Vẫn lo thiếu sách giáo khoa?

NGUYỄN HOÀI 11/06/2023 08:02

Tình trạng thiếu sách giáo khoa không còn là chuyện mới. Thế nhưng, nỗi lo của các bậc phụ huynh vẫn luôn hiện hữu, nhất là với những gia đình có con học những lớp đầu tiên thay sách.

Phụ huynh tìm mua sách giáo khoa trước năm học 2022-2023. Ảnh: Ngọc Minh.

Nỗi lo “cháy hàng”

Năm học 2023-2024, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ tiếp tục được triển khai ở lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Trước khi năm học mới bắt đầu, nhiều phụ huynh đang bày tỏ lo lắng về tình trạng chậm tiến độ sách giáo khoa, đặc biệt là với những lớp đầu tiên thay sách. Lo lắng này không phải không có cơ sở bởi câu chuyện thiếu sách giáo khoa đã diễn ra từ nhiều năm học trước kể từ khi chương trình mới bắt đầu được triển khai.

Thời điểm đầu năm học trước – năm học đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông 2018 được áp dụng ở cả 3 cấp học với các lớp 3, 7 và 10, tại hầu hết các hiệu sách trên cả nước đều xảy ra tình trạng khan hiếm sách giáo khoa, đặc biệt là sách giáo khoa lớp 10.

Ngay cả những gia đình đăng ký mua sách cho con tại trường vẫn rơi vào tình trạng thiếu sách, còn với những phụ huynh chọn cách tự mua sách giáo khoa thì vất vả hơn. Phụ huynh phải chạy đôn chạy đáo khắp các nhà sách vẫn không thể mua đủ trọn bộ sách cho con, mua được sách này lại thiếu sách kia. Tình trạng “cháy” sách giáo khoa ở nhiều nhà sách khá phổ biến bao gồm cả sách theo chương trình hiện hành và sách theo chương trình mới.

Nhớ lại chuyện mua sách của năm học trước, chị Đinh Quỳnh Chi (quận Ba Đình, Hà Nội), phụ huynh có con năm nay lên lớp 11 bày tỏ sự bức xúc vì chỉ mỗi việc mua sách cho con học thôi mà tốn rất nhiều thời gian. Dù chị đăng ký mua sách giáo khoa cho con ở trường nhưng đến sát ngày năm học mới bắt đầu con chị vẫn chưa nhận được đủ số đầu sách.

“Đi đến nhà sách nào cũng nhận được thông báo của nhân viên bán hàng “hết sách”. Mua sách mà cũng mệt hết hơi. Năm nay tôi cũng đăng ký mua sách giáo khoa lớp 11 cho con ở trường, nhưng tới thời điểm này thông tin về bộ sách mới vẫn chưa được nhà trường thông báo”, chị Chi cho biết.

Thiếu sách giáo khoa, nhiều học sinh phải dùng bản điện tử hoặc tự photo sách. Em Trịnh Minh Châu, học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Huệ (Hà Nội) cho biết, năm ngoái học theo chương trình mới nên em có nhiều bỡ ngỡ. Trong khi đó, sách giáo khoa tới khi năm học mới bắt đầu còn chưa mua đủ nên việc học của em còn khó khăn hơn. Châu bày tỏ mong muốn sớm nhận được trọn bộ sách giáo khoa lớp 11 từ nhà trường để có thêm thời gian đọc, tìm hiểu và tiếp cận kiến thức mới.

Bảo đảm đủ cho năm học mới

Vấn đề về sách giáo khoa tiếp tục làm “nóng” tại nghị trường Quốc hội. Phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 1/6 vừa qua về một số nội dung liên quan đến ngành giáo dục đã ghi nhận nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đề cập đến vấn đề in ấn, phát hành, lựa chọn sách giáo khoa cho năm học mới. Tại phiên thảo luận này, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, NXB Giáo dục Việt Nam đang tập trung in ấn và phát hành sách giáo khoa bảo đảm đủ sách cho học sinh trước khi bắt đầu năm học mới. Liên quan tới sai phạm của NXB Giáo dục Việt Nam, Bộ GDĐT đã chỉ dạo NXB Giáo dục Việt Nam vừa phối hợp tốt với cơ quan chức năng để làm rõ mọi vấn đề theo quy định, vừa phải vượt qua khó khăn, thực hiện mọi biện pháp để tổ chức in ấn, phát hành sách giáo khoa, bảo đảm đủ sách giáo khoa cho học sinh trước khi bắt đầu năm học 2023-2024.

Tính đến ngày 2/6, sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 đã tổ chức in gần 80% số sách, còn lại 20% trên cơ sở các địa phương báo về đầy đủ nhà xuất bản lên kế hoạch để tổ chức in. Trong tháng 6 sẽ in được 80% và tiếp tục in hoàn thành để kịp đủ sách cho năm học mới của các lớp 4, 8 và 11.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam, đơn vị này dự kiến sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 phát hành từ 15/6. Để hỗ trợ phụ huynh, học sinh mua sách nhanh chóng, thuận tiện, năm nay NXB thiết lập đường dây nóng hỗ trợ khách hàng từ tháng 5 đến hết tháng 9. NXB cũng mở rộng kênh bán sách giáo khoa trực tuyến, để thuận tiện khi phụ huynh mua online.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Bùi Thị An- Đại biểu Quốc hội khóa XIII băn khoăn: “Tôi chưa hiểu tại sao mà một chương trình với đề án xây dựng rất lớn nhưng cứ mỗi khi vào năm học mới lại rơi vào tình trạng thiếu sách giáo khoa”. Từ thực trạng trên, PGS.TS Bùi Thị An đề nghị Bộ GDĐT rà soát, tìm ra nguyên nhân thiếu sách giáo khoa, từ đó có hướng xử lý và bổ sung kịp thời để khi năm học mới bắt đầu tất cả học sinh khi cần đều có và có thể mua thuận lợi.

Qua theo dõi, PGS.TS Bùi Thị An khẳng định, việc cải tiến chương trình giáo dục phổ thông để phù hợp với sự phát triển thực tiễn là cần thiết. Tuy nhiên, bà An cho rằng, dù chương trình sách giáo khoa có thay đổi nhưng phải giữ lại kiến thức cốt lõi, cơ bản mà học sinh cấp học nào cũng cần phải có. Một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa để tham khảo là rất tốt nhưng phải làm sao để sách giáo khoa không để phổ quá rộng, không thay đổi liên tục, làm khó phụ huynh, nhất là những gia đình khó khăn, không có điều kiện mua nhiều sách tham khảo cho con.

Về giá sách giáo khoa, PGS.TS Bùi Thị An cũng đề nghị Bộ GDĐT khi tăng giá sách nên có đánh giá tác động xã hội ảnh hưởng tới an sinh xã hội thế nào, đặc biệt những gia đình khó khăn, gia đình nghèo đang chắt chiu từng đồng lương để sống.

“Với những gia đình khó khăn nên có giải pháp hỗ trợ của Nhà nước hoặc vận động xã hội hóa. Ngoài ra có thư viện để các em không thể mua được sách có nơi để mượn sách. Tuy nhiên, đây là phương án cuối cùng, còn lại nên có đánh giá tác động để tìm các nguồn để hỗ trợ những gia đình khó khăn, chính sách”, PGS.TS Bùi Thị An đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vẫn lo thiếu sách giáo khoa?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO