Họa sĩ Bùi Xuân Phái là một tên tuổi lớn của nền mỹ thuật Việt Nam. Những bức tranh phố của ông, đã làm nên một con phố thứ 37 của Hà Nội, đó là “Phố Phái”.
Nhưng Bùi Xuân Phái không chỉ vẽ phố, ông còn để lại dấu ấn hội họa của mình ở mảng tranh vẽ chân dung, nông thôn, tĩnh vật, nghệ thuật chèo... Ông từng quan niệm: “Văn là người thì vẽ cũng là người thôi, người làm sao thì vẽ làm thế nấy”. Cùng với các họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, họa sĩ Bùi Xuân Phái đã tạo nên một bộ tứ huyền thoại của mỹ thuật Việt Nam: Nghiêm - Liên - Sáng - Phái.
1. Bùi Xuân Phái sinh ngày 1/9/1920, quê gốc ở làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, nay thuộc Hà Nội. Năm 1941, Bùi Xuân Phái học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng khóa với Nguyễn Tư Nghiêm, Tạ Thúc Bình, Huỳnh Văn Gấm…
Sau 8/1945 ông tham gia các hoạt động mỹ thuật phục vụ cách mạng. Năm 1946, tại Triển lãm Mỹ thuật tháng Tám, họa sĩ Bùi Xuân Phái đã được trao giải thưởng Văn hóa cứu quốc.
Kháng chiến bùng nổ, Bùi Xuân Phái lên chiến khu, làm họa sĩ cho báo Sống vui và nhà Thông tin, do nhà thơ Nông Quốc Chấn phụ trách. Thời gian sau đó, ông tham gia giảng dạy ở Trường Mỹ thuật Việt Nam.
Năm 1984, họa sĩ Bùi Xuân Phái được bầu vào Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam. Cùng năm, ông có triển lãm cá nhân đầu tiên và cũng là duy nhất tại Hà Nội, với 108 tác phẩm sơn dầu, bột màu, khắc gỗ.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, danh họa Bùi Xuân Phái đã vẽ nhiều thể loại, từ chân dung, phong cảnh, tới nude, nhưng phố cổ Hà Nội là đề tài ông đã gắn bó hơn 40 năm.
Bức sơn dầu “Phố Hàng Phèn” Bùi Xuân Phái vẽ năm 1940 được xác định là bức đầu tiên ông bắt đầu vẽ phố. Đó là tác phẩm được vẽ trước khi vào học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Sau đó, vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước, họa sĩ Bùi Xuân Phái - dù chưa định hình rõ phong cách và cũng chưa chuyên sâu hẳn vào một đề tài nào - song đã có một số bức vẽ phố cổ, được thể hiện kỹ lưỡng. Ví như bức “Phố Hàng Thiếc” (sơn dầu) vẽ năm 1952, chữ ký bên góc phải cho thấy lúc đó họa sĩ ký cả họ và tên.
Sau này, dấu ấn hội họa của Bùi Xuân Phái khắc đậm vào đề tài phố cổ Hà Nội. Bây giờ nhìn lại, giới nghiên cứu mỹ thuật cho rằng, có thể chia ra mảng đề tài vẽ phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái làm ba giai đoạn: Từ 1960 đến 1970 là “thời kỳ Nâu”; từ 1970 đến 1980 là “thời kỳ Ghi xám”; và từ 1980 đến 1988 là “thời kỳ Lam”. Cách gọi tên này không thuần túy theo nghĩa đen, tức là không phải cứ bức tranh mang tông màu nào là xếp vào thời kỳ đó.
Mỗi thời kỳ, cho thấy sự thay đổi trong nhận thức cũng như cách vẽ của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Nếu thời kỳ Nâu mang dấu ấn đặc trưng nhất về phong cách, tinh thần của Bùi Xuân Phái với những bức vẽ phản ánh khung cảnh của phố cổ Hà Nội “nguyên chất” nhất, chưa bị sửa sang, cơi nới thì sang thời kỳ Ghi xám, tranh phố của ông lại có điểm nổi bật nhất là trên phố không còn thấy hình ảnh người đàn ông mặc áo dài và cầm ô đi lại nữa. Những người bán hàng rong cũng có trang phục khác, các ô cửa sổ được vẽ kỹ lưỡng và chi tiết hơn, xe bò không được phép đi vào thành phố nữa nên không hiện diện trong tranh ông. Đến thời kỳ Lam, tức là những năm 1980 đến 1988, đó là những năm cuối đời của danh họa Bùi Xuân Phái, người ta nhận ra những bức tranh phố của ông nhẹ nhõm hơn, xuất hiện những gam màu ấm của nắng, của tà áo đỏ qua đường...
Người xem tranh thấy phố của danh họa Bùi Xuân Phái quen mà vẫn lạ. Quen vì nhiều người có thể nhận ra những Thuốc Bắc, Hàng Bồ, Hàng Mắm, Hàng Thiếc… đã được một người họa sĩ hàng ngày đi quanh các con phố sẵn sàng ký họa từng ô cửa, từng mái ngói. Còn lạ, vì cái thực đã có mật mã riêng của một nhân cách đẹp lặng lẽ giấu mình nơi gác hẹp ở số nhà 87 phố Thuốc Bắc.
Trong di sản hội họa của Bùi Xuân Phái, còn có mảng tranh chèo cực kỳ độc đáo. Chuyện rằng, cuối những năm 1950 đầu những năm 1960, khi đó cuộc sống khó khăn, họa sĩ Bùi Xuân Phái được bạn bè xoay việc cho ông làm thêm, trong đó có việc trang chí cho sân khấu chèo... Hàng đêm, Bùi Xuân Phái theo đoàn chèo khi họ đi diễn. Và những bức tranh chèo của Bùi Xuân Phái ra đời, chứa đựng cái thẩm mỹ dân gian hóm hỉnh của làng xã Bắc Bộ. Những chàng hề say, hề gậy, những đào lệch, đào thương, những cô gái soi gương chải tóc, đặc biệt là những cảnh sinh hoạt sau hậu trường sân khấu của diễn viên khi họ thay trang phục trước giờ biểu diễn... được Bùi Xuân Phái tái hiện sống động bằng hình và màu rất lạ.
Bên cạnh phố và chèo, Bùi Xuân Phái còn vẽ tĩnh vật, chân dung, thậm chí cả nude. Ông cũng còn tham gia vẽ minh họa cho báo Văn nghệ, làm bìa sách. Khi vẽ, dù đó chỉ là công việc làm thêm vì sinh kế, Bùi Xuân Phái cũng để lại dấu ấn riêng của mình. Nhiều tác phẩm cho thấy sự tài hoa của một họa sĩ đa tài…
2. Nhưng họa sĩ Bùi Xuân Phái không chỉ có phố, không chỉ có chèo, không chỉ là “ông vua vẽ chân dung” mà ít người vượt qua được… Nhắc đến Bùi Xuân Phái còn là nhắc tới một cá tính hội họa rất độc đáo. Cá tính ấy, dù sống trong thời khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, thậm chí phải tiết kiệm từng miếng bìa, từng mẩu giấy vẽ, nhiều khi còn phải vẽ trên giấy báo hoặc vỏ bao thuốc lá, nhưng luôn có những suy nghĩ lạc quan, tích cực và sòng phẳng với nghề. Đọc lại những suy tư ấy trong những cuốn sổ tay của ông, sau này một phần được tập hợp trong cuốn “Viết dưới ngọn đèn dầu”, người ta có thể thấy được một cốt cách đáng trọng nơi họa sĩ Bùi Xuân Phái.
Sinh thời, Bùi Xuân Phái quả quyết: “Vật liệu đóng một vai quan trọng trong nghệ thuật. Thiếu vật liệu, đồ dùng tốt người nghệ sĩ bị hạn chế rất nhiều. Anh ta không thể làm theo ý muốn, không thể nâng cao tác phẩm do dùng những chất liệu kém, tác phẩm dễ bị hư hỏng đem lại sự đáng tiếc cho người xem”.
Cũng trong nghệ thuật, ông cho rằng “đừng thừa. Cứ lải nhải vẽ mãi thì nhất định là sẽ có nhiều cái thừa. Nên tránh đi thì hơn. Vẽ lâu cũng được nhưng cốt để đi sâu vào cái đẹp, cái cần, chứ không phải để thấy cần cù nhiều quá của bàn tay”.
“Văn là người thì vẽ cũng là người thôi, người làm sao thì vẽ làm thế nấy. Nếu cố tình bắt chước người khác thì cũng chỉ thành đồ giả thôi” – họa sĩ Bùi Xuân Phái tâm niệm, và cho rằng: “Cần phải vẽ một cách chân thành. Không giả tạo, đừng vay mượn để che đậy cái… kém của mình mà cũng có người đi làm cái giả tầm thường, trong khi chính bản thân mình có cái hay lại không chịu khai thác. Thế có đáng tiếc không cơ chứ”.
Với ông, phong cách là một sự chân thành. Người thế nào thì phong cách thế ấy. Vì vậy thật là dở nếu bắt chước một phong cách nào. Cái nhìn (tựa như cái kính) của mình chứ không phải là cái nhìn đi mượn.
Họa sĩ cũng tin rằng, “không phải cứ nhảy bừa vào làng thơ, làng họa là thành nhà thơ, nhà họa một cách dễ dàng đâu. Những con mắt tinh đời, sành sỏi, uyên bác… sẽ đánh giá vị trí của anh ở chỗ nào”.
“Nghệ thuật là gồm nhiều yếu tố phong phú tạo nên. Một họa sĩ có tài là trong đó có nhiều mặt anh ta đã đủ phong phú. Phải rèn luyện nhiều mặt, để đủ sức sáng tác nổi những tác phẩm có giá trị. Nếu không anh chỉ làm nổi những cái lặt vặt nho nhỏ mà thôi” - Bùi Xuân Phái khẳng định – “Trong nghệ thuật mỗi nghệ sĩ có cách riêng, phương pháp riêng để làm việc. Điều đáng chú ý là nhờ có cách riêng nê họ mới đạt được trong nghệ thuật”.
“Hãy vẽ. Vẽ để thấy cái non kém của mình. Không dấu kém. Vẽ tốt nhất là trong khi vẽ học thêm được một cái gì bổ ích. Đáng buồn là cái tầm thường. Vẽ không phải để trở nên tài năng, muốn trổ tài càng đi đến chỗ tầm thường”.
Tài năng nhưng cũng đừng kiêu ngạo. Hay nói cách khác, cần phải chấp nhận những ý kiến trái chiều. Chính vì thế, họa sĩ Bùi Xuân Phái cũng sớm xác định: “Sự chê bai đôi khi cần cho người làm nghệ thuật. Hình như nó là chất nóng, chất đẩy. Nó kích động người làm nghệ thuật chịu tìm thêm, hiểu thêm, say mê hơn. Cái toại nguyện làm hết say mê”.
Ông cũng suy nghĩ nhiều về vai trò của người trí thức. Vì thế, không ngẫu nhiên khi ta thấy danh họa Bùi Xuân Phái ghi trong sổ tay của mình: “Không quý trọng nhân tài thì sẽ không có nhân tài. Hãy quý trọng nhân tài một cách thực sự. Đừng để họ khổ sở kéo dài. Chính những con người này sẽ làm vẻ vang cho đất nước”.
Vậy đấy, còn có một Bùi Xuân Phái của chữ nghĩa và suy nghiệm. Đọc những tâm sự của ông, ta thấy một Bùi Xuân Phái quyết liệt và sòng phẳng với nghệ thuật nhưng rất minh bạch trong lẽ sống. Hơn cả, còn toát lên một sự hồn hậu, khiêm tốn.