Vẫn khổ vì chi phí logistics

THANH GIANG 22/01/2022 09:00

Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 về cơ bản đã được kiểm soát, mọi hoạt động thông thương trở nên bình thường, song chi phí logistics quá cao đang gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp xuất khẩu đau đầu với chi phí logistics tăng cao.

Chi phí logistics đội lên nhiều lần

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho biết, doanh nghiệp (DN) trong ngành nhận được đơn hàng lớn từ các nước nhưng buộc phải thận trọng vì giá nguyên liệu đầu vào tăng 30% - 50%, đặc biệt phí dịch vụ logistics tăng cao. Bà Chi dẫn chứng, ngay từ năm 2020, cước vận chuyển hàng hóa đường biển đã tăng gấp 2 - 3 lần so với trước. Đến nay, loại phí này cao gấp 5 - 6 lần, thậm chí cao hơn 10 lần so với trước.

Theo tính toán của lãnh đạo Hiệp hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cước phí một container đi Nga từ 3.000 USD tăng lên 8.000 - 10.000 USD, thời gian vận chuyển mất hơn ba tháng thay vì chỉ 25 ngày như trước đây. Giá cước phí một container loại 40 feet từ Việt Nam đi Mỹ trước đây có giá từ 2.000 USD trở lại, 28 ngày đến nơi. Hiện nay giá tăng lên 13.000 - 15.000 USD/container, thời gian vận chuyển kéo dài gần ba tháng. Chưa hết, tuyến vận tải đi Australia cũng tăng từ 1.200 USD lên 9.000 USD/container. Giá thành sản xuất cao, thời gian vận chuyển kéo dài khiến cả DN xuất khẩu lẫn đối tác phân phối ở nước ngoài rơi vào thế bị động do thời hạn sử dụng sản phẩm thực phẩm bị rút ngắn và giá sản phẩm bị đội lên cao.

Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến đồ gỗ TPHCM cho biết, hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới, nhưng DN không dám nhận quá nhiều đơn hàng vì chi phí đầu vào tăng cao, đau đầu nhất chính là chi phi logistics. Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Cường - Phó Chủ tịch Hiệp hội Logictics (VLA) TPHCM cũng cho rằng, từ khi dịch Covid-19 xảy ra đầu năm 2020 hoạt động vận tải biển tại các cảng đều ảnh hưởng. Đặc biệt, trong thời gian đầu của dịch bệnh phí vận tải biển tăng 5 - 10 lần, tạo áp lực lên DN xuất nhập khẩu rất lớn. Ông Cường cho biết, trước đây hàng từ cảng Cái Mép - Thị Vải đi Hoa Kỳ khoảng 18 - 20 ngày nhưng hiện nay kéo dài tới 3 tháng...

Phát triển bài bản để kéo giảm chi phí

Cộng đồng DN xuất khẩu cho biết, do chi phí dịch vụ logistics tăng cao khiến DN mất đơn hàng, mất thị trường đã xây dựng nhiều năm qua. DN kỳ vọng cơ quan nhà nước, bộ ngành có những chính sách logistics cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn.

Rõ ràng, hệ lụy của chi phí logistics cao, thời gian vận chuyển kéo dài ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. VLA cho rằng, DN không đảm bảo được sản xuất nên đã có sự dịch chuyển đơn hàng sang nước khác. Nếu tình trạng diễn ra lâu sẽ đối mặt với nguy cơ mất hẳn khách hàng do sự thay đổi chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, DN đối mặt với nguy cơ trễ đơn hàng, đền hợp đồng… chấp nhận chuyển từ vận tải đường biển sang đường hàng không cho dù chi phí cao, không có lợi nhuận thậm chí thua lỗ để tránh vi phạm hợp đồng.

Mong muốn phát triển logistics một cách bài bản, cộng đồng DN đề nghị, Việt Nam cần hình thành mạng lưới logistics lớn và có cơ chế đặc biệt cho các DN này phát triển. Từ đó, giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa trong nước. “Cần thẳng thắn nhìn nhận các công ty logistics tại Việt Nam mới chỉ cung cấp các dịch vụ phổ thông cơ bản. Trong khi 65% và 73% hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu được thực hiện bởi doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hầu hết các gói logistics đều được chỉ định từ các gói thầu quốc tế. Doanh nghiệp Việt Nam chỉ tham gia một phân đoạn nhỏ trong chuỗi cung ứng”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logictics TP HCM Huỳnh Văn Cường nói. Lãnh đạo VLA hy vọng, Chính phủ cần khoanh vùng các công ty sản xuất được xác định là mũi nhọn của quốc gia, định hướng ưu tiên hợp tác với các công ty logistics đầu ngành Việt Nam theo đúng tinh thần “người Việt Nam ưu tiên dùng dịch vụ của công ty Việt Nam”.

Thu hút lượng hàng quá cảnh, trung chuyển

Theo VLA, với mức thu phí cơ sở hạ tầng cảng biển tại TP HCM quá cao. Dự kiến áp dụng cho hàng quá cảnh, trung chuyển, hàng qua kho ngoại quan với mức thu 2,2 triệu đồng/20 phút và 4,4 triệu đồng/40 phút khiến các hãng tàu buộc phải cân nhắc các dịch vụ tại cảng biển tại Việt Nam. Dự báo, khả năng dịch chuyển lượng hàng này qua các cảng lân cận khác trong khu vực. Nếu không có chính sách thu hút hấp dẫn thì các cảng biển Việt Nam sẽ mất lượng hàng này. Đề xuất, điều chỉnh giảm chi phí hạ tầng cảng biển cho các loại hình hàng hóa trung chuyển, quá cảnh, hàng gửi kho ngoại quan; thủ tục cần thông thoáng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vẫn khổ vì chi phí logistics

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO