TP Hồ Chí Minh: Phát triển báo chí trong tình hình mới

Thành Luân 26/05/2020 08:00

Theo Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP HCM đến năm 2025 vừa được phê duyệt, TP HCM còn 19 cơ quan báo chí, trong đó có 7 báo in, 1 đài truyền hình, 1 đài phát thanh và 10 tạp chí. Việc quy hoạch được đánh giá giúp tinh gọn, tăng tính tự chủ kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tính tương tác cao, theo hướng minh bạch, hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích.

Theo đề án này, TP HCM sắp xếp, tinh gọn còn 19 cơ quan báo chí, bao gồm 7 báo in (SGGP, Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Phụ Nữ TP, Pháp Luật TP, Công Giáo và Dân Tộc, Giác Ngộ). Ngoài ra, thành phố tiếp tục giữ 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình và 10 tạp chí. Sau khi đề án được phê duyệt, các cơ quan báo chí của TP HCM sẽ được tạo điều kiện về lộ trình cải cách, sắp xếp theo hai giai đoạn. Mục tiêu các cơ quan báo chí hoàn thành việc sắp xếp, ổn định, hoạt động theo yêu cầu mới.

Đến năm 2025, trong khi tiếp tục quy hoạch để nâng tầm thành một cơ quan truyền thông đa phương tiện, TP HCM vẫn sẽ là trung tâm báo chí lớn nhất của cả nước. Dự kiến sau quy hoạch, báo in và tạp chí in tại thành phố sẽ hoạt động theo mô hình một cơ quan báo in có nhiều ấn phẩm. Đối với phát thanh, truyền hình hoàn thiện tổ chức nhân sự theo mô hình tinh gọn, hiệu quả. Đối với báo điện tử và tạp chí điện tử tập trung phát triển báo điện tử, tạp chí điện tử chủ lực có kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tính tương tác cao, phong phú về nội dung, thu hút công chúng, định hướng dư luận xã hội.

Như vậy, so với thời điểm hiện tại, sau quy hoạch đô thị lớn nhất nước giảm đi 8 cơ quan báo chí. Trên thực tế, các cơ quan này được chuyển thành 6 ấn phẩm phụ và 2 bản tin. Ngoài các báo của thành phố, các cơ quan báo chí, truyền hình và đài phát thanh của trung ương và địa phương vẫn duy trì văn phòng đại diện và cử phóng viên thường trú. Hiện nay, có 161 cơ quan báo chí trung ương, địa phương hoạt động theo hình thức này tại TP HCM, bên cạnh 10 chi nhánh đơn vị hoạt động truyền hình trả tiền, cùng hàng chục đơn vị hoạt động truyền hình thu qua vệ tinh. Xét về quy mô sau quy hoạch, hoạt động báo chí tại đô thị lớn nhất nước vẫn bao gồm đầy đủ các loại hình báo chí như báo in, truyền hình, phát thanh, báo điện tử, giúp TP HCM duy trì là trung tâm báo chí lớn của cả nước.

Theo cơ quan phê duyệt đề án, việc sắp xếp, quy hoạch báo chí tại thành phố ngoài thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; còn hướng đến đổi mới mô hình, tổ chức để phát huy cao nhất hiệu quả của một trong những trung tâm báo chí lớn nhất cả nước.

Hiện nay, TP HCM là địa phương đầu tiên của cả nước thí điểm mô hình thành lập Trung tâm báo chí TP HCM, với mục tiêu cao nhất là hỗ trợ minh bạch, nhanh chóng các thông tin, hoạt động giám sát, giải trình từ các cơ quan Nhà nước đến các cơ quan báo chí một cách nhanh chóng, đảm bảo độ tin cậy, khách quan. Theo UBND TP HCM, cùng với quy hoạch, sắp xếp cơ quan báo chí, thành phố sẽ hỗ trợ và tạo cơ chế cho các cơ quan đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển, phát huy hiệu quả cao nhất…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Hồ Chí Minh: Phát triển báo chí trong tình hình mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO