Vay tiêu dùng, chịu lãi tới 80%/năm

Minh Phương 14/07/2016 07:05

Mặc dù phần lớn người dân Việt Nam đều thu nhập thuộc mức thấp và trung bình, thế nhưng, lãi suất vay tiêu dùng hiện nay mà người dân phải chịu cao nhất lên tới 80%/năm. Đây là con số được Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đưa ra tại Hội thảo “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng - Thực trạng và giải pháp” diễn ra ngày 13/7 tại Hà Nội.

Vay tiêu dùng ẩn chứa nhiều rủi ro nếu người tiêu dùng không đọc kỹ hợp đồng.

Lãi suất lên tới 80%/năm

Theo thông tin Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Cục Quản lý cạnh tranh), có nhiều đơn khiếu nại được người tiêu dùng gửi đến “than” rằng, lãi suất họ phải chịu hiện nay cao nhất lên tới 80%/năm, còn mức trung bình cũng 60% đến 70% mỗi năm.

Ông Hồ Tùng Bách - Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho biết, thông thường các tổ chức tín dụng khi mời chào cho vay tiêu dùng, họ cung cấp thông tin đến người tiêu dùng với lãi suất rất rẻ, chỉ 2, 3%/tháng. Với mức lãi suất này, những người đang cần tiền rất dễ có tâm lý “thuận” ngay. Tuy nhiên, sau khi hợp đồng đã được ký kết, người tiêu dùng mới “ngã ngửa” vì lãi suất theo hợp đồng lên tới 80% /năm. Hoặc mức 60, 70%/năm là mức thông thường. Lúc này, người tiêu dùng buộc phải chịu vì “bút sa gà chết”.

Theo nhận định của ông Bách, phần lớn người tiêu dùng khiếu nại tới Cục Quản lý cạnh tranh đều cho kêu rằng, khi họ yêu cầu bên cho vay cung cấp hợp đồng thì đều không có hợp đồng. Phần lớn người tiêu dùng chỉ được cung cấp một tờ giấy thông tin ngắn gọn về quy định số tiền vay, thời hạn phải trả lãi suất và tiền gốc.

Trước thực trạng mù mờ thông tin trong việc cho vay lãi suất tiêu dùng hiện nay của nhiều tổ chức tín dụng, Cục Quản lý cạnh tranh cho hay, đã nhận được rất nhiều khiếu nại của người tiêu dùng. Khi nhận được các khiếu nại, Cục Quản lý cạnh tranh cũng có yêu cầu các công ty cho vay cung cấp hợp đồng nhưng các công ty này cũng đều từ chối. Bởi vậy, theo ông Bách, muốn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng khó vì không có những căn cứ trong hợp đồng mà người tiêu dùng đã ký.

Một rủi ro lớn cũng được Cục Quản lý cạnh tranh cảnh báo là khi người tiêu dùng ký vào hợp đồng vay tiêu dùng thì công ty cho vay thường để trống phần lãi suất. Sau đó, nhân viên hoàn toàn có thể điền vào mức lãi suất bao nhiêu cũng được rồi thông báo lại cho khách hàng, còn khách hàng thì “bút sa gà chết”.

Ngoài ra, còn một thông tin cũng rất nguy hiểm nữa mà người tiêu dùng đã bị “lừa” chính là khai báo những người thân trong gia đình. Các công ty cho vay giải thích, thông tin về người thân thu thập là phục vụ cho việc liên hệ tới người thân của khách hàng nhằm tìm kiếm hỗ trợ cho công ty khi cho vay, hoàn toàn không có mục đích gì khác.

Tuy nhiên, khi nợ quá hạn, họ đòi nợ lại tìm đến người nhà để hăm dọa, nhắn tin đe dọa đủ điều tới người thân. Hành vi đe dọa cũng là hành vi Cục Quản lý cạnh tranh nhận được nhiều trong thời gian vừa qua. “Thật bất ngờ là một công ty chuyên nghiệp được pháp luật cấp phép nhưng hoạt động không khác gì xã hội đen” - ông Hồ Tùng Bách nhấn mạnh.

Dẫn chứng cho nhận định này, ông Bách nêu trường hợp một người phụ nữ mang bầu tháng thứ tư đến khiếu nại tại Cục Quản lý cạnh tranh vì bị ép ký vào giấy cam kết trả nợ thay cho chồng. Trước đó, chồng của người phụ nữ này vay tiền mua điện thoại di động, người chồng không trả nợ, bỏ trốn. Sau đó chị vợ liên tục bị số điện thoại lạ tự xưng là người của công ty nhắn tin, gọi điện đe dọa, gây áp lực bắt buộc ký vào giấy nhận nợ thay.

Hãy là người tiêu dùng thông thái

Bà Phạm Quế Anh - Chuyên gia của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cho rằng, cho vay tín dụng tiêu dùng tưởng là nhỏ nhưng hậu quả để lại không hề nhỏ chút nào.

Dẫn chứng cho nhận định này, bà Quế Anh cho hay, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008 chính là kết cục của việc cho vay tiêu dùng không minh bạch, thiếu chặt chẽ, mà nguyên nhân sâu xa là từ chỗ người tiêu dùng thiếu hiểu biết, còn nhẹ dạ khi ký vào một bản hợp đồng vay tín dụng tiêu dùng mà không hề biết đằng sau nó là những rủi ro rất lớn.

Tại Việt Nam hiện nay, hình thức cho vay tiêu dùng ngày càng phổ biến và cũng trở thành nhu cầu lớn của xã hội. Tuy nhiên, do người tiêu dùng chưa nhận thức đầy đủ, còn khá “dễ tính” trong việc nghiên cứu kỹ các hợp đồng nên không ít trường hợp bị “hớ” và kết cục là phải chịu một mức lãi suất cho vay “cắt cổ”.

Bà Quế Anh cho biết, các hình thức xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng phổ biến trong tín dụng tiêu dùng chủ yếu thể hiện ở việc bên cho vay thiếu trách nhiệm, cho vay mà không kiểm tra lịch sử tín dụng, thu nhập và các khoản vay hiện tại của người tiêu dùng dẫn đến thực trạng người tiêu dùng không trả được nợ.

Ngoài ra, bên cho vay cố tình không cung cấp thông tin đầy đủ rõ ràng, đặc biệt là các thông tin thiết yếu về lãi suất, số tiền phải trả hàng tháng, thời hạn phải trả vốn vay, lãi vay… khiến cho người tiêu dùng “không biết đường nào mà lần”.

Thậm chí, một số tổ chức tín dụng còn có hành vi ép người tiêu dùng phải mua những dịch vụ khác có giá trị cao hơn nhiều khoản vay tiêu dùng gây bức xúc trong dư luận xã hội thời gian vừa qua.

Trước thực trạng nói trên, bà Phạm Quế Anh cho rằng, tín dụng tiêu dùng sẽ gây ra nhiều hệ lụy nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn khi nhu cầu tham gia vào chi tiêu ngày càng cao.

“Bởi vậy, cho dù pháp luật có hoàn thiện đến đâu thì cũng rất khó bảo vệ được người tiêu dùng. Do đó quan trọng nhất là người tiêu dùng vẫn phải nhận thức được quyền lợi của mình và hành xử một cách thông thái, cần phải đọc kỹ nội dung hợp đồng trước khi đặt bút ký” - bà Quế Anh nêu quan điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vay tiêu dùng, chịu lãi tới 80%/năm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO