Về miền di sản

Linh Anh 09/02/2018 13:30

Sau hàng trăm năm lịch sử, các bậc tiền nhân ở phủ Vĩnh xưa đã để lại cho hậu thế nhiều di tích khảo cổ, văn hóa, lịch sử, kiến trúc; hơn thế tạo hoá còn ban tặng nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp. Từ những giá trị đặc biệt đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hoá) đang nỗ lực tận dụng lợi thế để từng bước khai thác, phát triển bền vững du lịch có hiệu quả đi đôi với bảo tồn, giữ gìn, bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa một cách khoa học.

Về miền di sản

Di sản thế giới thành nhà Hồ trường tồn cùng thời gian.

Trầm mặc di sản

Vĩnh Lộc thuộc vùng trung du, cách TP Thanh Hóa khoảng 60km, đây là nơi chuyển tiếp giữa một đồng bằng trù phú, rộng lớn được bao bọc bởi trùng điệp những dãy núi cao. Đây là nơi phát tích của vương triều nhà Hồ và là nơi khởi nghiệp của nhà Trịnh. Bên cạnh đó, huyện Vĩnh Lộc còn được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh lam, thắng cảnh tuyệt mỹ. Giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể cùng với sự ưu đãi của thiên nhiên chính là nguồn lực vô cùng quý giá phục vụ cho việc phát triển du lịch, từng bước nâng cao đời sống đối với nhân dân.

Cũng tại vùng đất được vương triều nhà Hồ chọn đặt kinh đô vào cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV này còn là nơi hội tụ của nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, phân bố khá đều ở tất cả các địa phương. Hiện trên địa bàn toàn huyện có 1 di sản thế giới, hơn 60 di tích, danh thắng được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Trong đó, thành nhà Hồ - di sản văn hóa thế giới, một công trình thành cổ tiêu biểu với lối kiến trúc hết sức độc đáo. Những khối đá xanh vuông, có trọng lượng từ 10 - 20 tấn được ghép với nhau một cách tự nhiên, tạo nên sự vững chắc đã trường tồn hơn 600 năm lịch sử.

Dọc theo QL217, nối từ tuyến đường huyết mạch quốc gia và chạy ngang qua thành nhà Hồ có khu di tích lịch sử cấp quốc gia phủ Trịnh, nghè Vẹt được khởi dựng vào năm 1592 vẫn đang toạ lạc nguy nga, trầm mặc tại xã Vĩnh Hùng. Lịch sử để lại, phủ Trịnh từng là một công trình kiến trúc đồ sộ vào hạng bậc nhất thời Lê Trung Hưng. Toà thành, cung điện, lầu các được các đời chúa Trịnh cho xây dựng trong thời gian một thế kỷ rưỡi (1592-1749). Nay phủ Trịnh trở thành di tích lịch sử tâm linh đang được Nhà nước cho trùng tu, tôn tạo. Cách điểm du lịch tâm linh này không xa có thắng cảnh cấp quốc gia, động Vĩnh An, được xem như động Phong Nha của xứ Thanh. Ngoài ra, tại Vĩnh Lộc còn có rất nhiều di tích và danh lam, thắng cảnh nổi tiếng có giá trị như: Chùa - phủ Báo Ân, đền Tam Tổng, di tích khảo cổ quốc gia đặc biệt - Đàn tế Nam Giao...

Điểm đến hấp dẫn

Hiện nay, quần thể di sản thế giới cùng nhiều di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh ở Vĩnh Lộc đang thu hút hàng nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu. Được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của tỉnh, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, nền kinh tế - xã hội nói chung, sự phát triển du lịch nói riêng ở Vĩnh Lộc đang có những bước phát triển khá vững chắc. Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2017-2020 đang được Đảng bộ, chính quyền huyện Vĩnh Lộc từng bước triển khai thực hiện và mang lại kết quả tích cực.

Về miền di sản - 1

Nhũ đá đẹp tuyệt mỹ tại động Tiên Sơn, Vĩnh Lộc.

Bà Vũ Thị Hương - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc cho biết: Ở tầm vĩ mô, di sản thế giới thành nhà Hồ đang từng bước phát huy thế mạnh, ngày càng thu hút nhiều hơn lượng khách quốc tế tới tham quan. Toàn bộ khu vực quy hoạch của di sản này được bảo tồn nghiêm ngặt, nghiêm cấm mọi hành vi xâm hại của các bậc tiền nhân để lại. Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp với các ngành chức năng, đơn vị chuyên môn khảo sát, quy hoạch tổng thể di tích danh thắng động Kim Sơn và chùa Du Anh, động Hồ Công. Từ những giá trị hiện hữu cùng với công tác quảng bá, trong thời gian qua, số lượt khách đến tham quan thành nhà Hồ, điểm di tích trên địa bàn tăng nhanh. Chỉ tính riêng năm 2017, ước có 145.000 lượt khách nội địa và quốc tế ghé thăm Tây Đô, phủ Trịnh, nghè Vẹt... mang về nguồn doanh thu cho Vĩnh Lộc khoảng 14,5 tỷ đồng.

Có được kết quả như vậy là bởi chính quyền từ huyện đến xã đã nhận thức được giá trị, vai trò quan trọng của hệ thống di tích và danh thắng trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh và địa phương nên tập trung đầu tư tích cực về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật. Hiện trên địa bàn huyện có 5 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật được triển khai, với tổng nguồn vốn gần 20 tỷ đồng, bao gồm: Dự án cải tạo, sửa chữa tuyến đường phụ cận số 2; dự án nâng cấp mặt đường động từ ngã ba Kim Tân đến cổng phía Nam; dự án đường giao thông vùng phụ cận di tích lịch sử văn hóa; dự án đầu tư hệ thống biển chỉ dẫn du lịch đến khu du lịch thành nhà Hồ; dự án xây dựng nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch quốc tế.

Năm 2013, huyện Vĩnh Lộc đưa cây rau má vào trồng thí điểm tại xã Vĩnh Long với 16 hộ tham gia trồng trên diện tích quy hoạch khoảng 1ha. Ban đầu, các hộ được hỗ trợ tiền mua giống, cải tạo, làm đất, đầu tư lò sấy.... Trong quá trình sản xuất, các hộ dân tuyệt đối tuân thủ quy trình trồng rau an toàn dưới sự giám sát chặt chẽ của thôn. Rau má được trồng tại Vĩnh Long là giống rau má ta, lá nhỏ, cuống ngắn, ăn có vị đắng ngọt, thơm mát, có tác dụng rất tốt cho sức khỏe. Sau khi thu hoạch, rau má tươi được bán với giá khoảng 10.000đ/kg, rau má sấy khô có giá 100.000 đồng/kg. Mỗi năm, cây rau má đem lại thu nhập khoảng 30 triệu đồng cho các hộ nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về miền di sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO