Vàng, chứng khoán có hấp dẫn trong năm 2021?

Minh Phương 15/01/2021 07:56

Sự thăng trầm của giá vàng cũng như hiện tượng “nổi sóng” của chứng khoán khiến cho hai kênh đầu tư này “sốt” nhất trong năm 2020. Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, thời điểm này, lựa chọn kênh đầu tư nào, nhà đầu tư vẫn cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Vàng, chứng khoán lên cơn “sốt”

2020 - một năm thăng trầm của vàng. Lần đầu tiên sau 10 năm, giá vàng tăng phi mã, vượt lên mốc 55 triệu đồng/ lượng, thậm chí có thời điểm, giá vàng trong nước vọt lên mốc 60 triệu đồng/ lượng. Trong khi đó, giá vàng thế giới cũng lập đỉnh, có lúc lên tới 2.200 USD/ounce.

Giá vàng chỉ có xu hướng “hạ bớt nhiệt” khi thế giới công bố thử nghiệm vắcxin phòng Covid-19. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, giá vàng trong nước vẫn luôn neo quanh mốc 55-56 triệu đồng/ lượng.

Giá vàng tăng phi mã liên tục được cho là nguyên nhân bởi đại dịch Covid-19, lo sợ đại dịch hoành hành, tâm lý tích trữ vàng tăng cao là nguyên nhân đẩy giá vàng bật tăng mạnh mẽ trong một thời gian dài. Nhận định về kênh đầu tư này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thế giới và trong nước đã chứng kiến sự “nổi sóng” của thị trường vàng, những lo ngại về tác động của đại dịch khiến cho người dân tìm đến kênh trú ẩn này nhiều hơn. Tuy nhiên, giá vàng có những thời điểm cũng đảo chiều giảm khá mạnh.

“Đó là lý do vì sao tôi cho rằng kênh đầu tư này vẫn luôn là kênh đầu tư ẩn chứa nhiều rủi ro” – ông Hiếu nói và cho rằng, đây là kênh mà nhà đầu tư không thể đổ tiền theo kiểu “lướt sóng”, chỉ nên sử dụng tiền nhàn rỗi để đầu tư, bởi tính bất ổn của thị trường này còn kéo dài cho đến khi đại dịch Covid-19 chính thức được dập tắt.

Tương tự với kênh vàng, thị trường chứng khoán cũng đang chứng kiến những “hiện tượng” trong năm 2020. Cụ thể, từ mức đáy 650 điểm khi dịch Covid-19 mới bùng phát tại Việt Nam ở thời điểm cuối tháng 3/2020, VN-Index đã có sự bứt phá vượt 1.000 điểm trong tháng cuối cùng của năm 2020. Thị trường tiếp tục tăng điểm mạnh mẽ trong những phiên đầu năm 2021. Những diễn biến này khiến cho kênh đầu tư chứng khoán đang ngày càng trở nên hấp dẫn. Mặc dù thị trường đang chứng kiến dòng tiền đổ vào chứng khoán rất lớn, song theo các chuyên gia trong ngành chứng khoán tăng chưa chắc đã phản ánh đúng thực chất.

Bởi vậy, lời khuyên của giới chuyên gia dành cho các nhà đầu tư đó là, cần phải nghiên cứu, theo dõi kỹ lưỡng trước sự tăng nóng của thị trường này.

Bất ổn condotel

Một trong những kênh đầu tư đã từng hấp dẫn giới đầu tư phải kể đến bất động sản nghỉ dưỡng – condotel. Nhiều nhà đầu tư đã lao vào như “con thiêu thân” song những cú sốc pháp lý từ cuối năm 2019 cùng với đại dịch Covid-19 khiến nhiều người lâm vào cảnh trắng tay, nợ chồng nợ.

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Minh Thư, (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) năm 2018, chị đầu tư 2 căn condotel tại Đà Nẵng. Mỗi căn hộ có giá khoảng 1,6 tỷ đồng, cộng thêm các chi phí sửa nhà, mua sắm đồ đạc, tổng số tiền đầu tư ngót nghét 2 tỷ đồng/căn. Thời gian đầu, việc cho thuê căn hộ này khá suôn sẻ, song được vài tháng thì “dính” đại dịch Covid-19, vậy là lâm cảnh nợ nần thua lỗ nặng nề.

Theo chị Thư, chỉ riêng tiền lãi ngân hàng phải trả cũng lên đến vài chục triệu đồng/ tháng, trong khi các căn hộ condotel của chị vẫn đang ở tình trạng “bất động” và còn chưa biết bao giờ mới “hồi sinh” khi đại dịch Covid-19 vẫn còn đang hoành hành.

Nhiều chủ đầu tư condotel cũng bày tỏ lo lắng, việc mở bán các dự án căn hộ đang “dậm chân tại chỗ” vì đại dịch, DN khó có thể cầm cự được nếu dịch bệnh chưa được chấm dứt. Và những diễn biến tại thị trường condotel một lần nữa cho thấy sự bấp bênh của thị trường này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vàng, chứng khoán có hấp dẫn trong năm 2021?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO