Chiều 27/8 Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam chủ trì tổ chức Diễn đàn khoa học “Tập quán mai táng của người Việt Nam xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra”. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự và chủ trì diễn đàn.
Quang cảnh diễn đàn.
Tập quán mai táng của người Việt Nam gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh, tôn giáo của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ, tộc người. Mai táng là việc hệ trọng không chỉ với mỗi cá nhân mà còn của xã hội. Hiện nay, tập tục mai táng truyền thống của người Việt đang bộc lộ nhiều bất cập, gây những ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường ở cả đô thị và nông thôn.
GS.TS Nguyễn Quang Thuấn- Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phát biểu: “Đối với vùng đồng bằng, đa số người Kinh có tập quán địa táng. Tức là người chết được chôn xuống đất (hung táng), sau vài năm được cải táng (cát táng). Quy trình này có nhiều lễ phức tạp, tốn kém thời gian, chi phí, đồng thời làm cho môi trường đất, nước ở nhiều khu vực quanh cách nghĩa địa bị ô nhiễm, trở thành nỗi ám ảnh, thậm chí tác động xấu đến sức khỏe của người dân trong khu vực”. PGS.TS Đinh Quang Hải-Viện trưởng Viện Sử học cho rằng: Ở Việt Nam từ thời dựng nước tới nay song hành hai hình thức mai táng phổ biến là địa táng và hỏa táng. Nhưng hình thức địa táng là phổ biến hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển hiện nay, dân số tăng nhanh, diện tích đất canh tác thu hẹp dần thì nhiều người dân chọn hình thức hỏa táng sơ, giữ lại xương cốt rồi chôn vào một ngôi mộ nhỏ vĩnh viễn.
GS.TS Lê Hồng Lý (Viện Nghiên cứu Văn hóa) nói: “Thực tế, vấn đề mồ mả, mai táng như thế nào là để cho người sống. Người ta ganh nhau xây mồ to mả lớn để thể hiện sự giàu có, vai vế lớn trong xã hội. Trước đây, gia đình người có điều kiện thì làm áo quan bằng gỗ vàng tâm. Không có điều kiện thì làm gỗ thường. Từ mộ đất chuyển sang xây cất, rồi ốp đá hoành tráng. Trước đây, người dân trong làng tự quy hoạch nghĩa trang riêng và khá khoa học. sau này việc chôn cất trở nên lộn xộn. Nghĩa trang của thành phố phải chuyển đi nơi xa. Theo thống kê, từ năm 2005, cả nước có tới 97.000 ha dành cho nghĩa trang. Số liệu của Sở TNMT TP Hồ Chí Minh cho biết năm 2011 có tới 951 ha đất là nghĩa trang. Dự kiến đến năm 2020 là 1.000 ha. Còn với Hà Nội, sau gần 50 năm hoạt động, ngày 1/7/2010 khu địa táng của nghĩa trang Văn Điển đã đóng cửa vì không còn đất phục vụ địa táng. Vấn đề đất đai cho địa táng trở nên bức thiết. Vì vậy, đảng viên, những người có chức vụ, người giàu có phải gương mẫu làm gương để người dân thực hiện theo. Ở nhiều nước tiên tiến, mộ của nhiều danh nhân chỉ là một mảnh đất nhỏ, trên đặt bia…”.
Nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu tại diễn dàn đều nêu giải pháp, sáng kiến điện táng. TS Nguyễn Thị Thanh Bình (Viện Dân tộc học) cho biết: “Từ hung táng (cát táng) đến hỏa táng (chôn một lần) là một bước thay đổi lớn trong nhận thức và quan niệm của người dân, nhất là vùng đồng bằng Bắc Bộ. Số lượng và tỷ lệ hỏa táng của Hà Nội trong những năm trở lại đây tăng.
TS Hoàng Kim Khuyên (Viện Nhà nước và pháp luật) phân tích các căn cứ pháp lý quy định về mai táng và nghĩa trang. Những luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 23/2016 của Chính phủ quy định về xây dựng quản lý nghĩa trang, Thông tư số 02/2009/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong mai táng, Thông tư 01/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật… Bên cạnh Nhà nước đầu tư, còn khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia xây dựng nghĩa trang theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, theo TS Hoàng Kim Khuyên: Khi thực hiện thì nhiều vị trí không đảm bảo quy hoạch xây dựng nghĩa trang. Thứ hai, không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật đã quy định. Thứ ba, tại nhiều nghĩa trang ở cơ sở còn vi phạm quy định pháp luật do nhận thức của người dân. Thứ tư, còn thiếu hoặc chế tài xử lý hành vi vi phạm còn nhẹ. Thứ năm, thực tiễn di dời, xóa bỏ các nghĩa trang xen kẽ tại các đô thị đang gặp nhiều khó khăn...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiếp nhận các ý kiến tham gia diễn đàn của các nhà khoa học và cho biết, những ý kiến, nghiên cứu của các nhà khoa học rất cần thiết để Chính phủ tiếp thu, điều chỉnh hoặc ban hành các chính sách liên quan.