Vẽ với năng lượng tích cực, yêu đời

Việt Quỳnh 07/05/2022 10:50

Tinh thần của họa sĩ Hà Hùng là kết quả của sự trải nghiệm sâu sắc về cuộc sống bềnh bồng, là sự thức tỉnh của tâm hồn với nhiều tình cảm gần gũi, thân thiết, mến thương. Vì thế, tranh của ông trong triển lãm cá nhân lần này, cũng mang nhiều năng lượng tích cực lạc quan yêu đời.

Một số tác phẩm của họa sĩ Hà Hùng.

Thời gian là sinh viên, họa sĩ Hà Hùng vẽ nhiều nhất. Ra trường ông vẽ lai rai trong lặng lẽ và không liên tục như thời còn đi học. Vẽ nhiều, nhưng không hóa giải được hết những chất chứa nặng nề bên trong tinh thần, nên ông tìm đến thơ.

Năm 2005, Hà Hùng in tập thơ "Hoa Tình". Tiếp đó, như lời ông kể viết là một nhu cầu cấp thiết với ông hơn cả vẽ. Từ đó, tiểu thuyết "Xóm Miếu Nổi" (2007) ra đời với bút pháp hiện thực huyền ảo. Sau 3 triển lãm cá nhân, Hà Hùng vừa viết vừa vẽ. Ông viết rất nhiều, nhưng chỉ in thêm 2 cuốn: "Gieo Hạt Đồng Trời" (tiểu luận triết học, 2011) và tập thơ "Tây Thiên" (2014).

Năm 2011, Hà Hùng bỗng quyết định đi tu. Ông đi tu không phải để đạt cái gì mà chỉ cần mình chân thành với đạo Phật, thì cuộc sống đủ trở nên hạnh phúc. Thời gian đầu, ông tu tại chùa Tổ Vạn Đức ở Thủ Đức. Lúc đó ông cùng các sư huynh sư đệ sớm tối công phu tu hành trong giới luật nghiêm ngặt. Được 2 năm rưỡi, ông về tịnh thất Vĩnh Phú ở quận 9, và tu từ đó cho đến nay. Đồng thời, ông thuê một căn phòng bên ngoài để làm xưởng vẽ tranh.

Họa sĩ Hà Hùng.

“Tôi vẽ tranh giống như tập thể dục”. Họa sĩ Hà Hùng chia sẻ: "Cơ thể mình tập thể dục mới nhẹ nhàng, còn vẽ tranh cũng là tập thể dục cho tinh thần, thấy khỏe khoắn lắm. Con người tôi rất lạ, từ mấy chục năm nay, lúc nào cũng vẽ được vì luôn đầy cảm hứng. Tôi vẽ tranh để sống cho vui vẻ hơn. Đi tu giờ đời sống vật chất không có gì phải lo, phước lớn thì mọi thứ đều tự nhiên đầy đủ".

Ông tâm sự: "Hội họa là con đường tôi chọn và cả viết, viết để minh triết. Vì đó như là hơi thở nên tôi phải viết để giải phóng nó, để cuộc sống dễ thở hơn. Còn cái mình đã chọn thì cũng phải theo đuổi nó tới cùng. Bây giờ đã bán được tranh, và có người đặt tranh nữa, nên viết đã đời rồi thì quay sang vẽ thì còn dễ thở hơn nữa".

Với họa sĩ Hà Hùng, làm nghệ thuật không phải là tìm chỗ để ẩn nấp, để chạy trốn chính mình. Mà làm nghệ thuật, vẽ tranh là một cách khác để biểu hiện ra tất cả những cái gì có trong con người mình. Con người mình sao thì mình vẽ vậy, vẽ những cái gì gần gũi quen thuộc đối với mình nhất. Vì thế, ông hay vẽ về phố, nhưng là "phố mới" tươi vui, nhẹ nhàng trong sáng, chứ không phải phố buồn, ngõ nhỏ, lối nhỏ, hiu hắt vàng vọt ánh đèn khuya...

"Tôi cũng không phải là người thích chạy theo những thay đổi bên ngoài đời sống, nhưng tôi cũng rất dị ứng với những cái gì được gọi là truyền thống". Họa sĩ Hà Hùng chia sẻ: "Vẽ thì muôn đời cũng là vẽ những cái đó, nhưng phải vẽ làm sao cho khác người ta thì mới khó, thậm chí vẽ là phải khác với cái mình có ngày hôm qua, thì đó mới đúng theo cái nghĩa chân chính của cái nghề vẽ tranh nghệ thuật. Nhưng bây giờ, nhận thức của con người đã khác ngày xưa rất nhiều. Có người cả đời tìm tòi mãi mà không tìm ra được cái gì, cũng khổ. Mà cũng có người vẽ mãi suốt đời chỉ một kiểu, còn khổ hơn. Nhưng nếu con người không chịu đựng được chính mình, thì sẽ có những suy nghĩ không giống ai, và đó là những suy nghĩ không thể làm nghệ thuật được”.

Họa sĩ Hà Hùng nói: "Quá trình sáng tác cũng là quá trình theo dõi tâm lý, nắm bắt những cơ hội trỗi dậy đẹp đẽ của nó, mà tạo ra những tác phẩm nghệ thuật cho riêng mình. Bởi vì tiến trình phát triển của tâm lý luôn song hành với tiến trình sáng tạo nghệ thuật của mỗi người. Ai đã trải qua khổ đau trong tâm lý càng nhiều thì càng thấy rõ được những điều trỗi dậy đẹp đẽ của tâm hồn, từ đó mới sáng tạo ra những tác phẩm đẹp, làm lay động lòng người". Theo ông, vẽ màu sáng khó hơn vẽ màu tối, bởi vì từ trung gian tới tối có khoảng hơn bốn chục sắc độ, còn từ trung gian tới sáng là hơn hai chục sắc độ thôi, nên rất khó vẽ. Và khi tinh thần con người mình sáng, sạch sẽ rồi, thì sẽ thích vẽ từ trung gian tới sáng, mang đầy năng lượng tích cực. Vẽ càng đơn giản càng khó, vì dù thấy nó không có gì, nhưng nó cũng phải đầy đủ tất cả thì mới đạt.

“Mỗi bức tranh đều thể hiện tinh thần của tác giả”. Họa sĩ Hà Hùng bày tỏ: "Tôi thường hướng tới tinh thần của minh triết - từ cọng cỏ hay bông hoa đều có ý nghĩa. Tôi thích những thứ bình thường, hội họa là hình và màu. Một bức tranh mà hình đẹp màu đẹp, thì đó là một bức tranh đẹp mang nhiều ý nghĩa nhất".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vẽ với năng lượng tích cực, yêu đời

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO