Vì một mùa lễ hội an vui

Minh Quân 30/01/2023 06:45

Ngày 27/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 03/CT-TTg đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Trong đó nêu rõ về việc tổ chức lễ hội vui tươi, an toàn. Hiện khắp các vùng miền trên cả nước đã vào mùa lễ hội. Trong suốt thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết các lễ hội chỉ tổ chức phần lễ thì mùa Xuân này, lễ hội đã thực sự trở lại.

Lễ hội Chùa Hương nhộn nhịp ngay từ ngày đầu khai hội, dự kiến sẽ đón khoảng 1,5 triệu lượt khách trong mùa lễ hội năm nay. Ảnh: Quang Vinh.

Là một trong những lễ hội lớn nhất cả nước, lễ khai hội Chùa Hương 2023 năm nay với chủ đề an toàn, văn minh, thân thiện, sẽ diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 23/1 đến 23/4 (ngày mồng 2 tháng Giêng đến ngày 4/3 năm Quý Mão). Trưởng ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển cho biết, từ mùng 1 Tết đến nay, khu di tích đã đón khoảng 150 nghìn lượt khách, riêng mồng 5 Tết đã đón khoảng 50 nghìn lượt khách. Dự kiến mùa lễ hội năm nay, Chùa Hương sẽ đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, cao hơn so với lượng khách đến Chùa Hương vào các mùa lễ hội trước đại dịch Covid-19.

Tưng bừng lễ hội

Nhiều người dân Hà Nội cho biết đã chọn đi du xuân Chùa Hương vào 26/1 (mùng 5 Tết) vì nghĩ sẽ chưa quá đông bởi tới mùng 6 Tết mới khai hội Chùa Hương. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn ngược lại. Mới ra khỏi nội thành đã tắc đường. Tới nơi, đoạn đông nhất là khúc lên cáp treo. Sau khi mua vé xong, nhiều người phải chờ tới 2 giờ để lên được cáp treo. Ra khỏi cáp treo, đường lên động Hương Tích cũng tắc nghẽn. Để đi được 500 mét cũng tốn khoảng một giờ. Trong khi đó, nhiều người cho biết đoạn vào động Hương Tích tắc khủng khiếp. Suốt một giờ, cũng chỉ nhích được khoảng 200 mét.

Trước đó, ngay từ mùng 4 Tết (25/1), nhiều bài đăng trên mạng xã hội với chú thích “Chùa Hương thất thủ” cũng đã ghi lại cảnh đoàn người di chuyển rất chậm trên đường lên động Hương Tích hay kẹt cứng ở cáp treo.

Cũng trong những ngày đầu Xuân, nhiều lễ hội tại Hà Nội đã chính thức khai hội và thu hút đông đảo du khách đến tham gia. Thông tin từ Ban tổ chức lễ hội Gò Đống Đa, trong ngày mùng 5 Tết có khoảng 10 nghìn người tham dự. Diễn ra trong 3 ngày từ 27 đến 29/1, lễ hội Đền Sóc (huyện Sóc Sơn) cũng đã thu hàng nghìn người tham gia. Diễn ra trong 10 ngày (từ mùng 6 đến 16 tháng Giêng), lễ hội Cổ Loa cũng đã khai hội với sự tham gia của 7 làng. Trong khuôn khổ lễ hội đã diễn ra nhiều hoạt động như: Nghi lễ rước kiệu, dâng hương, các trò chơi dân gian như bắn nỏ Loa thành, cờ người, đu tiên, ném còn, nhảy sạp…; Đặc biệt, lễ hội năm nay còn gắn với sự kiện công bố Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia lễ hội Cổ Loa và công nhận Khu di tích quốc gia đặc biệt di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa là điểm du lịch. Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh 2023 cũng sẽ diễn ra vào ngày 14 tháng Giêng tại di tích lịch sử văn hoá đền Hạ (xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội), với nhiều hoạt động mang đậm nét văn hóa dân tộc của đồng bào Mường, Dao…

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, đối với các lễ hội lớn, dài ngày tập trung đông người, các doanh nghiệp, cá nhân tham gia dịch vụ phải ký cam kết với Ban tổ chức lễ hội, thực hiện việc niêm yết công khai giá bán các mặt hàng, các phí phục vụ tại lễ hội. Nghiêm cấm các hoạt động mê tín, dị đoan như: bói toán, xóc thẻ; tàng trữ, buôn bán, sử dụng văn hóa phấm cấm lưu hành; tổ chức trò chơi có tính chất cá cược, đánh bạc dưới mọi hình thức; không tổ chức các hoạt động dịch vụ trong khu vực bảo vệ một của di tích lịch sử - văn hóa; không quảng cáo bằng loa, đài gây tiếng ồn quá mức quy định trong lễ hội.

Sáng ngày mùng 7 Tết, lễ Tịch điền Đọi Sơn (Hà Nam) cũng đã diễn ra với sự tham gia của hàng nghìn người dân. Tiếng trống khai hội xuống đồng rộn ràng cùng với những sá cày thẳng tắp đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong những ngày đầu Xuân năm mới. Lễ hội Tịch Điền là một hoạt động văn hóa, du lịch tâm linh góp phần quảng bá hình ảnh, con người Hà Nam đổi mới, phát triển và hội nhập và tạo nên sự phong phú cho các lễ hội truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Trong khi đó, thông tin từ BTC lễ hội Đền Trần (Thái Bình) cho biết, lễ hội năm nay sẽ diễn ra trong 5 ngày (từ 13 đến 17 tháng Giêng năm Quý Mão) tại Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà). Phần lễ gồm có hoạt động dâng hương tại lăng mộ các vua Trần, tế mở cửa đền, lễ dâng cặp bánh kỷ lục Việt Nam, lễ rước thủy và rước bộ, trình diễn thư pháp hai câu thơ của vua Trần Nhân Tông...

Vào mùa lễ hội 2023. Ảnh: Quang Vinh.

Đảm bảo lễ hội Xuân an toàn, văn minh

Ngày 27/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão 2023. Trong đó, về việc tổ chức lễ hội, Thủ tướng giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lễ hội theo thẩm quyền. Hướng dẫn các địa phương khẩn trương tổ chức các biện pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về lễ hội trên địa bàn, bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, văn minh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về tổ chức và tham gia lễ hội; yêu cầu người cung ứng dịch vụ, hàng hóa tại khu vực lễ hội phải niêm yết công khai và bán đúng giá niêm yết; không chèo kéo, ép giá, ép du khách mua hàng tại các điểm du lịch, lễ hội.

Chen chân trong lễ hội Chùa Hương 2023. Ảnh: Quang Vinh.

Đáng chú ý, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động, khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên; không tổ chức du xuân, liên hoan, chúc tết làm ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc.

“Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính; không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ. Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công” - Chỉ thị nêu rõ.

Về phía Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, theo bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, năm nay, số lượng người tham gia các lễ hội truyền thống tại các địa phương có thể tăng đột biến. Các địa phương nơi diễn ra lễ hội đã có những phương án chuẩn bị tốt nhất để đảm bảo lễ hội Xuân diễn ra an toàn, văn minh. Cục Văn hóa cơ sở đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố về công tác này. Nhấn mạnh Ban tổ chức thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính; kiên quyết không để các hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch, biến tướng trong dâng sao giải hạn, phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử di tích, lễ hội…

Công văn của Cục Văn hóa cơ sở cũng đề nghị Ban tổ chức lễ hội cần xây dựng, triển khai các phương án bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội. Trường hợp xảy ra ẩu đả, mất an ninh, trật tự trong lễ hội, phải yêu cầu dừng tổ chức cho đến khi ổn định tình hình; có phương án đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch Covid-19. Cùng đó đẩy mạnh tuyên truyền về nét đẹp văn hóa, ý nghĩa biểu trưng của các thực hành lễ hội tới cộng đồng và công chúng…

Theo PGS.TS Đặng Văn Bài - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, việc tổ chức lễ hội dựa vào nguồn lực người dân là điều hết sức quan trọng. Khi người dân luôn có hiểu biết rõ nhất về sự quan trọng, tầm ảnh hưởng của lễ hội, những giá trị được truyền dạy từ cha ông… thì chính họ sẽ có đóng góp cho việc quy hoạch, phát triển để phù hợp với tinh thần của lễ hội, gắn với cuộc sống của họ; đồng thời lắng nghe ý kiến từ các nhà khoa học, văn hóa, các nhà nghiên cứu. Trong công tác tổ chức cũng không vì yếu tố kinh tế mà quên đi giá trị cốt lõi của một lễ hội là phải định hướng, giáo dục con người đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Khi cân bằng được 2 yếu tố sẽ biến lễ hội thành sản phẩm văn hóa có giá trị đặc biệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì một mùa lễ hội an vui

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO