Vấn nạn karaoke

Tinh Anh 24/11/2020 13:30

Karaoke là một hình thức giải trí, có thể giúp người ta phần nào xả stress sau những giờ làm việc căng thẳng. Song, hiện có nhiều người “vô công rồi nghề” lạm dụng hình thức “văn nghệ” này khiến hàng xóm láng giềng bị “tra tấn” bởi ô nhiễm âm thanh.

Phải mất đến hơn 4 tiếng đồng hồ, lực lượng chức năng huyện Thanh Trì (TP Hà Nội) mới có thể khống chế được người đàn ông ném “bom xăng” sang nhà hàng xóm. Bước đầu, nguyên nhân dẫn đến hành vi ném “bom xăng” của ông Nguyễn Huy Ngọc được xác định là do hàng xóm thường xuyên hát karaoke gây ồn ào. Ông Ngọc đã nhiều lần nhắc nhở, góp ý với hàng xóm về việc hát karaoke không được nên ra tay “xử lý”.

Dĩ nhiên là với hành vi ném “bom xăng” sang nhà hàng xóm, ông Ngọc sẽ phải trả giá rất đắt trước pháp luật. Nếu ai cũng “tự xử” mọi vấn đề khi bức xúc thì còn cần gì đến pháp luật, cần gì đến các cơ quan quản lý nhà nước. Khi ấy há chẳng phải xã hội sẽ loạn, mọi người sẽ hành xử với nhau theo “luật rừng” hay sao? Không có bất cứ nơi nào trên thế giới chấp nhận điều đó, dù ở đâu mọi người cũng phải tuân theo pháp luật.

Tuy nhiên, nói gì thì nói, hành vi vi phạm pháp luật của ông Ngọc lại xuất phát từ thái độ cư xử thiếu văn minh của nhà hàng xóm. Nếu như không bị “tra tấn” karaoke hàng ngày thì liệu ông Ngọc có nổi xung để rồi có hành vi phạm pháp không? Chắc chắn là không rồi, bởi chẳng có ai tự dưng đi sinh sự cả, trừ những đối tượng càn quấy, lưu manh. Dẫu vậy, lẽ ra ông Ngọc nên chọn cách xử lý vấn đề một cách bình tĩnh, ôn hòa hơn.

Hiện, có không ít người cư xử thiếu ý thức như hàng xóm nhà ông Ngọc. Họ “nghêu ngao” cả ngày, thậm chí tới 12 giờ đêm vẫn “gào rống” không cho hàng xóm láng giềng nghỉ ngơi. Khi các cháu nhỏ không thể yên tĩnh học bài, khi những người làm công ăn lương không được nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động, ai có thể không khó chịu đây? Song, hầu hết đều phải chấp nhận “sống chung với lũ”, chứ biết làm sao hơn?

Buồn ở chỗ, khi được báo có người gây ô nhiễm tiếng ồn, cố tình mở loa to khi hát karaoke làm phiền hàng xóm, từ tổ dân phố đến các đoàn thể, chính quyền địa phương đều phải làm ngơ không làm gì được. Nhiều lần nhắc nhở người hát karaoke, nhiều lần báo tổ trưởng tổ dân phố, báo công an phường, chính quyền sở tại không có kết quả, người dân đành phải chấp nhận sự ô nhiễm tiếng ồn, hoặc bán nhà chuyển đi nơi khác.

Thực ra không phải là chưa có hành lang pháp lý để chế tài hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư. Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 6, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi gây tiếng ồn tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau sẽ bị phạt tiền 100.000-300.000 đồng. Tại Điều 17, Nghị định 155/2016/NĐ-CP cũng quy định xử phạt khi tiếng ồn vượt mức dBA cho phép.

Cụ thể, quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn quy định tại Thông tư 39/2010/TT-BTNMT quy định: Giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường (khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) khoảng từ 6 giờ đến 21 giờ là 70 dBA, từ 21h ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau là 55 dBA. Người vi phạm mức dBA trên sẽ bị phạt từ cảnh cáo đến 160 triệu đồng.

Như vậy, hành vi hát karaoke “tra tấn” hàng xóm có thể bị phạt mức nặng nhất lên đến 160 triệu đồng. Song, thực tế lại rất khó xử lý những trường hợp gây ô nhiễm tiếng ồn này. Hầu hết các trường hợp hát karaoke quá 22 giờ đêm khi bị lực lượng công an, tổ dân phố đến nhắc nhở đều hứa sẽ giải tán, trừ một số kẻ cố tình “trêu ngươi” hàng xóm. Còn hát karaoke ban ngày càng khó xử phạt vì lấy đâu thiết bị chuyên dụng để đo chỉ số dBA?

Chính vì thế vấn nạn karaoke cứ thế ngày càng phát triển khiến nhiều gia đình “ăn không ngon, ngủ không yên”. Có những người còn “chày cối” đến mức, hàng xóm càng góp ý, nhắc nhỏ, họ càng hay hát, mở volume càng to để tỏ ra ta đây “nguy hiểm”. Cũng phải thôi, khi mà hành vi gây rối, phạm pháp không bị chế tài thì có gì phải nể, phải sợ? Con người ta chỉ biết sợ khi bị “đánh” thẳng vào hầu bao, hoặc ngồi “bóc lịch” mà thôi.

Vậy là dù hành lang pháp lý đã có, nhưng lại không đi vào cuộc sống khiến nhiều gia đình ở nhiều khu dân cư đang phải hàng ngày chịu đựng sự ô nhiễm tiếng ồn bởi những người vô ý thức. Vấn nạn karaoke chỉ có thể bị triệt tiêu khi và chỉ khi tổ dân phố, các đoàn thể và chính quyền địa phương thực sự vào cuộc một cách có trách nhiệm. Có vậy mới tránh được những trường hợp ném “bom xăng” như ông Ngọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vấn nạn karaoke

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO