Về cồn '3 không'

Lê Quốc Khánh – Nhân Phụng 12/09/2016 08:16

Cách thành phố Long Xuyên không xa nhưng cồn Phó Ba thuộc ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên như “ốc đảo”, cách biệt với người dân thành thị.

Nhà cặp sông nên phương tiện đi lại chủ yếu là ghe, xuồng, không có đường bộ.

Cách đây vài năm, cồn Phó Ba được “mệnh danh là cồn “5 không” (không điện, không nước sạch, không đường, không trường, không trạm) nay còn lại 3 không: không đường đi lại, không trường trung học cơ sở, không trạm y tế.

Do ở vị trí cặp sông Hậu nên đa phần người dân ở Cồn Phó Ba mưu sinh bằng nghề chài lưới, đưa đò và thợ lặn. Qua đò, muốn đi lại trên cồn chỉ có cách duy nhất là lội bộ theo con đường đất. Người dân trên cồn cho biết: Mùa khô, đi lại thì theo lối mòn nên cũng dễ dàng.

Đến mùa mưa thì … đi kiểu gì cũng phải té ngã vài ba lần bởi trên cồn có con đường bằng bê tông rộng chưa đầy 1 mét nhưng nay nhiều đoạn đã bị vỡ loang lổ, đến đi bộ còn khó! Ở đây không nhà nào có xe gắn máy. Phương tiện phổ thông của mỗi nhà là xuồng máy.

Ông Nguyễn Văn Sộng, 79 tuổi, dân xứ xa đến đây lập nghiệp đã được 3 thế hệ. Từ trước đến giờ, nhìn sang thành phố Long Xuyên, điện sáng rực nhưng ở cồn này cứ đèn dầu mà đốt lại thấy tủi thân, ông bảo vậy. Bà con nơi đây toàn là dân nghèo. Hộ nào có điều kiện chút đỉnh đã “nhổ neo” đi nơi khác tìm đường sống.

Do đặc điểm chơi vơi giữa sông nước nên ở đây từ con nít đến người lớn, ai cũng lặn, bơi giỏi. Đến tổ 5, ấp Mỹ Thạnh gặp ông Nguyễn Văn Thiệt, nhà có 4 thế hệ làm nghề kiếm sống trên sông và thợ lặn. Ông Thiệt bảo, chỉ cần ống dây dài và chiếc máy tạo hơi, người trong nhà mình ai cũng có thể lặn sâu đến 20m.

Nhờ lặn giỏi, ông Thiệt đã từng cứu nhiều trường hợp ghe bị chìm, và cứu người trong cơn hoạn nạn. Hỏi về việc mưu sinh, ông cho biết những năm trước cứ đến mùa nước nổi, cá trên sông nhiều nên sống khỏe. Vài năm trở lại đây, nguồn cá ít nên kiếm sống cực khổ hơn, thu nhập ít hơn. Trước đây cá nhỏ chê, ném trả lại dòng sông. Nay cá lớn, cá bé đều bắt hết!

Rồi ông tâm sự: Nghề lặn đòi hỏi phải có sức khỏe tốt thì mới chịu đựng được sức ép của nước sông sâu. Hơn 30 năm làm nghề lặn nên chỗ nào sâu cạn, chỗ nào có nhiều gốc cây ông Thiệt đều nắm rất rõ. Nghề lặn được ví von là nghề “đâm hà bá” nên hễ ngày nào làm thì có tiền đong gạo. Hôm nào nghỉ, gác mái dầm là coi như đói.

Học sinh cồn Phó Ba qua sông đi học.

Ở cồn Phó Ba không có trường tiểu học mà chỉ có điểm trường với vài lớp học cho đến hết tiểu học. Muốn học lên trung học phải sang sông, do vậy chuyện đi học cấp II, III với nhiều cháu ở đây khá xa vời.

Anh Nguyễn Hữu Phúc, ngụ tổ 12, ấp Mỹ Thạnh nhìn dòng sông như trách cứ: Dân trên cồn nghèo vì thiếu thốn đủ mọi thứ. Lại thêm không được học nên muốn làm gì cũng khó. Cuộc sống đã khó, những năm gần đây lại càng khó khăn hơn. Năm nay nước thấp nên làm 3 ngày mà kiếm chưa được trăm ngàn, ăn chưa đủ lấy đâu tiền cho con đi học.

Ở cồn này 70% người dân sống bằng nghề chài lưới, câu, số còn lại chạy đò và buôn bán. Toàn ấp có gần 1.000 người nhưng chỉ có hơn 30 em sang sông đi học trung học. Hàng ngày, con anh Phúc phải lội bộ hơn 20 phút xuống bến đò, rồi đi đò qua sông, sau đó lấy xe đạp chạy đến trường. Ngoài việc tốn tiền đò hàng ngày, phải trả thêm 60.000 đồng/tháng tiền gửi xe.

Đa số người dân trên cồn là hộ nghèo nên việc khám chữa bệnh cũng thực sự khó khăn. Nhiều người không có thẻ bảo hiểm y tế mà trên cồn thì lại không có trạm y tế nên chuyện xa xỉ thứ hai là khám chữa bệnh.

Ông Nguyễn Sĩ Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng cho biết: “Ấp Mỹ Thạnh có 303 hộ, với 1.114 nhân khẩu, trong đó có 20 hộ nghèo, 51 cận nghèo. Mỗi năm, ấp có 20 học sinh tốt nghiệp lớp 5 nên chuyển qua Long Xuyên để học. Hiện trên cồn có 30 hộ dân làm nghề đưa đò. Đối với việc sơ cấp cứu thì địa phương có phân công tổ y tế túc trực tại cồn. Riêng để đảm bảo việc đi lại, địa phương vận động người dân hiến đất để sớm triển khai con đường rộng 2,5 – 3m chạy dọc theo địa bàn dân cư với số vốn đầu tư trên 4,6 tỷ đồng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về cồn '3 không'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO