Vận tải hành khách cầm cự trong dịch bệnh

Hạnh Nhân 20/05/2021 10:09

Đợt dịch Covid-19 thứ 4 trở lại khiến thời điểm này vận tải hành khách ở các lĩnh vực đường sắt, hàng không, đường bộ tiếp tục chìm trong thua lỗ, hàng ngàn lao động rơi vào cảnh thất nghiệp.

Hàng ngàn lao động mất việc

Ngày 19/5, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn thông tin sẽ tiếp tục dừng các đoàn tàu khách đoạn từ TP Hồ Chí Minh đi Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng và ngược lại do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Cụ thể từ nay đến ngày 3/6/2021, các đôi tàu SPT1/SPT2 (Sài Gòn - Phan Thiết), SNT1/SNT2 (Sài Gòn - Nha Trang), SE21/SE22 (Sài Gòn - Đà Nẵng) vẫn tạm dừng hoạt động.

Trước đó, ngành Đường sắt cho biết, do ảnh hưởng dịch Covid-19 phải tạm dừng chạy nhiều mác tàu khách trên các tuyến. Trong đó 3 đôi tàu trên dừng đến 27/5/2021. Hành khách có vé đi các đoàn tàu phải dừng chạy cần liên hệ nhà ga, phòng vé trước giờ tàu chạy để trả vé không thu phí. Như vậy, từ nay đến ngày 3/6/2021, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam chỉ còn chạy thường xuyên 2 đôi tàu Thống nhất SE3/SE4, SE7/SE8 và bổ sung thêm các ga đón, trả khách trong lịch trình.

Cụ thể, tàu SE4 đến ga Tháp Chàm lúc 1h33, đi lúc 1h36; đến ga Ninh Bình lúc 5h34, đi lúc 5h37. Tàu SE7 đến ga Bỉm Sơn lúc 8h57, đi lúc 9h. Tàu SE8 đến ga Bỉm Sơn lúc 16h01, đi lúc 16h06.

Khu vực phía Bắc hiện chỉ có tuyến Long Biên (Hà Nội) - Hải Phòng chạy hàng ngày duy nhất một đôi tàu LP5/LP6. Tàu LP5 xuất phát ga Long Biên lúc 15h30, tàu LP6 xuất phát ga Hải Phòng lúc 9h05. Các ngày thứ Bảy, Chủ nhật tàu xuất phát và kết thúc tại ga Hà Nội. Vào những ngày này, tàu LP5 xuất phát ga Hà Nội lúc 15h20. Đôi tàu LP5/LP6 dừng đỗ và đón trả khách tại các ga Thượng Lý, Phú Thái, Hải Dương, Cẩm Giàng, Gia Lâm, Long Biên, Hà Nội và nhận vận chuyển hành lý, xe đạp, xe máy tại các ga có dừng đỗ.

Ông Nguyễn Viết Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, năm 2020 đơn vị phải giải quyết tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ ngừng việc do thiếu việc làm bình quân 645 người/tháng. Chấm dứt HĐLĐ với 280 người. Quý I/2021, bình quân 550 người/tháng tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ ngừng việc, chấm dứt HĐLĐ với 66 người.

Ở phía Nam, ông Đào Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho hay, từ năm 2020 đến hết quý I/2021 đã có hơn 200 lao động xin nghỉ việc. Năm 2020 đã có 180 lao động chấm dứt HĐLĐ ở tất cả các đơn vị, trong đó đông nhất là ở khối phục vụ trên tàu - Đoàn Tiếp viên đường sắt Phương Nam với tổng số 79 người, Xí nghiệp Toa xe Sài Gòn 73 người. Sang đến quý I năm nay, đã có 33 lao động chấm dứt HĐLĐ.

Đối với ngành hàng không, thông tin từ Vietnam Airlines, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số chuyến bay giảm sốc. Hãng có 3.173 tiếp viên, nhưng thời điểm này, chỉ có 10% trong số này thực sự được bay .

Ông Bùi Doãn Nề, Tổng thư ký Hiệp hội Hàng không Việt Nam cho biết, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 những ngày qua khiến các hãng hàng không đang đứng ngồi không yên. Hai tháng trước, hàng không dự báo năm 2021 doanh thu các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu so với năm 2019 và lỗ trên 15.000 tỷ đồng từ vận tải. Dù hiện chưa có thêm thống kê, nhưng chắc chắn con số này có thể sẽ tăng nhiều nếu dịch không sớm được kiểm soát.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng chia sẻ, để gỡ khó cho ngành hàng không, sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất để tháo gỡ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời điểm này cả nước khó khăn, không riêng gì doanh nghiệp (DN) hàng không, do đó tất cả đều phải cố gắng cầm cự.

Khó xin hỗ trợ

Các hãng taxi và các DN vận tải cũng đang đứng trước nguy cơ phá sản nếu dịch bệnh kéo dài. Với các DN taxi, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho hay, hiện các DN chỉ duy trì hoạt động khoảng 50% số xe, doanh thu cũng giảm quá nửa. Như Công ty Mai Linh doanh thu đã giảm 60%, kể từ đầu tháng 5, người lao động chỉ được hơn 1,7 triệu đồng cho 15 ngày lao động.

Từ năm 2020, Chính phủ ban hành gói hỗ trợ các nhóm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên theo ông Hùng, DN muốn được hỗ trợ phải trình đủ thứ giấy tờ như chứng minh DN đóng cửa từ 30 ngày trở lên, không phát sinh doanh thu, có tối thiểu 70% lao động nghỉ việc...

“Với các điều kiện đó, DN đã phá sản rồi, làm sao để được tiếp cận nguồn vốn. Đến thời điểm này các DN chưa tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ từ các gói 62.000 tỷ, gói 6.000 tỷ hay 4.200 tỷ. Chủ trương là Ngân hàng cho DN vay vốn để trả lương, nhưng lại yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Tài sản thế chấp là ô tô nhưng xe đã cũ nên ngân hàng định giá rất thấp nên doanh nghiệp không tiếp cận nổi” - ông Hùng phân tích.

Trước thực tế hầu hết các DN vận tải không thực hiện được các thủ tục để xin hỗ trợ, bởi không thể đáp ứng đủ các điều kiện đặt ra. GS.TS Từ Sỹ Sùa - Giảng viên cao cấp, Trường Đại học GTVT Hà Nội nêu quan điểm, “sức khỏe” của DN vận tải gắn liền với khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, với nhu cầu vận chuyển lưu thông hàng hóa, với giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Bởi vậy, những khó khăn mà các DN vận tải đang phải đối mặt không còn là chuyện riêng của họ. Hỗ trợ họ, đừng nên đưa ra những điều kiện đánh đố.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vận tải hành khách cầm cự trong dịch bệnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO