Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố: Nhân sĩ một lòng theo cách mạng

Phan Thanh 09/02/2016 11:48

Là một học giả thông kim bác cổ thành đạt thời Pháp thuộc, từng được liệt vào đội ngũ tứ quý trí thức “Quỳnh, Vĩnh, Tố, Tốn” (Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn), từng là Hội trưởng Hội Trí tri, sau Cách mạng mùa Thu  năm 1945, Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố đã hào hứng tham gia chính quyền mới. 

Ông đã đảm nhiệm trọng trách Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ Lâm thời và Chính phủ Liên hiệp lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch. Ông cũng đã là Quyền Chủ tịch Quốc hội khoá đầu tiên của chính thể Dân chủ Cộng hòa. Năm 1947, Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố bị giặc Pháp bắt và sát hại trong một trận càn ở Bắc Kạn. Khi đó, ông đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Không bộ của Chính phủ Kháng chiến nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Theo một số nguồn tư liệu, Nguyễn Văn Tố nguyên quán ở xứ Hà Đông cũ, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Còn theo tài liệu chính thức của Quốc hội, ông sinh ngày 5-6-1889 tại làng Đông Thành, huyện Thọ Xương cũ, nay là phố Bát Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Lớn lên trong thời Nho học đang trên đà thoái trào nhưng vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm trong tâm thức người Việt, nên cậu bé Tố cũng đã có những năm tháng tuổi thơ “tri hồ giả dã” như nhiều đứa trẻ cùng trang lứa và tìm thấy ở trong đó những nền móng trí thức bền chắc hàng nghìn năm của nền văn hóa phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng.

Khi đã có một căn bản văn hóa Nho giáo trong mình rồi, gặp phải các ông đồ buộc phải “vứt bút lông đi, viết bút chì” (Thơ Tú Xương), Nguyễn Văn Tố đã chuyển sang học tiếng Pháp. Những hơi thở mới của nền văn minh phương Tây không làm cho Nguyễn Văn Tố cảm thấy bị choáng ngợp mà chỉ giúp ông củng cố thêm cốt cách Nho sĩ đích thực, thức thời nhưng không xu thời, dám đổi mới nhưng không lìa bỏ những cái cũ còn có hiệu ứng tích cực trong thời hiện đại.

Sau khi đỗ bằng Thành Chung (tương đương bậc trung học), Nguyễn Văn Tố vào làm phụ tá ở Viện Viễn Đông bác cổ Hà Nội và nhanh chóng trở thành một công chức tuổi dù còn trẻ nhưng sớm khả kính vì phong cách làm việc cẩn trọng, mẫn cán cũng như vốn trí thức dồi dào, thông tuệ. Theo nhận định của nhà văn Thiếu Sơn trong bài viết “Bài học Nguyễn Văn Tố”, mặc dầu chỉ ở vị trí công chức không cao, bằng cấp cũng không cao nhưng Nguyễn Văn Tố ngay từ trẻ đã bộc lộ một năng lực làm việc rất không tầm thường, “một học vấn cao và một trí nhớ kinh khủng”.

Nguyễn Văn Tố có khả năng tự học rất lớn, lại rất chịu khó đào sâu suy nghĩ nên tiến bộ rất mau trong nghề viết, cả bằng chữ Quốc ngữ lẫn trực tiếp bằng tiếng Pháp. Thậm chí không phải người Pháp nào cũng am tường những tinh tế của tiếng Pháp như ông. Nhà văn Thiếu Sơn thuật lại: “Đã có một nhà bác học Pháp cãi với ông về một danh từ. Trước một cuốn tự vị to tướng và dày cộm, ông vừa cãi vừa lật, trưng ngay chương sách có chữ đó chỉ cho người đối thoại của ông để chứng minh rằng ông đã nói trúng”.

Chỉ sau một giai đoạn ngắn thử bút trên Đông Dương tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh bằng những đoạn văn dịch từ các tác giả Pháp nổi tiếng, Nguyễn Văn Tố đã gây được ấn tượng mạnh với giới trí thức Việt Nam và Pháp lúc ấy bằng những bài chuyên luận và khảo cứu viết bằng tiếng Pháp, thường là công bố trên tờ “Avenir du Tonkin” (in ở Hà Nội) và “Courrier d’Haiphong” (in ở thành phố Hoa phượng Đỏ). Và trên cả phụ trương Pháp văn “Supplément en Francais” của tờ “Nam Phong”. Những bài biên khảo và nghiên cứu văn hóa, lịch sử nước nhà của Nguyễn Văn Tố rất phong phú và đa dạng. Và có giá trị không nhỏ ngay cả đối với ngày hôm nay.

Có thể nói Nguyễn Văn Tố luôn là người đau đáu với việc xây dựng một khoa học lịch sử cho nước Việt thời hiện đại. Ông đồ Nguyễn Văn Tố đã sớm có cách nhìn rất duy vật biện chứng về môn nghiên cứu lịch sử. Trong bài báo “Đã đến ngày viết lại quyển Nam-sử chưa?” đăng trên tạp chí Tao Đàn số 1 (tháng 3- tháng 6 năm 1939), Nguyễn Văn Tố viết:

“Ở nước ta tài liệu làm sử rất là ít ỏi; thư tịch, cổ tích không còn mấy; so với Cao Miên hay Chiêm Bà, sử học nước ta không lấy gì làm tiến bộ. Phần nhiều chỉ chép các triều vua, mà đến triều vua chép cũng không được minh bạch, khúc triết... Đã hay rằng sử học cũng là “cái hộc ước lượng, dựng thành rồi lại phá vỡ”, nhưng phải nhớ rằng không phải là một cái khoa thực nghiệm, cốt có phương pháp thì thôi.... Người viết sử ... chớ theo việc to mà bỏ việc nhỏ. Không những thế mà thôi, còn cần phải khảo sát đến cả văn minh từng đời một. Đã bàn đến triều vua thì lẽ gì lại bỏ việc dân? Dân mới là cái nguồn gốc của văn hóa, lực lượng của đất nước, phẩm giá của thời đại. Muốn biết cái phẩm giá ấy, cần phải biết lịch sử tiến hoá của dân, mà muốn biết sự tiến hoá của dân thì phải biết nền học nghệ, cách ăn mặc, sự hành động về tôn giáo, về luật pháp, về chính trị. Vậy muốn viết một bộ sử ký hoàn bị, cần phải khảo cứu về mọi phương diện, nhân loại học, cổ điển học, minh văn học, cổ tục học... Những môn học ấy tuy đã có người ra công nghiên cứu, song hãy còn vào thời phôi thai; ai là học giả nên góp sức vào đôi chút, mới mong chóng đến ngày viết lại một quyển Nam sử thật có giá trị...”

Bút hiệu Ứng Hoè xuất hiện lần đầu trên tuần báo “Tri Tân” do Hoa Bằng làm chủ bút. Tới với cái mới nhưng trên cơ sở của những bền chắc xưa cũ để kim cổ, đông tây kết hợp hài hòa, đó có lẽ cũng là một thông điệp mà Nguyễn Văn Tố muốn gửi gắm qua bút hiệu này. Cõ lẽ cũng không ngẫu nhiên mà Ứng Hoè không bao giờ mặc đồ Tây. Trong nhiều năm liền đã luôn luôn búi tó, (“búi tóc vấn thành một củ hành bự trên ót”, như miêu tả của nhà văn Thiếu Sơn). Khi Tự lực văn đoàn dồn lực cổ suý cho phong trào vui vẻ trẻ trung, tờ “Phong hóa” đã liên tục cho đăng không chỉ một bài báo về cái búi tó của Ứng Hoè, làm ông cuối cùng cũng phải “xuống tóc”. Chắc là khi ấy ông cũng cảm thấy xót xa lắm vì trong cách nghĩ quen thuộc của ông, cái búi tó chính là bản sắc Việt Nam của một trí thức, dù Tây học nhưng vẫn quyết không thể xa rời bản sắc văn hóa truyền thống của mình. Nhưng thôi, thời thế thế thì ta cũng đành phải thế!

Bỏ búi tó nhưng Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố dứt khoát không chịu khoan nhượng trong nhận thức về những cái đúng sai. Tinh tường, chắc chắn và đôi lúc cũng không kém phần chua cay, trong nhiều bài phê bình, Nguyễn Văn Tố đã đóng vai trò “người dọn vườn” thẳng thắn trong làng văn, làng báo nước Việt những năm 30-40 của thế kỷ trước. Không mặc cảm về bằng cấp, trong các bài báo bằng tiếng Pháp, ông lấy sở học thực chất của mình làm chỗ dựa “viết những bài phê phán các luận án của mấy ông nghè Tây, đại khái như luận án của những ông Trần Văn Chương, Nguyễn Mạnh Tường v.v..” (dẫn theo bài đã nhắc tới của nhà văn Thiếu Sơn).

Phương châm hành xử của Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố có lẽ đã luôn theo tinh thần “Platon là bạn tôi, nhưng chân lý quý hơn”. Nói của đáng tội, theo nhận xét của nhà văn Vũ Ngọc Phan trong bộ “Nhà văn hiện đại”, lối phê phán của Nguyễn Văn Tố lắm khi cũng hơi nghiệt ngã, một chiều, theo phương châm “yêu cho roi, cho vọt”, tức là “chỉ tìm những cái dở, cái xấu, vài khuyết điểm trong một quyển sách, chứ không bao giờ kể đến phần hay”. Thành ra những người được cụ “quất ngọn roi phê bình” lắm khi cũng sôi máu.

Cũng nhà văn Thiếu Sơn cho biết: “Ông Tường là người háo thắng liệt ông (Nguyễn Văn Tố-TG) vào hạng những “bọn sơ học” (les primaires). Thật ra thì Nguyễn Văn Tố chỉ có mảnh bằng Thành Chung... Trước mắt tiến sĩ tuổi trẻ, tài cao đậu thủ khoa cả về văn chương lẫn luật học như Nguyễn Mạnh Tường thì một người chỉ có mảnh bằng Thành Chung đích thị là một anh “sơ học”. Nhưng những khuyết điểm và sai lầm mà người ta đã nêu ra trong luận án tiến sĩ của ông, ông nghè nhà ta cũng không cãi được...”

Cũng theo nhà văn Thiếu Sơn kể lại về Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố: “Chữ ông rất đẹp, rõ ràng minh bạch như người ông. Ông còn có đặc điểm không bao giờ chịu ngồi xe cho người ta kéo, chuyên môn cuốc bộ, một ngày bốn buổi từ nhà ông ở phố Hàng Bát tới sở làm ở Viện Viễn Đông bác cổ”. Mặc dầu rất được chính quyền thuộc địa trọng đãi nhưng Nguyễn Văn Tố không thích đứng hòa lẫn với giai cấp thống trị ngồi mát ăn bát vàng. Chính vì thế nên dẫu không phải là người có tinh thần tranh đấu quyết liệt với chế độ thực dân, nhưng lòng yêu nước thương nòi đã giúp Nguyễn Văn Tố đến với cách mạng tháng Tám năm 1945 như một lẽ tự nhiên, “hăng say và kiên quyết” (chữ dùng của nhà văn Thiếu Sơn).

Trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 6-1-1946, Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố đã trúng cử đại biểu Quốc hội với tư cách là đại biểu của tỉnh Nam Định. Nhân cách và trí tuệ cùng uy tín xã hội cao đã đưa ông lên làm lãnh đạo trong Ban Thường trực đầu tiên của Quốc hội khóa 1. Rồi ông được bầu làm Quyền Chủ tịch Quốc hội. Lên chiến khu, ông vẫn giữ một tấm lòng trung kiên vì dân, vì nước, không vì hiểm nguy hay thiếu thốn vật chất mà thay lòng đổi dạ.

Ngày 8/10/1947, thực dân Pháp tấn công vào thị xã Bắc Kạn và bắt được Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố, thủ tiêu ông… Hay tin dữ, Bác Hồ đã viết những câu điếu Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố đầy trân trọng và cảm động:

“Nhớ cụ xưa,
Văn chương thuần tuý, học vấn cao sâu
Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết
Mở mang văn hoá, cụ dốc một lòng
Phú quý, công danh cụ nào có thiết
….
Cụ dù hy sinh, tinh thần cụ ngàn thu sẽ vẻ vang bất diệt
….
Chính phủ khôn xiết buồn rầu, đồng bào khôn xiết nỗi lòng thương tiếc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố: Nhân sĩ một lòng theo cách mạng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO