'Vàng đen' giữa khủng hoảng năng lượng

Hà Anh 22/09/2022 06:36

Cho đến cuối năm ngoái, cảng Mtwara của Tanzania chủ yếu kinh doanh hạt điều. Giờ đây, nó nhộn nhịp với các tàu chở đầy than, trong bối cảnh cuộc chạy đua toàn thế giới về nhiên liệu gây ô nhiễm này đang sôi động hơn bao giờ hết, khi các nước châu Âu lâm vào khủng hoảng năng lượng trầm trọng.

Các công ty khai thác và xuất khẩu than của châu Phi đang chớp cơ hội đẩy mạnh sản lượng. Ảnh: AP.

Chuyển hướng xuất khẩu

Theo truyền thống, Tanzania chỉ xuất khẩu nhiệt than cho các nước láng giềng ở Đông Phi, việc gửi nó đi xa hơn là điều không được tính đến, vì nó yêu cầu quãng đường vận chuyển dài hơn 600 km từ các mỏ ở phía Tây Nam đến Mtwara, cảng Ấn Độ Dương gần nhất. Cuối cùng, cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng ở châu Âu đã thay đổi tất cả.

Giá nhiệt than, được sử dụng để sản xuất điện, đã tăng vọt lên mức kỷ lục do ảnh hưởng từ xung đột ở Ukraine, khiến nhiều nước châu Âu mất khả năng tiếp cận nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên và than quan trọng từ nhà cung cấp hàng đầu là Nga.

Người mua ở châu Âu và hơn thế nữa đang cạnh tranh để trả nhiều tiền nhất cho nguyên liệu than từ các mỏ xa xôi ở những nơi như Tanzania, Botswana và thậm chí có khả năng là Madagascar. Ông Rizwan Ahmed, Giám đốc Điều hành của công ty khai thác than Bluesky Minings ở Dar es Salaam, Tanzania cho biết: “Các khách hàng châu Âu sẽ đến bất kỳ nơi nào có than. Họ đang đề nghị trả giá rất tốt".

Ông Jan Dieleman, Chủ tịch bộ phận vận tải đường biển của Cargill cho biết, công ty đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể các chuyến hàng than vào châu Âu trong những tháng gần đây. Công ty đã vận chuyển 9 triệu tấn than trên toàn cầu trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8 so với trung bình 7 triệu tấn/năm trong giai đoạn trước.

Ông Dieleman cho biết: “Châu Âu đang phải cạnh tranh với những khách hàng khác hoặc lựa chọn sự thay thế đắt hơn, đó là khí đốt. Họ rất cần được cung cấp than và chúng ta sẽ thấy dòng chảy rất mạnh vào châu lục này từ Colombia, Nam Phi và thậm chí xa hơn".

Giá than giao tháng trước tại cảng Newcastle của Australia - một tiêu chuẩn toàn cầu - được giao dịch ở mức 429 đô la/tấn vào ngày 16/9, so với mức 176 đô la/tấn vào cùng kỳ năm ngoái.

Theo một quan chức cảng Mtwara, cảng đã chứng kiến 13 tàu chở than kể từ tháng 11 năm ngoái khi đơn vị này xuất khẩu chuyến than đầu tiên. Mới nhất, MV Miss Simona, một tàu sân bay với sức tải trọng 34.529 tấn, cập cảng vào tuần trước, chất hàng và đã lên đường đến Pháp.

Phân tích từ nhà môi giới tàu biển Braemar cho thấy, nhập khẩu nhiệt than toàn cầu bằng đường biển đạt mức cao kỷ lục 97,8 triệu tấn trong tháng 7, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, khối lượng đã giảm xuống 89 triệu tấn trong tháng 8, phần lớn do gián đoạn từ nhà sản xuất lớn Australia.

Chớp cơ hội lớn

Ủy ban Khai thác mỏ của Tanzania dự kiến, xuất khẩu than sẽ tăng gấp đôi trong năm nay lên khoảng gần 70 nghìn tấn, trong khi sản lượng dự kiến sẽ tăng 50%, khoảng 1,4 tỷ tấn. Theo ông Yahya Semamba, Quyền Thư ký điều hành của Ủy ban trên, nhắm vào nguồn thuế đáng kể từ sự gia tăng xuất khẩu than, chính phủ Tanzania đang xem xét xây dựng một tuyến đường sắt nối vùng sản xuất than Ruvuma với cảng Mtwara.

Ông Rob West, nhà phân tích tại công ty tư vấn Thunder Said Energy, cho biết, các công ty khai thác than đang tận hưởng mức lợi nhuận cao chưa từng có. Với mức giá 75 USD/tấn vào cuối năm 2020, một mỏ than có thể kiếm được mức lợi nhuận là 15 USD/tấn. Hơn thế nữa, khi giá đạt 400 USD/tấn, tỷ suất lợi nhuận sẽ tăng lên 235 USD/tấn.

Thực tế, các thương nhân ở châu Âu đang sẵn sàng trả gấp đôi giá mà người mua châu Á đặt vấn đề. Theo Giám đốc điều hành mỏ Bluesky's Ahmed, công ty của ông hiện không xuất khẩu qua cảng Mtwara, nhưng đã lên kế hoạch làm như vậy và đã nhận được yêu cầu từ khách hàng ở Đức, Ba Lan và Anh.

Tình huống tương tự cũng được nhìn thấy ở Botswana, đất nước không giáp biển, việc bán than trên thị trường hàng hải từng là điều không tưởng, với phần lớn lượng xuất khẩu đến các nước láng giềng như Nam Phi, Namibia và Zimbabwe.

Đảo quốc Madagascar cũng có thể trở thành một thành viên mới trên thị trường than toàn cầu. Ông Prince Nyati - Giám đốc điều hành của một trong những công ty phát triển dự án than ở nước này cho biết: “Mức giá hiện tại có thể dư sức hỗ trợ cho các công ty khai thác than ở Madagascar trong việc xuất khẩu than”.

Theo nghiên cứu của Braemar, nhu cầu cao và nguồn cung cấp than khan hiếm đã vẽ lại các tuyến đường thương mại trên toàn cầu. Dữ liệu từ công ty tư vấn của Ấn Độ Coalmint cho thấy, nhập khẩu nhiệt than của Liên minh châu Âu (EU) từ Australia, Nam Phi và Indonesia - những nước có truyền thống cung cấp cho thị trường châu Á - đã tăng hơn 11 lần trong 4 tháng qua.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui của những “tân binh” xuất khẩu than, nhu cầu than trỗi dậy đang xung đột với các kế hoạch chuyển đổi khí hậu khỏi nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm của thế giới. EU đã tạm thời gác lại các mục tiêu về môi trường, tìm cách dự trữ nhiên liệu và mở lại các nhà máy nhiệt điện than để chuẩn bị cho một mùa đông khó khăn.

Các nhà phân tích tại Bank of America cho biết: “Nhu cầu mạnh mẽ đã đẩy sản lượng than và than non cao hơn 25% so với năm 2021, dù đã có hàng loạt nhà máy đóng cửa trong 3 năm qua”. Nhưng dù sao thì Minergy, một công ty khai thác than ở Botswana, vẫn dự báo, thị trường than sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ cho đến ít nhất là giữa năm 2023, hoặc có thể là lâu hơn. Công ty hy vọng sẽ tăng gấp đôi năng lực sản xuất.

Mặc dù cơ hội mở ra cho ngành khai thác và xuất khẩu than có thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nếu các “luồng gió” địa chính trị thay đổi, nhưng một số quốc gia có tài nguyên cho rằng, lợi nhuận thu được là một cơ hội quá tốt và không thể bỏ lỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Vàng đen' giữa khủng hoảng năng lượng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO