Về Phong Thổ

Hải Nhi 25/10/2020 09:35

Huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) - vùng đất vẫn như còn vẹn nguyên màu xanh ngút ngàn của rừng, những đồi thảo quả trải dài đến vô tận, đường đi nhiều tầng xuyên qua mây trắng, ruộng bậc thang, gió phóng khoáng…Và đặc biệt mùa này cung đường Phong Thổ-Dào San miên man sắc vàng rực rỡ của hoa dã quỳ.

Đường từ Hà Nội đến Lai Châu và về huyện Phong Thổ quả thực không mấy dễ dàng, đến với Dào San lại càng cần sự kiên nhẫn. Cũng bởi đường sá xa xôi, khó đi lại nên lượng khách tới nơi này vẫn khá thưa thớt. Nhưng cũng thật hiếm có điểm đến nào ở Tây Bắc mà du khách được đi trong cung đường nhuộm sắc vàng của dã quỳ tưởng như bất tận.

Anh lái xe thông thổ đường đi bẻ lái sành điệu như làm xiếc qua các góc cua tay áo, đến các vực vách thăm thẳm, tài tình đến mức chúng tôi chẳng còn cảm giác nôn nao. Hoặc có lẽ là mải xốn xang với những vạt dã quỳ trùng điệp nở rộ trong ánh hoàng hôn lộng lẫy của miền biên viễn.

Dã quỳ có ở nhiều nơi, nhưng nghe nói để đưa vẻ đẹp của hoa dã quỳ lên một tầm cao mới thì chỉ có Đà Lạt. Nhưng đến Dào San-Phong Thổ, người yêu “nữ hoàng của các loài hoa dại” này có lẽ phải suy nghĩ lại, bởi ngắm dã quỳ ở Dào San mang lại cho người ta một nỗi buồn dịu dàng, mênh mang đến lạ lùng.

Buổi sáng, khi những đám mây còn vơ vẩn ở hàng hiên, chúng tôi đã theo chân những người lính biên phòng gần dân, bám bản đến với Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tung Qua Lìn - nơi mà hệ thống nhà ăn, nhà ở nội trú của các cháu học sinh đều do một tay Đồn biên phòng Dào San góp sức.

Chị Lù Thị Lan Hương, Hiệu trưởng Trường PT Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tung Qua Lìn, cũng là người con của Lai Châu chia sẻ: Khó khăn với trường là cơ sở vật chất, đặc biệt cho các cháu học sinh bán trú. Thấu hiểu điều đó, các anh bộ đội biên phòng đã giúp nhà trường làm bể nước và một số công trình nhà ở bán trú, nhà ăn bán trú. Các anh bộ đội biên phòng nhận 2 cháu học sinh gia đình nghèo là Vàng A Phi và cháu Lý Mờ Pe làm con nuôi, hỗ trợ 500 ngàn đồng cho mỗi cháu. Đó là sự động viên lớn cho cô trò chúng tôi.

Cùng với hỗ trợ trường học, bộ đội biên phòng còn có chương trình xây “Quỹ Nhà 100 đồng”. Cụ thể, mỗi cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên đóng góp 100 đồng/người/một ngày để giúp đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn ở các xã trên khu vực biên giới có một mái ấm.

Và điều đáng ngạc nhiên là những người lính biên phòng Dào San còn ấp ủ giấc mơ muốn biến những bản làng ở vùng đất xa xôi này trở thành khu du lịch sinh thái homestay, bản người Mông sẽ khôi phục lại những điệu múa, điệu khèn và những bản sắc văn hoá của vùng này giúp bà con có cuộc sống ổn định hơn với quan niệm giúp xây nhà, hỗ trợ cuộc sống là quý, nhưng quan trọng hơn là phải giúp cả cộng đồng phát triển. Mục đích giúp người dân có sinh kế lâu dài mới là cách giảm nghèo bền vững.

Cũng ở Dào San, chúng tôi gặp một người trẻ đặc biệt, đó là thầy giáo Việt dạy Toán ở Trường THCS Dào San. Thầy quê Ninh Bình và tình nguyện chuyển từ Cà Mau về Dào San dạy học.

Trải lòng về hành trình của mình, thầy Việt chia sẻ: Qua chương trình về các thầy cô giáo vùng cao được phát trên TV, quá xúc động trước câu chuyện các thầy cô giáo vùng cao Dào San vất vả: Những ngày mưa ngã xe khi vào bản gọi hoc sinh tới trường. Các cô gánh nước về tắm giặt, nấu cơm cho học sinh...Là một vùng đất khó khăn như vậy nhưng cảnh đẹp và con người ở nơi đây lại quá tuyệt vời. Là người trẻ, tôi muốn đi nhiều nơi để trải nghiệm và giờ thì tôi đã coi Dào San là quê hương thứ hai của mình.

Thời gian lưu lại Dào San, chúng tôi đã tới Đồi Nghiêng cách trung tâm xã Dào San khoảng 1km, với độ cao 1.800m so với mặt nước biển là trải nghiệm thú vị với người ưu mạo hiểm khi lần bước qua những vách đá tới cổng trời, phóng tầm mắt ngắm nhìn khung cảnh phía xa xa với những thửa ruộng bậc thang uốn lượn theo sườn núi.

Bất ngờ hơn nữa là phiên chợ Dào San ngập sắc màu trên đỉnh Chùng Sủa Dằn vào sáng Chủ nhật. Bà con đến chợ với những đặc sản địa phương đơn sơ, mộc mạc của núi rừng, từ gùi ngô, chút gạo thơm, chút mộc nhĩ, nấm hương, rồi những mớ rau rừng, trám đen, nhiều nhất vẫn là các sản phẩm thủ công được bày bán khắp nơi trên sạp hàng của người Mông, Dao, Thái… Giữa cái lạnh buổi sớm, bên chảo thắng cố nghi ngút khói, đậm hương thảo quả, quế, hồi, nhâm nhi bát rượu ngô có vị ngọt ngay đầu lưỡi, thời khắc đó sẽ chẳng còn khoảng cách giữa người miền xuôi và miền ngược khi đã cùng chúc nhau bát rượu ngô thơm nồng...

Rất gần với Dào San là đỉnh Bạch Mộc Lương Tử (xã Sin Suối Hồ), nơi đây mới chỉ lác đác dấu chân của một số đoàn khách yêu thích môn leo núi thám hiểu, khám phá. Nhưng sẽ là một chuyến đi hoàn hảo nếu trên cung đường lên đỉnh Bạch Mộc Lương Tử có các điểm dừng chân, khu thu gom rác thải và lầu vọng cảnh.

Nhưng cũng phải ghi nhận tại khu 2 thị trấn Sìn Hồ có dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho du khách, đó là dịch vụ tắm lá thuốc, xoa bóp và bấm huyệt do người dân địa phương cung cấp. Dung dịch để ngâm tắm là một loại nước có màu đen sánh được nấu từ 10 loại cây thuốc hái từ trên núi, trong đó có gừng và sả là có thể trồng ngay tại vườn nhà. Khách sẽ được mời vào một căn phòng nhỏ, trút bỏ xiêm y rồi ngồi ngâm mình ngập đến tận cổ trong dung dịch nước thuốc nóng, được chứa trong một chiếc thùng gỗ, có mùi thơm nồng ngai ngái. Dịch vụ này được du khách khá yêu thích.

Còn với không gian văn hoá, không gian sống giữ được nhiều nét văn hoá đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái trắng là Mường So - quê hương của điệu xòe. Đến đây để trải nghiệm cuộc sống của dân bản và tìm hiểu văn hoá truyền thống của những cư dân sống bên dòng Nậm So.

Khu vực này còn là miền quê của các lễ hội đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái trắng: Nàng Han, Kin Lẩu Khẩu Mẩu (Mường So), Then Kin Pang (Khổng Lào). Độc đáo hơn, nơi đây còn có các khu di tích đã được xếp hạng: Đền thờ Nàng Han, hang Thẩm Tạo, hang Kháng chiến Nà Củng, khu di chỉ khảo cổ Nậm Tun. Nếu biết kết hợp tốt các điểm mạnh trong du lịch nêu trên cùng với sự đầu tư có hệ thống, bài bản, Mường So sẽ phát triển du lịch cộng đồng, lưu trú homestay và thực tế cho thấy, dẫu tiềm năng là thế, nhưng lượng du khách tới tham quan, lưu trú tại khu vực Mường So vẫn chưa được như mong đợi.

Rồi cửa khẩu Ma Lù Thàng thuộc xã Ma Li Po được coi là mũi nhọn để thúc đẩy nền kinh tế của huyện. Tuy vậy, Ma Lù Thàng là cửa khẩu cách các trung tâm kinh tế trong nước khá xa, chỉ có thể vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ. Một tồn tại của cửa khẩu nữa là hệ thống giao thông khá yếu chưa đáp ứng được các xe trọng tải lớn.

Và thực tế cho tới thời điểm này là chưa có nhiều công ty du lịch, hãng lữ hành mở tour, tuyến để đưa du khách đến khám phá vẻ đẹp Phong Thổ. Lượng khách bình quân hiện chưa đạt ngưỡng 20.000 lượt khách mỗi năm. Để thu hút du khách, các khu, điểm du lịch này Phong Thổ cần có sự đầu tư các hạng mục, kết hợp phát triển dịch vụ thương mại đảm bảo nhu cầu ăn uống, mua sắm của khách tham quan. Ngoài sự ưu đãi của thiên nhiên về khí hậu, danh thắng cần kết hợp các sản phẩm du lịch mang tính dịch vụ mới có thể tạo sức hút cho du khách đến với vùng đất gió Phong Thổ.

Dừng chân ở cao nguyên Dào San lúc trời sẩm tối, trong cái rét đến sớm len lỏi qua lớp áo khoác mỏng. Dào San thời điểm này tương tự như ngày thu trời Âu với cảm giác bầu không khí khô ráo và tinh khiết. Đón chúng tôi là những người lính của đồn biên phòng Dào San. Đi một chặng đường xa ngái, được trở về nhà với gia đình là cảm nhận của chúng tôi khi dừng chân ở đồn biên phòng. Đêm ở Dào San chìm trong tĩnh lặng sau tiếng ghita bập bùng của chàng chiến sĩ trẻ nhớ người yêu: “...Anh ở biên cương. Biết rằng em năm ngóng tháng chờ…”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về Phong Thổ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO