Vấn nạn bán con tại Afghanistan - Kỳ 1: Những 'món hàng' bé gái

Hà Anh (theo CNN) 08/11/2021 14:00

Quyền bình đẳng của trẻ em gái và phụ nữ ở Afghanistan vẫn là một chủ đề nóng luôn được quan tâm bởi cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh sự u ám đang bao trùm Afghanistan sau khi lực lượng Taliban tiếp quản đất nước, cái đói nghèo càng gây nguy hiểm hơn cho các bé gái khi phải đối mặt với vấn nạn bị chính cha mẹ mình gả bán để cứu đói cho những người còn lại trong gia đình.

Cô bé Parwana có đôi mắt đen láy nhưng đượm buồn. Em mới 9 tuổi khi bị bán làm vợ một người đàn ông 55 tuổi.

Quyết định đau lòng

Parwana Malik, một cô bé 9 tuổi với đôi mắt đen láy và đôi má ửng hồng, cười khúc khích khi chơi nhảy dây với bạn bè trong một bãi đất trống đầy bụi. Nhưng tiếng cười của Parwana biến mất khi em trở về nhà. Đó là một túp lều nhỏ với những bức tường đất, nơi khiến em gợi nhớ về số phận của mình: Em đã bị bán cho một người lạ làm cô dâu.

Người đàn ông muốn mua Parwana nói rằng ông ấy 55 tuổi, nhưng với em, ông ta là "một ông già" với đôi lông mày và bộ râu trắng dày. Parwana lo lắng ông ta sẽ đánh em và buộc em phải làm việc nhà vất vả.

Bố mẹ Parwana nói rằng, họ không có lựa chọn nào khác.

Trong bốn năm qua, gia đình Parwana đã sống trong một trại di cư của Afghanistan ở phía Tây Bắc tỉnh Badghis, họ sống sót chủ yếu nhờ nguồn viện trợ nhân đạo và khoản thù lao vài đô la mỗi ngày từ công việc lao động chân tay. Cuộc sống khó khăn hơn kể từ khi lực lượng Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan vào ngày 15/8.

Parwana chơi nhảy dây với bạn bè trong một bãi đất trống đầy bụi.

Khi viện trợ quốc tế cạn kiệt và nền kinh tế của đất nước sụp đổ, gia đình Parwana không đủ khả năng mua các nhu yếu phẩm cơ bản như thực phẩm. Chị gái của Parwana cũng đã bị bán đi cách đây vài tháng.

Parwana là một trong số nhiều bé gái ở Afghanistan bị bán làm vợ khi cuộc khủng hoảng nhân đạo của đất nước ngày càng sâu sắc. Cái đói đã đẩy một số gia đình đi đến những quyết định đau lòng, đặc biệt là khi mùa đông tàn khốc đang đến gần.

CNN đã được sự cho phép từ các bậc cha mẹ để toàn quyền tiếp cận và nói chuyện với bọn trẻ cũng như mô tả chân thực tâm trạng của chúng khi chúng không thể tự mình làm gì với hoàn cảnh này.

Mohammad Naiem Nazem, một nhà hoạt động nhân quyền ở Badghis, cho biết, ngày qua ngày, số lượng các gia đình bán con cái càng gia tăng. "Thiếu ăn, thiếu việc làm khiến các gia đình buộc phải làm thế này".

Parwana và bố ngồi trong căn nhà tường đất trong trại di cư.

Không có sự lựa chọn

Anh Abdul Malik, cha của Parwana, hoàn toàn mất ngủ trước đêm bán con, anh "suy sụp" với cảm giác tội lỗi, xấu hổ và lo lắng.

Trước đó, anh Malik đã cố gắng bằng mọi cách để tránh phải bán con gái của mình. Anh đã đến thành phố Qala-e-Naw để tìm kiếm việc làm nhưng không thành công, thậm chí còn phải vay mượn rất nhiều tiền từ người thân. Vợ anh Malik đã phải cầu xin những cư dân khác trong trại để có thức ăn cho gia đình.

Cuối cùng anh Malik cảm thấy không có lựa chọn nào khác nếu muốn cả gia đình tồn tại.

"Gia đình chúng tôi có 8 thành viên. Tôi phải bán con gái để giữ mạng sống cho các thành viên khác”, anh Malik nói trong đau khổ.

“Số tiền từ việc bán Parwana sẽ chỉ duy trì được sự tồn tại của gia đình tôi trong vài tháng, trước khi đó, tôi lại phải tìm cách khác”, anh Malik tiếp tục nói.

Parwana cho biết, em đã từng hy vọng có thể thay đổi suy nghĩ của cha mẹ mình, bởi em có ước mơ trở thành một giáo viên và không muốn từ bỏ việc học của mình. Nhưng những lời cầu xin của Parwana trở nên vô ích.

Vào ngày 24/10, ông Qorban, người đã đồng ý mua Parwana, đến nhà em và giao cho cha của em một số loại hàng hóa như cừu, giấy tờ đất đai và tiền mặt, tất cả trị giá 200.000 Afghanistan (khoảng 2.200 USD).

Qorban thì tỏ vẻ không coi vụ mua bán là một cuộc hôn nhân. Ông nói rằng, ông đã có một người vợ, bà ấy sẽ chăm sóc Parwana như con cái trong nhà.

Qorban nói: "Parwana bị bán với giá rẻ, nhưng cha cô bé rất nghèo và ông ấy cần tiền". "Cô bé sẽ làm việc trong nhà của tôi. Tôi sẽ không đánh cô bé và đối xử với cô bé như một thành viên trong gia đình. Tôi hứa sẽ tử tế".

Parwana xuất hiện trong một chiếc khăn đen trùm đầu, một vòng hoa sặc sỡ quanh cổ, che mặt và khóc thút thít khi cha của em (cũng đang khóc) nói với Qorban: "Đây là cô dâu của anh. Xin hãy chăm sóc con bé. Bây giờ anh có trách nhiệm với con bé. Đừng đánh nó".

Qorban đồng ý, sau đó nắm chặt cánh tay của Parwana và dẫn cô bé ra khỏi cửa.

Khi họ rời đi, cha cô bé đứng ngóng con ở ngưỡng cửa, Parwana thì tìm mọi cách vùng vẫy và cố gắng chạy đi, nhưng không ích gì. Cô bé bị kéo đến chiếc xe đang đợi bên ngoài, nó từ từ chuyển bánh.

Trại di cư ở Qala-i-Naw, tỉnh Badghis, Afghanistan.

Đói nghèo ập đến như một trận “đại hồng thủy”

Kể từ khi Taliban tiếp quản Afghanistan, những câu chuyện như gia đình Parwana đã gia tăng.

Mặc dù kết hôn với trẻ em dưới 15 tuổi là bất hợp pháp ở Afghanistan, nhưng nó vẫn diễn ra phổ biến trong nhiều năm, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Vấn nạn này đặc biệt lan rộng kể từ tháng 8, khi nạn đói và nỗi tuyệt vọng bao trùm.

Theo một báo cáo của Liên hợp quốc được công bố trong tuần, hơn một nửa dân số Afghanistan đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Dự báo, hơn 3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi sẽ phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính trong những tháng tới. Trong khi đó, giá lương thực cũng tăng vọt, các ngân hàng hết tiền và công nhân không được trả lương.

Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề Nhân đạo của LHQ (UNOCHA), gần 677.000 người đã phải di dời trong năm nay do các cuộc giao tranh. Nhiều người trong số họ phải sống trong các túp lều tại các trại di cư nội bộ như gia đình của Parwana.

Ông Heather Barr, Phó Giám đốc bộ phận quyền phụ nữ tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết: “Đó hoàn toàn là một trận “đại hồng thủy”. Chúng tôi không thể dành ra vài tháng hoặc vài tuần để ngăn chặn tình trạng này bởi chúng tôi cũng đang ở trong tình trạng khẩn cấp".

Vấn đề đặc biệt nghiêm trọng đối với các cô gái Afghanistan, những người chỉ được ở nhà và dõi theo các anh em trai của họ trở lại trường kể từ khi Taliban tiếp quản. Taliban cho biết, họ đang lên kế hoạch cho phép các cô gái quay trở lại trường học, nhưng không nói khi nào điều này sẽ diễn ra hay có kèm theo điều kiện nào không?

Phần lớn đất nước Afghanistan vẫn bảo thủ sâu sắc, bất chấp 20 năm được phương Tây hậu thuẫn và nhận hàng tỷ USD viện trợ nước ngoài nhằm thúc đẩy một phần quyền bình đẳng và quyền công dân.

Sự bấp bênh cộng với tình trạng nghèo đói gia tăng đã đẩy nhiều bé gái Afghanistan vào "thị trường hôn nhân", nơi mà tương lai của các bé còn mù mịt hơn nữa.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vấn nạn bán con tại Afghanistan - Kỳ 1: Những 'món hàng' bé gái

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO