Vận tải hành khách chưa thông, doanh nghiệp 'chết lâm sàng'

Hà An - Việt Đoàn 06/10/2021 15:39

Trong thời điểm này, các đơn vị vận tải rất cần sự hỗ trợ kịp thời về mặt giải pháp từ cơ quan quản lý Nhà nước, Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn tài chính để khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cho tới thời điểm hiện tại, TP Hà Nội đã thực hiện Chỉ thị 15 được 14 ngày, nhưng vẫn chưa cho phép mở lại hoạt động vận tải xe khách liên tỉnh, cũng như xe buýt nội đô. Nguyên nhân được nhắc đến là bởi tình hình dịch bệnh tại các tỉnh, thành phố phía Nam và một số địa phương khác còn phức tạp, khiến nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào TP Hà Nội còn rất cao.

Liên quan tới hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP Hà Nội vẫn tiếp tục tạm dừng, ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, vì sự an toàn của Thủ đô và người dân, Sở Giao thông vận tải đề nghị Hiệp hội và các doanh nghiệp tiếp tục khắc phục khó khăn, động viên người lao động an tâm, cũng như chuẩn bị đủ các điều kiện để sẵn sàng hoạt động trở lại khi thành phố cho phép.

Xe "nằm chơi" ngoài bãi, doanh nghiệp thất thu nặng nề

Những chiếc xe khách 'năm không' trong thời gian dài, doanh nghiệp thất thu nặng.

Chia sẻ về những khó khăn gặp phải trong suốt thời gian vừa qua, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng cho hay, hiện doanh nghiệp này phải dừng 100% hoạt động theo Chỉ thị 16 của Chính phủ và Chỉ thị 17 của TP Hà Nội. Dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến doanh nghiệp chưa biết bao giờ có thể hồi phục. Ngoài việc cắt giảm tối đa chi phí để cố gắng cầm cự, doanh nghiệp vận tải chưa có cách gì khác. Được biết, trong khi các doanh nghiệp vận tải xe khách ngừng hoạt động, các bến xe cũng rơi vào cảnh thất thu.

Cùng chung cảnh khó khăn, một giám đốc doanh nghiệp vận tải có hàng chục đầu xe chạy tuyến Đà Nẵng – Thanh Hóa – Móng Cái, lại cho biết, hơn 3 tháng nay, doanh nghiệp của ông phải ngừng hoạt động 100%. Tuy nhiên, hàng tháng tiền ngân hàng vẫn phải trả đều. Hiện công ty còn phải hỗ trợ lái, phụ xe, đội ngũ văn phòng 70% lương nên rất khó khăn.

Trong khi đó, nhiều chủ doanh nghiệp vận tải khác còn cho biết, đã hơn 5 tháng qua, toàn bộ những đầu xe của họ phải phủ bạt, đỗ ngoài bãi, không được duy tu bảo dưỡng định kỳ. Nên thời gian tới, khi TP Hà Nội cho phép vận tải hành khách công cộng hoạt động trở lại, một loạt những phương tiện này phải mất thêm mộ khoản phí không nhỏ để bảo dưỡng sửa chữa, trước khi đi đăng kiểm.

Chủ hãng xe Sao Việt cho hay, sau ngày 3/5, cả trăm đầu xe của dơn vị này phải nằm im trong bãi không hoạt động. Sau tháng 10/2021 này, nếu vận tải hành khách công cộng được phép hoạt động trở lại thì cũng còn đầy rẫy những khó khăn do mỗi tỉnh sẽ có những cơ chế, chính sách, biện pháp quy định phòng, chống dịch Covid-19 phụ thuộc vào riêng vào tình hình địa phương, mà không tỉnh nào giống tỉnh nào.

"Chưa kể thời gian tới, theo quy định, mỗi đầu xe hoạt động vận tải đều phải lắp camera giám sát trên xe. Như vậy với doanh nghiệp vận tải có hàng trăm đầu xe như của chúng tôi, thì đây là một chi không hề nhỏ phải bỏ ra vào thời điểm này”, chủ hãng xe Sao Việt chia sẻ.

Cần sớm nối lại giao thông, vận tải hành khách

Cần sớm nối lại giao thông, hoạt động vận tải hành khách để khôi phục kinh tế, giảm thiệt hại cho doanh nghiệp. Nhưng vẫn phải đảm bảo công tác phòng chống dịch nghiêm ngặt.

Về những khó khăn của doanh nghiệp vận tải đang phải đối mặt, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam nêu quan điểm, TP Hà Nội nên mở lại tuyến xe khách đến các tỉnh đã hết dịch sau 15 ngày. Vì khi khôi phục sản xuất kinh doanh thì người dân các tỉnh có nhu cầu về Thủ đô làm việc. Bộ Giao thông vận tải đã lập kế hoạch vận tải khách đã lấy ý kiến địa phương, trong đó có Hà Nội.

Bộ GTVT ban hành hướng dẫn thì các địa phương cần thực hiện thống nhất, tránh mỗi nơi một kiểu. Địa phương phải chịu trách nhiệm về phòng, chống dịch nên thường đặt ra yêu cầu riêng, song về chuyên ngành giao thông thì cần chấp hành hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải.

Trong khi đó, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho rằng, tình hình dịch bệnh ở Hà Nội đã cơ bản được kiểm soát, tỷ lệ người trên 18 tuổi tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 1 đạt hơn 90%. Đây là lượng người tham gia giao thông chính. Trong bối cảnh này, thành phố nên cho phép xe buýt nội đô, xe khách liên tỉnh hoạt động, áp dụng quy định phòng dịch với bến xe, người lái, người phục vụ và hành khách theo hướng dẫn của Bộ GTVT.

Xe khách liên tỉnh không được dừng đỗ tại địa bàn có dịch. Nếu phòng dịch quá cẩn trọng thì không thể sống chung với dịch như chỉ đạo của Chính phủ và làm đứt đoạn chuỗi sản xuất, ảnh hưởng công việc của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vận tải hành khách chưa thông, doanh nghiệp 'chết lâm sàng'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO