Vẫn là sân chơi của… người khác

Nguyễn Trung 08/08/2021 10:30

Rất nhiều kỳ vọng, nhưng rồi cuối cùng Đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) cũng không thể hoàn thành mục tiêu có huy chương khi tham dự Olympic Tokyo 2020.

Ngày 30/7, chuyến bay mang mã số JL751 của Hãng hàng không quốc gia Nhật Bản Japan Airlines đã chở các đội tuyển Thể dục, Taekwondo, Cử tạ, Bắn súng, Judo, Rowing và một số cán bộ Đoàn TTVN trở về nước.

So với 5 năm trước, Đoàn TTVN có vẻ như đi xuống, cả về số lượng vận động viên tham dự lẫn thành tích. Tại Rio 2016, TTVN có 23 vận động viên tham dự ở 10 môn, giành 1 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc và thiết lập 1 kỷ lục (đều do xạ thủ Hoàng Xuân Vinh).

Tại Olympic lần này, giấc mơ đã không thành hiện thực. Lần này chỉ có 18 VĐV. Trắng huy chương, phải chăng “tre già nhưng măng chưa mọc”? Nguyễn Tiến Minh đã 38 tuổi. Hoàng Xuân Vinh 47 tuổi. Nguyễn Thị Ánh Viên đã sang tuổi 25, cho dù là độ tuổi đi xuống ở môn bơi nhưng vẫn là những niềm hy vọng của thể thao nước nhà.

Việc TTVN không thể hoàn thành mục tiêu có huy chương trong lần tham dự Olympic Tokyo 2020 quả thực rất đáng buồn. Nhưng, chúng ta cũng được an ủi bởi những cái tên đã nỗ lực vượt qua chính mình để giành kết quả tốt nhất, như Lường Thị Thảo và Đinh Thị Hảo (bộ môn Rowing), Vũ Thị Trang, Nguyễn Thùy Linh (bộ môn cầu lông)…

Cũng là an ủi, nhưng tiếc thay niềm an ủi không nhiều. Phải chăng sân chơi Thế vận hội vẫn ngoài tầm của TTVN? Và phải chăng chúng ta không chuẩn bị tốt đội ngũ kế cận khi mà các VĐV thành tích cao đã lớn tuổi?

Đó là những câu hỏi để thể thao của chúng ta buộc phải tìm ra lời giải đáp. Nếu không thì Thế vận hội vẫn sẽ luôn ngoài tầm với.

Nói về hài lòng và chưa hài lòng tại Thế vận hội lần này, Trưởng đoàn TTVN, ông Trần Đức Phấn cho rằng những kết quả thi đấu chưa thành công, dù không muốn nói là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song không thể phủ nhận suốt gần 2 năm qua kế hoạch tập huấn, thi đấu của các đội bị đảo lộn, điều chỉnh liên tục cho phù hợp với thực tế dịch bệnh trong điều kiện mới. Các VĐV không được đi tập huấn, đặc biệt không được tham gia thi đấu quốc tế. Đây là một trong những yếu tố mang tính quyết định làm giảm sút về chuyên môn.

Ông Phấn dẫn chứng trường hợp kình ngư Nguyễn Huy Hoàng, đạt hai chuẩn A nội dung 800m và 1500m từ rất sớm. Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, Huy Hoàng chỉ tập trong nước, kế hoạch tập huấn và thi đấu nước ngoài phải đóng cửa hoàn toàn. Có nhiều thời điểm Huy Hoàng không được xuống nước mà phải tập trên bờ.

Trước câu hỏi Olympic là đấu trường quá sức với TTVN? Ông Phấn cho rằng Olympic là đấu trường rất khó khăn với TTVN. Không phải các môn, các VĐV của chúng ta đến Olympic để tranh huy chương, mà chỉ có số lượng rất nhỏ môn, nội dung và VĐV có khả năng tham gia tranh tài.

Những tấm HCV, HCB của Hoàng Xuân Vinh hay một số huy chương khác trước đó như HCB Cử tạ của Hoàng Anh Tuấn, HCĐ Cử tạ của Trần Lê Quốc Toàn và HCB của Trần Hiếu Ngân (Taekwondo) chỉ là những điểm sáng cho thấy hiệu quả của quá trình đầu tư trước đó. Lần này, 18 suất tham dự Olympic đã phản ánh đúng tương quan về trình độ của TTVN tại Olympic.

Tuy nhiên, ông Phấn cũng cho rằng hy vọng sau 1-2 kỳ Olympic nữa, VĐV của TTVN sẽ đến tham dự với tư thế sẵn sàng tranh huy chương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vẫn là sân chơi của… người khác

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO