vào khoảng đầu thế kỉ thứ 11, thờ Đức Thánh Linh Lang Đại Vương, Tây trấn Thượng Đẳng Phúc Thần. Linh Lang Đại Vương có tên thường gọi là Hoàng Chân, là người con trai thứ tư của vua Lý Thánh Tông.

Khi nước ta có nạn ngoại xâm, hoàng tử mới xin với nhà vua cùng hoàng tử Chiêu Văn chỉ huy hạm chiến thuyền vượt biển Vĩnh An tiến công, dập tan quân xâm lược. Sau này hoàng tử hi sinh trong một trận đánh lớn, nhà vua cho phép nhiều làng trại trong cả nước xây dựng đền, miếu thờ, cùng sắc phong.

Với giá trị ấy, năm 1986, đình được Bộ VHTT&DL xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Tuy nhiên, đã nhiều năm nay những cơn mưa lớn trở thành nỗi ám ánh kinh hoàng đối với người dân sống xung quanh khu vực đình Vạn Phúc.

“Một di tích quốc gia sau cơn mưa là lại ngập từ trong ra ngoài tới 90 cm như thế này! Kêu nhiều nhưng chẳng ai thấu”- bà Nguyễn Thị Thịnh, Phó ban Quản lý di tích đình đền chùa Vạn Phúc phàn nàn. Bà dẫn chúng tôi vào trong phía trong hậu cung phân trần: “Cứ mỗi lần có mưa lớn, nước từ phía ngoài dồn cả vào trong này, chúng tôi không chạy kịp đành phải nhờ mấy thanh niên kê đồ đạc lên cao. Nước ngập sâu quá, các trụ cột bị ngâm quá lâu trong nước bây giờ đã mục ruỗng toàn bộ chân cột. Thậm chí mái đình do quá nhiều năm xuống cấp đã bị hư hỏng, dột nát, chúng tôi phải dùng bạt để che nhưng cũng chỉ cầm cự được một thời gian, bạt rách nước lại tuôn xối xả vào trong khu đình không còn biết chạy vào đâu nữa”.

Theo bà Thịnh, một trong những lý do biến toàn bộ khu đình trở cái “rốn nước” ấy là mỗi khi có mưa lớn đình nằm ở vị trí quá thấp so với những ngôi nhà xung quanh cứ nước ở tứ bề đồ dồn vào trong khu đình.

“Đình thấp, nhà xung quanh cao, đầm Cây Khế gần đó bị lấn chiếm, lấp dần. Vì thế mưa là nước dồn cả về đây”, một người dân cho biết. Cũng phản ánh của người này, bản thân tòa đại bái của đình cũng bị xuống cấp, phải chằng chống. Việc nước mưa ngấm thường xuyên càng làm di tích đã xuống cấp càng xuống cấp hơn.

“Một trong những nguyên chính khiến cho cấu kiện gỗ và nội thất của di tích xuống cấp là do môi trường quá ẩm thấp. Ngay cả khi nước rút rồi, nước ngấm vào vẫn tiếp tục làm chúng xuống cấp thêm. Nhìn thấy thế ai chẳng sót!”, ông Nguyễn Đức Bình, nhà nghiên cứu mĩ thuật cổ, nói. “Tôi cũng biết tình trạng xuống cấp này.

Thậm chí các cụ còn nói không dám trèo lên để che chỗ ngấm trên cao vì sợ ngã” - ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội nói. Ông cũng cho biết việc đình làng xuống cấp, ngập lụt diễn ra đã từ rất lâu. Bản thân ông cũng đã nhiều lần trực tiếp xuống thị sát và bàn bạc với Q.Ba Đình.

Theo phân cấp quản lý di tích cấp quốc gia, Sở không quản lí ngân sách mà đã phân cho chính quận này sẽ là đơn vị phải thu xếp kinh phí và thực hiện đề án tu bổ đình Vạn Phúc.

Vẫn điệp khúc chờ kinh phí

Trước thực trạng đó, nhiều đoàn cán bộ từ các sở, ban ngành, thậm chí cả lãnh đạo thành phố đã về thị sát để tìm ra phương án giải quyết nhưng đều “bế tắc”. Trao đổi với ông Thái Minh Hiền, Trưởng BQL di tích chúng tôi được biết trước đây diện tích của đình là 8.000 mét vuông, nhưng nay chỉ còn chừng 3.000 mét vuông.

Diện tích bị thu hẹp, không có lối thoái nước đã khiến ngôi đình làng thường xuyên bị ngập úng.

“Tôi đã viết nhiều lá đơn gửi lên lãnh đạo thành phố, thậm chí còn đích thân trên dưới chục lần gặp đồng chí lãnh đạo Quận để trình bày về phương án trùng tu, tôn tạo chứ không thể để một khu đình là nơi sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng của cụm dân cư bao năm qua cứ mưa đến là ngập, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào song vẫn chẳng thấy có tiến triển gì”- ông Hiền than thở.

Thế nhưng, bất ngờ thay, khi làm việc với BQL di tích, chúng tôi được biết đã có một dự án 34 tỉ đồng được đầu tư để chống xuống cấp, ngập lụt cho công trình. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại đó vẫn chưa nhận được tiền, vì theo người dân đó mới chỉ là dự án chứ hoàn toàn chưa có quyết toán ngân sách.

Giải thích về việc này, ông Trương Minh Tiến cũng xác nhận: hiện tại, việc tu bổ di tích này nằm trong kế hoạch tu bổ các di tích cho tới năm 2020 của Quận Ba Đình. Tuy nhiên, việc cân đối ngân sách tới giờ Quận này vẫn chưa làm được.

Với tư cách là đại biểu Quốc hội khoá XIII, ông Trần Ngọc Tăng cũng đã nhiều lần trực tiếp trao đổi với lãnh đạo TP Hà Nội, thậm chí không thể đứng nhìn ngôi đình ngày càng xuống cấp, ông còn có văn bản gửi đích danh Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.

Theo ông Tăng, lí do khiến cho đình làng Vạn Phúc đến nay vẫn chưa được trùng tu, tôn tạo vì Hà Nội có đến hàng trăm di tích bị xuống cấp nhưng nguồn kinh phí của thành phố còn hạn hẹp nên vẫn phải “xếp hàng”. “Tôi trăn trở lắm, nhiều lần xuống đó nhìn ngôi đình mà thấy đau lòng quá. Chúng ta không thể để một “địa chỉ” văn hoá chứa đựng nhiều giá trị về mặt tâm linh như thế bị xuống cấp. Quan trọng bây giờ là cần tập trung nguồn nhân lực, làm cách nào đó để có phương án tu bổ, tôn tạo, trùng tu chứ đình xuống cấp nghiêm trọng quá rồi”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếng kêu từ đình làng Vạn Phúc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO