Vì mục tiêu chất lượng

Hồ Luân 05/04/2017 08:35

Nổi tiếng là nước phong phú và đa dạng về sản phẩm nông nghiệp với tỷ trọng xuất khẩu khá lớn, song thời gian gần đây nhiều mặt hàng nông sản Việt rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười” giá trị giảm sút, bí thị trường đầu ra.

Từ cuối năm 2016 đến nay, thê thảm nhất chính là sản phẩm tiêu hạt. Riêng trong 2 tháng đầu năm, khối lượng tiêu xuất khẩu đạt 16.000 tấn với giá trị 112 triệu USD, giảm gần 20% về khối lượng và giảm 36% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Nông dân trồng tiêu ở Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu,… như đứng ngồi trên lửa vì giá tiêu hạt lao dốc trầm trọng. Theo lý giải của cơ quan chức năng, tiêu rớt giá vì chất lượng tiêu xuất khẩu không đạt.

Không riêng mặt hàng tiêu hạt, gạo cũng lao đao từ năm 2016 đến nay. 2 tháng đầu năm 2017 khối lượng xuất khẩu đạt 799 ngàn tấn, giảm 17,2% về khối lượng và giảm 40,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Trước đó, những tháng cuối năm 2016 xuất khẩu gạo cũng bị giảm 25% về sản lượng và giảm 20% về giá trị so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu tại các thị trường cung của các nước, lượng và tỷ lệ tồn kho cao hơn bình thường, vì vậy họ buộc phải thực hiện chính sách giải phóng hàng tồn kho.

Đối với thị trường cầu, các nước không ngừng đẩy mạnh xuất khẩu sản lượng lúa gạo. Cụ thể, Campuchia và Myanmar từng là nước nhập khẩu gạo nhưng vài năm trở lại đây hai nước này nỗ lực tự túc lương thực trong nước, đồng thời xuất khẩu gạo sang các nước khác.

Tuy nhiên, một nguyên nhân mang tính cốt lõi nhất chính là, gạo Việt không đạt chất lượng theo yêu cầu của khách hàng.

Ngoài mặt hàng hạt tiêu, gạo, thủy sản Việt cũng liên tục gặp khó ở thị trường xuất khẩu vì nhiễm kháng sinh vượt ngưỡng cho phép. Trước tình trạng xuất khẩu nông sản hiện nay các chuyên gia kinh tế ngoài nước khẳng định, một số doanh nghiệp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng làm ảnh hưởng đến thị trường, sản lượng và giá trị xuất khẩu.

Tham tán thương mại của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, hiện nông sản Việt Nam không được lòng người tiêu dùng châu Âu.

Điển hình, hệ thống siêu thị Carefour ngừng bán sản phẩm cá basa của Việt Nam vì vấn đề vệ sinh và câu chuyên nuôi trồng, xử lý môi trường,…

Chưa hết, người tiêu dùng châu Âu loại cà phê Việt Nam và sẵn sàng mua cà phê từ Colombia với giá cao cũng chỉ vì chất lượng.

Tất cả dẫn chứng trên cho thấy, nông sản Việt Nam muốn mở rộng và giữ vững thị trường, gia tăng sản lượng xuất khẩu cũng như giá trị không có cách nào khác là phải đảm bảo hàng hóa đạt chất lượng theo đúng tiêu chuẩn các nước và khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì mục tiêu chất lượng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO