Vào rừng sâu Bắc Trà My, chứng kiến ‘đại công trường’ xẻ gỗ

Nghĩa Sơn - Chi Mai 15/03/2017 11:09

Trước mắt chúng tôi là một một đại công trường, rừng bị tàn phá tan hoang, hàng loạt cây gỗ cổ thụ tự nhiên đã bị lâm tặc triệt hạ, nhiều thân cây đã bị xẻ thành nhiều mảnh.

Hiện trường lâm tặc tàn phá rừng (một gốc cây cổ thụ vừa bị triệt hạ).

Đại Đoàn Kết đã có bài “Rừng đầu nguồn bị tàn phá, chính quyền, kiểm lâm ‘không biết gì’? (ngày 14/3), phản ánh về vụ việc, rừng đầu nguồn ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam bị tàn phá nặng nề. Phóng viên Đại Đoàn Kết tiếp tục tiến vào những điểm nóng tàn phá rừng ở những nơi khác để phản ánh vụ việc.

Như đã phản ánh, sau khi có mặt tại khu vực từ dốc Bắp thuộc xã Trà Sơn đến giáp Đá Bàng C9 xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My chứng kiến cảnh lâm tặc tàn phá rừng phòng hộ ở đây. Nhiều người dân còn cung cấp thông tin cho chúng tôi, ở những nơi khác của huyện Bắc Trà My rừng tiếp tục bị tàn phá.

Một gốc thân cây gỗ có đường kính lớn mà lâm tặc mới vừa triệt hạ.

Có được thông tin trên, chúng tôi đổi hướng đi lên trên đỉnh Chóp Nón, xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My và tiếp tục tận mắt thấy những cánh rừng bị “tàn sát”. Chứng kiến cảnh đáng ghê sợ này, chúng tôi không thể không đặt ra câu hỏi, chính quyền, kiểm lâm đang ở đâu?

Để đến được trên đỉnh Chóp Nón, chúng tôi lại đóng vai những người đi hái nấm linh chi và lần theo dấu vết gỗ được trâu, bò kéo trên mặt đất sét để đi vào sâu vào trong những cánh rừng già nói trên. Người dẫn đường khẳng định: “Muốn đi vào đỉnh Chóp Nón chỉ có duy nhất 1 con đường mòn độc địa này. Các anh phải thật cẩn trọng vì lâm tặc rất manh động. Nhớ ai hỏi cũng nói mình tình cờ đi hái nấm ngang qua khu vực này!”.

Gỗ phách lâm tặc đã xẻ và bỏ lại hiện trường.

Khi lên đồi lúc xuống dốc, qua những nẻo đường đất đỏ, trơn trợt, cheo leo, tới một đỉnh dốc chúng tôi tạm dừng chân nghỉ một lúc. Tại đây, chúng tôi gặp vài người dân địa phương đang vào rừng. Qua trò chuyện, một người dân khuyên chúng tôi tìm nơi khác mà hái nấm chứ “rừng ở đây bị tàn phá hết không có nấm đâu mà hái”.

Người này cho biết: “rừng ở địa phương này bị phá từ lâu rồi. Trong những cánh rừng già này, những loại gỗ quý đã bị khai thác hết, giờ lâm tặc chuyển qua loại gỗ khác. Nói thật tôi cũng chỉ là phu gỗ nên thường xuyên kéo trâu vào bãi để vận chuyện ra nơi tập kết. Mỗi lần chuyển gỗ từ trong rừng ra họ trả cho mình từ 350 - 400 ngàn đồng và cứ 3 - 4 ngày một chuyến”.

Những thân và khúc gỗ lâm tặc đã triệt hạ còn bỏ lại hiện trường.

Một phu gỗ khác cho biết: “Sâu trong kia, gỗ bị đốn xẻ la liệt, còn có phép hay không chúng tôi không biết. Để vận chuyển gỗ họ thuê hàng chục con trâu vào hiện trường kéo gỗ ra bìa rừng. Một chuyến cả đi vào và kéo gỗ ra nơi tập kết mất gần một ngày”. Anh này cũng khuyên chúng tôi rằng, rừng tàn phá hết rồi nấm còn đâu, “các anh không tin cứ vào sâu khắc biết”.

Tạm biệt những phu gỗ, chúng tôi tiếp tục men theo con đường mòn dốc đá, phải đi hơn 3 giờ đồng hồ mới vào sâu được trong rừng. Đến nơi nhìn thấy cảnh quang thật đáng sợ. Quả là những phu rừng nói không sai.

Trước mắt chúng tôi là một một đại công trường, rừng bị tàn phá tan hoang, hàng loạt cây gỗ cổ thụ tự nhiên đã bị lâm tặc triệt hạ, nhiều thân cây đã bị xẻ thành nhiều mảnh. Những cây cổ thụ chỉ còn trơ gốc và cả khu vực này có nhiều gốc cây mới bị chặt hạ còn tứa nhựa. Một lượng lớn gỗ đã bị vẫn chuyển đi. Nhưng những gỗ đã xẻ thành phách và cả những khúc gỗ, thanh gỗ, bìa gỗ vẫn còn nằm ngổn ngang giữa rừng. Thật đáng kinh sợ khi nơi đây có cả xưởng xẻ gỗ giữa rừng và lượng mùn cưa còn rất mới, chất lên như hòn non bộ.

Gỗ xẻ thành tấm bỏ lại hiện trường, minh chứng rừng bị tàn phá thời gian dài.

Người dẫn đường cho biết: “Đây là khu vực ngay giữa đỉnh núi Chóp Nón. Các anh thấy đó, đừng nói cây nhỏ, có hàng chục gốc cây cổ thụ bị tàn phá. Những cây này phải có tuổi từ 40 đến 80 năm đã bị khai thác. Phần lớn gỗ đã được chuyển đi. Thế nhưng các anh ngó đó, vẫn còn ngổn ngang những phách gỗ quý”. Số gỗ bị khai thác còn lại, theo ước tính của người dẫn đường cũng phải hơn 30 m3.

Quả thật vậy, theo quan sát của chúng tôi đa phần là những cây cổ thụ có đường kính lớn từ 1 người ôm trở lên.

Đại công trường nhộn nhịp là vậy nhưng theo thông tin chúng tôi có được, ngành kiểm lâm dường như chưa phát hiện ra dù rằng hệ thống kiểm lâm đã được biên chế đến cơ sở, cấp xã vẫn có kiểm lâm viên. Theo những gì chúng tôi chứng kiến, rừng bị tàn phá ở Chóp Nón, xã Trà Giác cũng như điểm mà các lâm tặc khai thác rừng phòng hộ từ dốc Bắp thuộc xã Trà Sơn đến giáp Đá Bàng C9 xã Trà Giang còn chính quyền và kiểm lâm vẫn “bài ca” chưa nắm được thông tin!?

Ông Lê Văn Trường, Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt kiểm lâm huyện Bắc Trà My cho biết: “Nói như các anh có phá rừng trên đỉnh Chóp Nón chúng tôi sẽ cho lực lượng vào kiểm tra và sẽ thông báo lại. Sáng 15/3, chúng tôi sẽ thành lập hai tổ, do Chi cục hạt kiểm lâm tỉnh dẫn đầu sẽ đi khảo sát hai điểm mà rừng bị lâm tặc tàn phá như các anh nói”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vào rừng sâu Bắc Trà My, chứng kiến ‘đại công trường’ xẻ gỗ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO