17 năm qua, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam đã không còn là đợt sinh hoạt mang tính định kỳ, nhỏ lẻ của một số người tích cực trong hoạt động xã hội mà trở thành nơi cố kết cộng đồng, nơi sẻ chia của tình làng nghĩa xóm và là nơi để người lãnh đạo được trở về với dân. Như thế, trong rất nhiều hoạt động của Mặt trận ở khu dân cư, Ngày hội Đại đoàn kết đã trở thành ngày hội của lòng dân.
Ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04 về việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết định lấy ngày 18/11 hằng năm là Ngày hội Đại đoàn kết ở các cộng đồng dân cư.
Và như thế, trong rất nhiều hoạt động của Mặt trận ở khu dân cư, Ngày hội Đại đoàn kết đã trở thành ngày hội của lòng dân để hướng về kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam- Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam.
Mục đích ban đầu của ngày hội là ôn lại truyền thống của MTTQ Việt Nam, là dịp để báo cáo những kết quả hoạt động của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Nhưng sau 17 năm, Ngày hội đã không chỉ còn là đợt sinh hoạt mang tính định kỳ, nhỏ lẻ của một số người tích cực trong hoạt động xã hội mà trở thành nơi cố kết cộng đồng, nơi sẻ chia của tình làng nghĩa xóm, nơi bạn bè thân hữu gặp gỡ, nơi để người lãnh đạo được trở về với dân.
Từ thực tế cho thấy, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết càng thêm ý nghĩa hơn khi có sự đồng thuận của lòng dân, lấy tinh thần đoàn kết ngày hội để giải quyết nhiều vấn đề phát sinh trong cuộc sống thường ngày, thể hiện rõ sự gắn kết cộng đồng, những bất hòa mâu thuẫn trong làng xóm được giải tỏa, tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt…
Bức tranh hội tụ ấy chính là biểu hiện sinh động nhất biểu dương cho lực lượng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện rõ tính đúng đắn, ý nghĩa chính trị, xã hội một cách sâu sắc về chủ trương thực hiện. Chính vì vậy, tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết đã trở thành nhiệm vụ quan trọng trong công tác Mặt trận.
Sứ mệnh gìn giữ và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc đã trao cho Mặt trận vai trò và sức mạnh to lớn trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh mà lịch sử 90 năm qua đã minh chứng.
Ở giai đoạn hiện nay, Mặt trận tiếp tục là trung tâm đoàn kết, tuyên truyền, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng thực hiện các mục tiêu, lý tưởng của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới.
Tất cả những mục tiêu lớn lao ấy, đều được người Mặt trận bắt đầu từ những phần việc nhỏ nhưng rất cụ thể từ mỗi cộng đồng dân cư. Có đi đến Ngày hội Đại đoàn kết ở các khu dân cư những ngày này mới thấm thía hơn những điều nhỏ bé ấy.
Với vai trò, vị trí của mình, mọi hoạt động do Mặt trận phát động, khởi xướng và tổ chức thực hiện đều có tác động và sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân. Từ việc chia sẻ, hòa giải cho đến giám sát, vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới… Mặt trận còn đi sâu vào những vấn đề người dân rất quan tâm như phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Kinh nghiệm đã chỉ ra rằng, có những việc tưởng chừng rất nhỏ nhưng nếu không được giải quyết rốt ráo từ mỗi địa bàn dân cư, việc nhỏ sẽ thành việc lớn.
Nếu địa bàn dân cư yên ổn, phát huy được dân chủ, người dân chung tay đóng góp thì lòng tin của người dân đối với Đảng, chính quyền ngày càng được tăng cường. Vì mục tiêu dân chủ hiện nay là tạo được lòng tin của người dân, gần dân, hiểu dân, nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Việc Mặt trận đứng ra chủ trì và phát động những cuộc vận động hay phong trào trong nhân dân thì tác động và sức lan tỏa của công tác này sẽ rất lớn bởi nhân dân không chỉ rất quan tâm tới những vấn đề thiết thân của mình mà còn do uy tín lâu dài của Mặt trận đối với nhân dân.
Chính vì vậy, từ lâu Ngày hội Đại đoàn kết do Mặt trận tổ chức còn là một dịp để các lãnh đạo từ Trung ương tới các địa phương trở về với dân.
Còn nhớ, trong những ngày cuối tháng 11 của năm 2018, khi những cơn mưa còn rớt lại như “vàng” ngấm sâu vào lòng đất, tưới tắm cho hàng ngàn hecta cà phê, hồ tiêu, những cánh rừng biên giới dọc các huyện Buôn Đôn, Ea Súp (Đắk Lắk) mơn mởn một màu xanh, trong tiếng cồng tiếng chiêng, bà con đồng bào dân tộc ở xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, phấn khởi chào đón hai vị khách đặc biệt đến cùng Ngày hội Đại đoàn kết.
Già làng Y Đhun Hók - người trao hai chiếc áo truyền thống của bản làng cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, xúc động chia sẻ rằng, tấm áo này chính là tình cảm, hơi ấm dạt dào mà bà con nơi đây muốn dành cho những vị khách đặc biệt.
Khoác lên mình tấm áo của đồng bào, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Trần Thanh Mẫn xúc động như đón nhận tình cảm của Tây Nguyên, nhấp một chút rượu cần, bắt nhịp một vòng xoang…Tất cả mang hương vị cao nguyên đầy sự chân thật và nồng ấm.
Trong căn nhà rông truyền thống của đồng bào, ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, muốn đoàn kết thì không thể một cá nhân riêng lẻ mà phải có sự tổ chức, tập hợp bà con, tập hợp quần chúng nhân dân, trên dưới đồng lòng…
“Chỉ có đoàn kết, mọi việc đều đi đến thắng lợi”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định.
Đoàn kết là sứ mệnh của Mặt trận trong suốt 90 năm qua. Giai đoạn hiện nay đang đặt ra cho công tác Mặt trận nhiều trách nhiệm mới, tương ứng đòi hỏi một đội ngũ cán bộ Mặt trận có tư duy mới năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm mới mong đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Và trong mỗi Ngày hội Đại đoàn kết, luôn có bóng dáng của họ - người cán bộ Mặt trận, vẫn thầm lặng trong cuộc sống thường ngày nhưng chưa khi nào vơi cạn ngọn lửa nhiệt tình với công tác cộng đồng, làng xã.
Với sứ mệnh xây dựng khối đại đoàn kết, họ vẫn kiên trì, bền bỉ, nguyện chỉ là những chấm nhỏ để tô thêm sắc màu cho bức tranh Mặt trận 90 năm ngày càng sâu đậm, ngày càng tươi mới.