Tiếng nói nghệ thuật trong không gian công cộng: Vẫn còn yếu ớt

Xuyên Sơn 12/12/2016 18:30

Để nâng lên sự hấp dẫn, cuốn hút của các không gian công cộng trên địa bàn Hà Nội như vườn hoa, công viên, quảng trường…, biến đó thành những điểm đến văn hóa, nghệ thuật, các tác phẩm điêu khắc, nhiếp ảnh và cả tác phẩm nghệ thuật mới, các phương tiện kỹ thuật hiện đại… có thể là những lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, sự kết hợp này gần như chưa được quan tâm.

Hà Nội cần chỉnh trang cả những điểm bất hợp lý như chiếc đồng hồ đặt tại không gian này không đẹp và lấn át tượng đài cũng như đền Bà Kiệu

Chưa đủ gợi ý hay còn hờ hững?

Từng có triển lãm điêu khắc Sài Gòn – Hà Nội mở trong khuôn viên Trường ĐH Văn hóa Hà Nội năm 2014, rất thú vị để giảng viên, sinh viên nhà trường có dịp tiếp cận các tác phẩm mỹ thuật mà bình thường vốn không phải ai cũng dành thời gian tìm đến các trung tâm triển lãm để thưởng thức.

Từng có nhiều ý kiến các chuyên gia, nghệ sĩ trên các diễn đàn, đặt vấn đề đưa các tác phẩm điêu khắc vào các công viên, vườn hoa, cũng như cải tạo, chỉnh trang hoặc xây mới các tượng đài phù hợp trong không gian này.

Những việc đã làm và nếu làm theo gợi ý trên, khi được nhân rộng, nghệ thuật điêu khắc sẽ thêm đường đến gần hơn với công chúng. Và các không gian chung, không gian công cộng sẽ được làm cho mới hơn, khác hơn bằng vẻ đẹp của nghệ thuật, nâng cao chất văn hóa, tính nghệ thuật cho đô thị trong quá trình phát triển.

Nhưng phải chăng những gợi ý đó chưa đủ sức tác động cho ngành văn hóa, chính quyền các địa phương của Hà Nội trong việc nâng lên tính thẩm mĩ cho các không gian chung, không gian công cộng bằng tác phẩm nghệ thuật?

Thực tế là nhiều không gian từ các vườn hoa, công viên chung của các quận, huyện, thị xã, đến các khuôn viên cây xanh của các khu đô thị mới, các khu chung cư…, ngoài hệ thống cây, hoa, đài phun nước, non bộ, cùng một số tượng đài đã có từ lâu, thì hầu như không thấy bóng dáng của tác phẩm điêu khắc ngoài tranh cổ động, pa nô, áp phích, băng rôn tuyên truyền nhân các dịp lễ tết, các chiến dịch tuyên truyền.

Ngay cả những tượng đài tọa lạc ở đây cũng có những nơi không được chăm sóc tốt, tượng đài còn bị cản trở, hạn chế về tầm nhìn hoặc bị ảnh hưởng từ các hạng mục, phương tiện khác bên cạnh.

Thiếu những điểm nhấn, lâu cải tiến, thay đổi về hình thức, cảnh quan, không có sự cộng hưởng của các tác phẩm nghệ thuật, nên nhìn vào các vườn hoa, công viên hay các khuôn viên tại các khu chung cư, đô thị mới, dễ nhận thấy sự trống trải, có những khi đơn điệu và giống nhau.

Tác phẩm “Lúa trời” của Bùi Hải Sơn tại Triển lãm điêu khắc Sài Gòn - Hà Nội 2016.

Ngay cả với các quảng trường thì ngoài hệ thống cây cối, nhà cửa, công trình lân cận, dường như nơi đây chỉ có những dòng xe tấp nập mà thiếu đi những hình ảnh mới, khác, những thay đổi làm cho nơi này có thể trở nên lạ hơn, thú vị hơn trong một khoảng thời gian nào đó.

Và các không gian công cộng trên vẫn được chăm sóc để tồn tại theo kiểu “truyền thống”: “lùm cây, thảm cỏ, lối thẳng cây trồng”.

Đừng bỏ qua nhiều phương án hay

Thực tế phát triển nghệ thuật điêu khắc những năm gần đây cho thấy có nhiều thay đổi, phát triển mới về chất liệu, hình dáng, quan niệm nghệ sĩ.

Đã xuất hiện không ít những sáng tạo hướng đến không gian thiên nhiên, không gian đông người, hướng đến khả năng ứng dụng vào thực tế và khả năng tương tác với công chúng.

Đây thực sự là những cánh cửa mở để các nghệ sĩ và nhà quản lý văn hóa, quản lý đô thị, chuyên gia quy hoạch… có thể gặp nhau cho diện mạo mới của không gian công cộng, cũng như đường đi mới của các tác phẩm.

Và có lẽ, với các vườn hoa, công viên, khuôn viên chung…, các tác phẩm điêu khắc có thể là một lựa chọn tiêu biểu trong bối cảnh hiện tại. Nhưng bên cạnh đó, còn có nhiều hình thức khác mà các bên liên quan nên nghiên cứu.

Đó có thể là hệ thống tranh tường, phù điêu, hệ thống pa nô thể hiện các tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật đặc sắc…

Những tác phẩm, vật phẩm, phương tiện đó đều có thể trang bị để thêm nội dung, thêm sắc màu mới cho các không gian công cộng nhằm phục vụ công chúng.

Một ví dụ sinh động chính là sự hiện diện của con đường gốm sứ ven đê sông Hồng những năm gần đây.

Cụm tác phẩm “Sức mạnh vùng đất” của nghệ sĩ điêu khắc Đàm Đăng Lại tại không gian Flamingo Đại Lải – Vĩnh Phúc

Dù có những đánh giá khen, chê khác nhau, hoặc việc chăm sóc những bức tranh gốm chưa được liên tục, có lúc chưa được chu đáo, nhưng rõ ràng, những hình ảnh đa dạng, màu sắc phong phú của những bức tranh gốm được thể hiện tại đây đã làm cho không gian này đẹp lên, khác trước rất nhiều và độc đáo hơn nhiều đường phố khác.

Ngay cả việc khai thác các không gian vườn hoa, công viên, khuôn viên cây xanh để thực hiện các tác phẩm sắp đặt cũng đáng là một hướng nhằm đưa nghệ thuật mới, nghệ thuật đương đại đến gần hơn với công chúng.

Tạo điều kiện cho nghệ sĩ tiếp cận xã hội không chỉ trong các khán phòng, nhà trưng bày triển lãm.

Và với các không gian có tính quảng trường, việc nghiên cứu ứng dụng các phương tiện, kỹ thuật nghe, nhìn để làm đẹp, làm mới lạ hơn một cách hợp lý, không gây ảnh hưởng đến hoạt động giao thông, cũng nên được suy nghĩ thử nghiệm.

Triển lãm điêu khắc Sài Gòn – Hà Nội 2016 khai mạc ngày 12/12, lần này là tại Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội.

Cũng mới đây, một triển lãm tác phẩm điêu khắc do Cục mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm tổ chức với mục tiêu gợi mở cho sự tham gia của điêu khắc vào không gian công cộng (Đáng tiếc, mong muốn trưng bày tác phẩm ở ngay trong không gian khuôn viên một khu chung cư cao cấp đã không thành!).

Và cách đây chưa lâu, triển lãm tác một số phẩm điêu khắc với kích thước lớn đã được khai trương trong không gian Flamingo Đại Lải – Vĩnh Phúc, đây là lần thứ hai thành công sau lần thứ nhất đã gây được tiếng vang.

Những sự kiện trong này, trong khoảng thời gian ngắn trở lại đây, hy vọng sẽ tiếp tục là tiếng chuông vang đến tư duy thẩm mĩ, vọng vào quan niệm về chăm sóc, làm đẹp, nâng cao các không gian công cộng của thủ đô văn hiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếng nói nghệ thuật trong không gian công cộng: Vẫn còn yếu ớt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO