Mạch mua ròng của khối ngoại với cổ phiếu STB của Sacombank trong 2 năm 2021 và 2022 vẫn được vắt sang đầu năm 2023. Tới thời điểm hiện tại room ngoại cũng đã gần chạm trần.
Theo Nhịp sống kinh doanh, khối ngoại mua ròng bền bỉ, STB lọt vào nhóm cổ phiếu Ngân hàng có xu hướng tích cực nhất.
Phiên giao dịch 7/2, thị trường chứng khoán Việt Nam phải chứng kiến sự xáo trộn của hoạt động mua bán trái chiều của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn có một cổ phiếu Ngân hàng tạo được dấu ấn đáng chú ý khi vẫn tăng 0,19% và còn đứng đầu trong top mua ròng của khối ngoại khi được mua ròng 176 tỷ đồng.
Trạng thái giá của STB có thể không thể so sánh được VCB khi mới lập kỷ lục giá đóng cửa vào phiên 6/2 nhưng ở thời điểm hiện tại STB lại là một trong những cổ phiếu tích cực nhất của nhóm Ngân hàng bao gồm VCB, BID, CTG, ACB. Đây là những cổ phiếu hiện đã trở lại về xu hướng tăng dài hạn sớm nhất trong nhóm cổ phiếu "vua".
Điểm sáng khối ngoại không chỉ xuất hiện ở riêng phiên 7/2 mà thực tế đã duy trì trong quãng thời gian dài. Tính từ đầu năm, STB đã được mua ròng 823 tỷ đồng, chiếm 16% lượng tiền giải ngân trên HOSE, chỉ đứng sau HPG.
Còn trong năm 2021 và năm 2022, khối ngoại đã mua ròng lần lượt 4.200 tỷ đồng và 4.600 tỷ đồng. Năm 2022, tỷ trọng mua ròng của STB trên HOSE là 18%; còn năm 2021, STB thậm chí còn đi ngược xu hướng giao dịch khi khối này bán ròng tới gần 2,5 tỷ USD trên HOSE.
Điều này cũng cho thấy rằng việc khối ngoại mua ưu ái STB là sự kết hợp của cả dòng tiền đầu tư thụ động từ các quỹ ETFs lẫn dòng tiền chủ động của một số quỹ khác. Theo thống kê gần nhất, nhóm quỹ liên quan tới Dragon Capital với một số nhà đầu tư chủ chốt như Norges Bank, CTBC đang nắm giữ khoảng 110 triệu cổ phiếu STB, tương đương gần 6%.
Bức tranh kinh doanh vẫn rất sáng trong năm 2023
Việc có sự tham gia của dòng tiền chủ động là một tín hiệu tích cực với một Ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu như STB.
CTCK SSI cũng đã đưa ra những nhìn nhận lạc quan về STB trong báo cáo đầu năm nay. STB là một trong những ngân hàng cuối cùng đang phải xử lý nợ xấu còn lại của chu kỳ tín dụng trước nhưng đã nâng cao chất lượng tài sản một cách ấn tượng. Ngân hàng cũng không cho vay trái phiếu doanh nghiệp và duy trì dư nợ cho vay bất động sản ở mức thấp. Nếu STB có thể duy trì hiệu quả hoạt động tốt từ quý 3/2022 trở đi, Ngân hàng có thể sớm gia nhập câu lạc bộ các ngân hàng top 1 với NIM ấn tượng và bảng cân đối kế vững chắc.
Trong BCTC quý 4/2022, thu nhập lãi thuần tăng trưởng 142%, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt gần 1.900 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu đã được giảm xuống dưới 1%. Tính chung cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế đạt 6.339 tỷ đồng.
Năm 2023, SSI dự báo STB có thể đạt mức thu nhập lãi thuần 24.730 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 40%; lợi nhuận trước thuế có thể đạt 11.544 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 83%.
Room ngoại sắp được "vét sạch" và ẩn số bán vốn
Đáng chú ý, trong mô hình tính toán của chuyên gia SSI, biến số gây đột biến lợi nhuận đã tạm được "gạt đi", đó là việc xử lý dứt điểm dư nợ trái phiếu VAMC thông qua việc bán đấu giá 32,5% cổ phần của STB và Khu công nghiệp Phong Phú.
Cả 2 tài sản đảm bảo này đều có giá trị cao, trong đó việc bán cổ phần của STB đang là câu chuyện có sức hút rất lớn với giới đầu tư. Nếu có thể xử lý hết khoản nợ tồn đọng, STB có thể ghi nhận lợi nhuận đột biến.
Hiện đang có thông tin các đối tác nước ngoài là bên mua tiềm năng và ban lãnh đạo Ngân hàng kỳ vọng giá bán từ 32.000-34.000 đồng/cổ phiếu để xử lý hết khoản nợ VAMC.
Chuyên gia phân tích của SSI cho biết để bán được số cổ phần này sẽ cần khoảng thời gian nhất định, do số lượng khá lớn cũng như việc này cần quy trình hướng dẫn cụ thể hơn của Ngân hàng Nhà nước để phê duyệt việc bán.
Trước khi có những hướng dẫn từ cơ quan quản lý, việc cổ phiếu STB nhận được sự quan tâm của khối ngoại là điều có lẽ không thể phủ nhận. Sau khi đã mua ròng gần 10.000 tỷ đồng STB trong vòng 3 năm, hiện tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đã đạt gần 29%.
Qua đó, STB đã gia nhập nhóm các cổ phiếu Ngân hàng được khối ngoại săn đón nhất như ACB, TPB, MSB, CTG khi tỷ lệ sở hữu tối đa 30% của nhà đầu tư ngoại đã được lấp kín.
[Ngân hàng Phương Đông (OCB) miễn nhiệm Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Công nghệ]