Vẫn khó bài toán năng lượng tái tạo

Minh Phương 18/06/2020 09:00

Để phát triển năng lượng tái tạo, một trong những yếu tố quan trọng là phải đầu tư phát triển lưới điện đảm bảo yêu cầu đặt ra của các dự án năng lượng tái tạo thời gian tới.

Các dự án điện mặt trời phát triển quá nhanh, trong khi lưới truyền tải không theo kịp. Nguồn:EVN.
Các dự án điện mặt trời phát triển quá nhanh, trong khi lưới truyền tải không theo kịp. Nguồn:EVN.

Trong khi các nguồn năng lượng sơ cấp trong nước như thủy điện, than, dầu khí đang ngày càng cạn kiệt và Việt Nam từ một nước xuất khẩu năng lượng đang trở thành nước nhập khẩu thì việc tăng cường phát triển các nguồn năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu để giải bài toán an ninh năng lượng.

Công suất vượt quy hoạch

Việt Nam là nước có tiềm năng gió lớn nhất trong 4 nước trong khu vực khi có hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hàng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65m, tương đương với tổng công suất 512GW.

Đặc biệt, hơn 8% diện tích Việt Nam được xếp hạng có tiềm năng gió rất tốt. Không chỉ tiềm năng về gió, vùng đất giàu ánh nắng mặt trời, có thể phát huy nguồn điện mặt trời của chúng ta cũng rất rộng lớn. Số liệu thống kê cho biết, với tổng số giờ nắng trung bình cả nước lên đến trên 2500 giờ/năm và cường độ bức xạ trung bình 4,6 kWh/m2/ngày,theo hướng tăng dần về phía Nam, đây là cơ sở tốt cho phát triển các công nghệ năng lượng mặt trời của Việt Nam.

Thời gian qua, với cơ chế, chính sách “mở” tạo điều kiện để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, các dự án điện gió, điện mặt trời đã được đầu tư phát triển mạnh mẽ.

Đặc biệt, riêng đối với điện mặt trời, do năm 2017 Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giá mua điện (giá FIT) là 9,35 UScent/kWh (có hiệu lực đến 6/2019), nên chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, các nhà đầu tư đã tranh thủ triển khai ồ ạt các dự án điện mặt trời.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, tính đến cuối năm 2019, đã có gần 5.000 MW điện mặt trời được đưa vào vận hành, trong khi quy mô dự kiến trong quy hoạch điện VII điều chỉnh cho năm 2020 chỉ ở mức 850 MW và năm 2025 là 4.000 MW. Như vậy, nhìn qua, con số 5.000 MW là vượt quá nhiều so với mức trong quy hoạch.

Thực tế này đang tạo áp lực cho mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam. Bản thân Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho biết, việc phát triển quá nhanh các dự án điện mặt trời, đặc biệt tại khu vực phía Nam trong khi lưới điện hiện có mới giải tỏa được 70% công suất của các dự án năng lượng tái tạo… đó thực sự là bài toán khó khăn cho ngành điện hiện nay.

Đơn cử như tại tỉnh Cà Mau, thông tin từ UBND tỉnh này cho biết, hiện trạng lưới điện của tỉnh có đường dây truyền tải cấp điện áp 220kV để giải phóng công suất cho Nhà máy điện Cà Mau 1 & 2, gồm 4 tuyến đường dây (8 mạch) đi các tỉnh lân cận hiện đang mang tải khoảng 40% so với công suất thiết kế, do đó, trong thời gian tới cơ bản đáp ứng công suất cho các dự án điện gió đã được tỉnh trình bổ sung vào quy hoạch. Tuy nhiên, nếu các dự án điện gió và điện khí đều vào đồng loạt thì lưới điện truyền tải không thể đáp ứng.

Cùng chung “nỗi niềm” như Cà Mau, tỉnh Bình Thuận có tiềm năng mạnh về phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời. Song, theo Sở Công thương Bình Thuận, tình hình hạ tầng lưới điện đấu nối, truyền tải hiện nay không đủ khả năng giải phóng công suất phát điện.

Cụ thể, Sở Công thương tỉnh cho biết, trong năm 2019 và năm 2020, việc đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời (tổng cộng 21 nhà máy, tổng công suất 903,48 MW - tương đương 1.137,5 MWp) có tình trạng quá tải lưới điện 110 kV, nhất là khu vực Tuy Phong, không đáp ứng việc giải phóng công suất các nhà máy điện gió và điện mặt trời, dẫn đến các nhà máy bị cắt giảm công suất phát điện, giảm hiệu quả đầu tư, lãng phí tài nguyên năng lượng...

Tìm lời giải

Theo TS Nguyễn Mạnh Hiến, trong xu thế nhu cầu tiêu thụ điện tăng khoảng 8%/năm đến 2030 trong khi GDP tăng bình quân khoảng 6-7%/năm (hệ số đàn hồi lớn hơn 1,0), thì giải pháp hữu hiệu và ít tốn kém nhất là cải thiện sử dụng năng lượng hiệu quả. Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, để phát triển năng lượng tái tạo, một trong những yếu tố quan trọng là phải đầu tư phát triển lưới điện đảm bảo yêu cầu đặt ra của các dự án năng lượng tái tạo thời gian tới.

Cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lưới điện truyền tải, ông Nguyễn Huy Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Greenery nêu quan điểm, thực tế, hiện nay chưa có lưới điện riêng đối với năng lượng tái tạo. Các dự án điện gió, điện mặt trời sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành rất nhanh chóng, trong khi để chuẩn bị lưới điện cho truyền tải, từ khâu quy hoạch đền bù giải phóng mặt bằng cho đến đầu tư xây dựng lại mất một khoảng thời gian rất dài.

Bởi vậy, vị này cho rằng, trong quy hoạch, mặc dù đã có sự đồng bộ giữa việc phát triển năng lượng tái tạo cũng như phát triển điện lưới nhưng đây là vấn đề cần được quan tâm lớn.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, để giải bài toán cho phát triển năng lượng tái tạo thời gian tới, cần có cơ chế chính sách ưu tiên về giá điện, lãi suất vốn vay hợp lý để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực này. Nói riêng với từng loại hình năng lượng tái tạo, TS Nguyễn Mạnh Hiến cho rằng, đối với điện gió cần đẩy mạnh phát triển các dự án ngoài khơi, nơi có tốc độ gió cao và ổn định nên có thể nhận được công suất và sản lượng cao, giá thành hạ.

Còn với điện mặt trời, cần quan tâm khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời áp mái vì có thể huy động được nguồn lực các cá nhân, DN, lại không cần phải đầu tư lưới điện đấu nối.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vẫn khó bài toán năng lượng tái tạo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO