'Về quê với mẹ ta thôi'

Trần Thị Trường 21/09/2020 07:54

Nghe tin nhạc sĩ Phó Đức Phương vừa rời cõi thế phiêu du về miền vô ảnh sau cuộc cấp cứu không thành, tôi đã lặng đi nhiều giờ và không thể tin nổi. Thậm chí, tôi không muốn và không thể nhấc máy để gọi tới vợ con ông để xác nhận cái tin đau buồn đó.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương.

Quen với gia đình ông đã lâu, thường được ông gửi gắm nhiều suy nghĩ về sự nghiệp âm nhạc, về nhân tình thế thái trong công cuộc bảo vệ quyền tác giả, tôi tự nhận rằng, tôi là bạn vong niên, chỗ thân tình với ông. Dĩ nhiên, nhận thế cũng không phải dễ. Nhận mà không biết gì về cuộc đời, thân thế, cá tính và thói tật của người ta, nhận cũng bằng thừa và cũng giống như một cách làm chứng, có biết mới làm chứng được.

Gần 20 năm, từ lần gặp đầu tiên đi cùng ca sĩ Ngọc Tân đến nghe ông hát mẫu bài “Chảy đi sông ơi” cho đến khi cùng làm việc ở Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCMC), như vậy tôi có thêm 8 năm tuần nào cũng gặp nhau 5 ngày. Trong khoảng thời gian đó con người ông biểu lộ nhiều nhất... Một ví dụ vui: Ông không thích xưng chú cháu, không thích dùng từ cán bộ, không ra vẻ hay cậy thế người nổi tiếng, ông thích gọi tất cả mọi người, trong đó có chúng tôi trong cơ quan là bạn xưng tớ, bất kể là ai, bao nhiêu tuổi.

Người lạ đến, ông ôm vai thân mật hỏi “Bạn mình tên gì? Có việc gì để tớ phục vụ nào?”. Rất gần gũi. Nhưng trong công việc, bất kỳ ai, lạ hay quen, chức vụ gì nói hơi dài, “vòng vo tam quốc” sẽ bị ông cho ăn mắng ngay. Nhưng nếu đến vào giờ ăn trưa, hay ngày nghỉ thì lại vui vẻ “cứ cùng làm một ly đi đã, rồi hãy nói”.

Có bao nhiêu đức tính tốt như thế nhưng cũng có một tật là dễ cáu bẳn cho nên bao nhiêu thiện cảm của người đối diện có khi là vứt hết xuống sông xuống biển. Ông cáu bẳn chỉ vào những lúc người đối diện làm sai, nói sai.

Song, điều đó thật bất lợi. Không ít phóng viên đã đến xin phỏng vấn bị ông từ chối vì ông biết viết về âm nhạc đã khó, viết đúng về nhạc của ông càng khó, lại là người luôn thiếu thời gian nên ông thoái thác. Nhưng cũng có lần, một phóng viên xinh đẹp được ông đồng ý. Đang rất say sưa, hỏi một câu trong đó dùng khái niệm không đúng, ông cau mặt luôn: Thôi thôi, bạn thôi đi, bạn có biết gì về âm nhạc, về tớ đâu mà bạn viết, khổ cả bạn khổ cả tớ... (chính vì thế nên ông không được cánh báo chí mặn mà).

Chuyện bản quyền cũng thế. Ông thẳng băng theo luật. Ai “xin xỏ” cũng không mủi lòng lại còn mang thân ra “chiến đấu” cả chỗ đông người để bảo vệ quyền tác giả. Có ngăn ông đừng dại với những người cố tình vụ lợi, có thể xảy ra xô xát, thì ông bảo “nếu họ xông vào đánh tớ, tớ có ngã lăn ra ở đây thì mọi người càng phải tìm hiểu hơn chuyện đúng sai. Bản quyền là một tài sản, quyền sở hữu hợp pháp mà họ cứ ăn không, tớ sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng...”.

Trong giới âm nhạc, người yêu quý cái sự thẳng băng ấy cũng nhiều, biết là ông hy sinh cũng có, nhưng cũng không thiếu người cho rằng, chẳng qua ông xả thân như thế vì quyền lợi của bản thân thôi. Chỉ anh em trong cơ quan thì biết, lương ông bao nhiêu, ông có tham lam lợi lộc gì... và ông đã sống tử tế như thế nào.

Sinh trong một gia đình họ Phó có đông anh em hầu như ai cũng có tài, mỗi người mỗi vẻ, nhưng giống nhau ở chỗ rất bản lĩnh. Người anh cả là nhạc sĩ Phó Đức Vạn thì hóm hỉnh nhất (ông Vạn cũng vừa mới mất vài tháng trước).

Nhưng Phó Đức Phương là người kỳ cục, vừa mạnh mẽ lại vừa nhút nhát. Mạnh mẽ khi sáng tác hay khi biết chắc cái mình làm là cái đúng thì mạnh mẽ và quyết liệt đến cùng. Những tưởng người như ông tình ái rất nhiều nhưng thực ra ông lại rất rụt rè. Có lần ông kể: Ông thấy cô X hấp dẫn quá, cô ấy cũng có vẻ rất thích ông, vậy mà cơ hội đến (trong thang máy) thì ông ngộp thở không dám nói, về đến cơ quan còn tiếc mãi.

Âm nhạc của Phó Đức Phương đặc bản sắc Việt, ông đào sâu dân ca, sử dụng tốt âm hưởng dân gian, bằng vốn văn hóa dày dặn và tài hoa của chính mình sáng tạo ra thành những tác phẩm độc đáo, thành số 1, bản sắc Việt tới đáy nhưng hiện đại phù hợp với thời đại mà chứa đựng sâu sắc cái truyền thống, có khả năng chinh phục cao.

Trừ một câu thơ của nhà thơ Tường Vân trong cả sự nghiệp của ông ông hoàn toàn tự viết lời. Ca từ xuất sắc, tính hàm ngụ cao, hòa quyện với giai điệu để tác phẩm giàu triết lý và hình tượng. Không chỉ khắt khe trong sáng tạo tác phẩm, ông còn kỹ lưỡng khi làm việc với nghệ sĩ hòa âm phối khí, với các ca sĩ thể hiện tác phẩm của mình.

Cuộc đời ông ngoài những tác phẩm âm nhạc vài trăm bài để đời, ông có những đóng góp đáng kể với âm nhạc điện ảnh: “Đứa con nuôi”; “Những đứa con”; “Đời Cát”... hay trong lĩnh vực sân khấu: “Nguồn sáng trong đời”; “Vách đá nóng bỏng”, “Thuyền lá”... và từng là Tổng đạo diễn Paragame Lần thứ II…

Xin đưa lại đây câu tiễn bạn của nhạc sĩ Trần Tiến để mọi người hiểu hơn về giá trị Phó Đức Phương: “Phương đi trước nhé. Nước rồi cũng bốc hơi, ai rồi cũng phải bay về đâu đó. Ta sinh ra là bước vào con đường đi đến cõi chết... Anh lo cho đồng nghiệp chuyện bản quyền bạc cả tóc… Anh bỏ viết nhạc để làm những điều cho là đúng. Chắc anh còn điều gì đó mà thấy mình sống chưa đủ. Tôi cũng như mọi người Việt yêu nhạc thì thấy anh sống đủ rồi...”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Về quê với mẹ ta thôi'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO