Vì ông là Mourinho!

Tuấn Anh 24/12/2015 11:22

"Tôi đã ở đây, chứng kiến nhiều HLV đến rồi đi, và tôi tin rằng, nếu có một người đủ sức kéo đội bóng khỏi cơn khủng hoảng thì đó chỉ có thể là Jose Mourinho mà thôi" - đấy là nhận xét của cầu thủ John Terry sau vòng 8 giải Ngoại hạng Anh 2015, khi Chelsea thua tới 5 trận, chỉ có vỏn vẹn 8 điểm, đứng mãi tận thứ 16, và đã bắt đầu xuất hiện những đề nghị "trảm tướng" để cứu vãn tình hình. 

Sau hàng chục năm, Chelsea mới lại khởi đầu giải Ngoại hạng một cách bết bát như thế. Còn như thừa nhận của chính Mourinho thì đây là lần đầu tiên trong sự nghiệp ông rơi vào hoàn cảnh này. Theo nhận định của giới truyền thông Anh có 2 lý do căn bản dẫn tới điều này: Thứ nhất, Chelsea đã quá chủ quan vào cái đội hình giúp họ vô địch năm ngoái mà không chịu thay đổi, tăng cường nhân sự. Sự tăng cường muộn màng tiền đạo cánh Pedro đến vào thời điểm cuộc khủng hoảng ở đội bóng đã xuất hiện, và "giọt nước" Pedro không thể cứu nổi cả một "cánh rừng Chelsea" đang ngùn ngụt cháy. Thứ hai, Mourinho đã có nhiều hành động khiến chính các thành viên trong CLB không phục, từ việc cáu bẳn thái quá với nữ bác sĩ xinh đẹp Carniero đến việc đã không ngại nắn gân rồi ra tối hậu thư cho hàng loạt công thần như Terry, Ivanovic, Hazard, Matic...sau những sự khởi đầu không như ý. Ai cũng biết trong trận thua Man City 0-3 ở đầu giải, Terry đã bị thay ra giữa chừng, còn trong trận đấu gần đây với Soupthamton, Matic cũng bị thay ra chỉ sau 20 phút được tung vào sân. Mourinho thậm chí công khai phát biểu: "Có nhiều cầu thủ không thi đấu hết mình".

Giới bình luận Anh nghi ngờ việc những phát biểu mới đây của Terry quanh việc "chỉ có Mourinho mới giúp đội bóng vượt qua khủng hoảng" chẳng qua chỉ là một phát biểu "làm màu", chứ không loại trừ khả năng chính Terry đã cầm đầu nhóm cầu thủ chống đối Chelsea. Sự chống đối có thể được biểu hiện ở việc nhiều hậu vệ Chelsea đã không tích cực tranh chấp, dẫn đến việc thường xuyên chịu thua trong những pha đối đầu tay đôi, khiến đội nhà thua bàn không đáng có. Và rất có thể nó còn được biểu hiện ở trong phòng thay đồ của CLB - nơi mà theo mô tả của báo giới Anh là: "Mourinho lên cơn thịnh nộ, chỉ trích các cầu thủ nặng nề, nhiều cầu thủ cúi gằm mặt. Lúc ấy họ suy nghĩ điều gì, và thực sự muốn đối đáp gì với ông thầy là điều thật khó đoán biết".

Có một cái điềm trong sự nghiệp huấn luyện của Jose Mourinho đã được báo giới Anh phát hiện và chất vấn, đó là cứ ở mùa thứ ba dẫn dẵn một CLB là ông lại gặp khó, và phải cay đắng ra đi. Cụ thể: mùa thứ ba trong lần đầu làm việc tại Chelsea (từ 2004 đến 2007), Mourinho chỉ giúp đội nhà về đích thứ 2 tại giải Ngoại hạng Anh và bán kết Champions League. Thế là chỉ vài tháng sau (9/2007), ông bị chủ tịch Abramovich sa thải không thương tiếc. Đến mùa thứ ba làm việc tại Real Madrid (giai đoạn 2010 2013), Mourinho trắng tay trên mọi mặt trận dù trước đó chỉ 1 năm ông còn giúp đội bóng vô địch Liga với số điểm kỉ lục 100. Cần phải nhắc lại rằng, trong mùa thứ 3 tại Real, Mourinho không chỉ thất bại về mặt chuyên môn, thành tích, mà còn thất bại trong việc quản lý cầu thủ. Báo giới Tây Ban Nha thời điểm đó kể lại một câu chuyện điển hình: một lần, Mourinho lên đấu pháp trước trận gặp Barca nhưng chỉ 12 giờ sau mọi thông tin đã được "bắn" cho báo giới. Thế là Mourinho tổ chức họp đội, nói việc ai đó "bắn" tin cho báo giới không khác gì những... "con chuột bội bạc". Sau đó Mourinho mâu thuẫn nặng nề với nhóm cầu thủ công thần của Real, được dẫn dắt bởi thủ thành Cassilas. Riêng ở Porto và Inter Milan - hai đội bóng Mourinho thành công đặc biệt thì ông chỉ làm việc trong 2 mùa, nên không phải chạm vào cái...giới hạn mùa thứ 3.

"Họ không thèm cản bóng, dù chỉ một lần..."
“Nếu những người như Ivanovic, Matic, Terry... muốn thể hiện sự ủng hộ với Mourinho thì những gì họ làm là không thể chấp nhận được. Bởi vì họ thậm chí không thực hiện nổi những pha cản bóng, không áp sát được cầu thủ đối phương. Họ thua hoàn toàn trong những pha tranh chấp cơ bản. Và rõ ràng đó là một màn trình diễn bết bát. Có lẽ Mourinho đã đánh mất các cầu thủ của mình rồi...”.

(Cựu HLV, BLV Jamie Redknapp - Sky Sports)

Những điều trên đây nói lên điều gì? Nó cho chúng ta một cảm giác Mourinho thuộc mẫu HLV ngắn hạn, chứ không phải mẫu HLV dài hạn kiểu Wenger ở Arsenal hay cựu HLV Ferguson ở Manchester United. Lý thuyết bóng đá chỉ ra rằng những HLV ngắn hạn mang hình ảnh của những nhà chiến thuật điển hình, nghĩa là những người rất giỏi toan tính theo từng hoàn cảnh, còn những HLV dài hạn lại mang hình ảnh của những nhà chiến lược điển hình, nghĩa là những người phải biết toan tính đường xa, cho cả một lộ trình đặc biệt. Vậy thì phải chăng vượt qua khuôn khổ của một nhà chiến thuật để chạm tới ranh giới của một nhà chiến lược đang là một khó khăn, một cái giới hạn mà Mourinho chưa thể vượt qua?

Cuộc đời Mourinho nói chung và cuộc đời huấn luyện của ông nói riêng đã trải qua vô số những khó khăn sóng gió, và thực tế cho thấy chính những khó khăn sóng gió ấy lại là động lực để ông trui rèn và tạo nên những phẩm chất đặc biệt cho mình. Báo giới Bồ Đào Nha quê hương ông kể lại câu chuyện vào buổi tối giáng sinh năm Mourinho 21 tuổi, bố ông lặng lẽ trở về nhà và thông báo với các thành viên trong gia đình việc mình vừa mất việc. Đấy là một nỗi đau lớn - một bi kịch lớn trong thời trẻ của Mourinho, để rồi từ đó ông hạ quyết tâm sau này, khi trở thành một HLV, mình sẽ không thể rơi vào bi kịch ấy. Ông làm mọi cách, vận dụng mọi hiểu biết, từ kiến thức bóng đá đến tâm lý học và cả "khẩu chiến học" để cố gắng giành chiến thắng bằng mọi giá. Sau này, khi trả lời phỏng vấn một tờ báo Italia, cha Mourinho cho hay: "Nó không thể hiền như tôi, bởi nếu thế nó đã bị thế giới này xử trảm".

Một cú sốc khác trong sự nghiệp của Mourinho đó là trước trận chung kết Champions League giữa CLB Porto của ông với CLB Monaco (mùa giải 2003, 2004) thì ông đã nhận được điện thoại của một tên côn đồ: "“Mày nghĩ mày là nhất phải không thằng chó, bọn tao chưa đụng vào mày ngay đâu vì còn trận đấu. Nhưng ngay sau khi nó kết thúc thì mày chết chắc bởi vì bọn tao sẽ chờ mày. Ngay khi mày đặt chân trở lại Porto thì số phận mày sẽ được định đoạt, không còn cơ hội nào đâu”. Mourinho đáp trả: "“Mày điên rồi. Tao không biết mày đang nói về chuyện gì và vì sao lại buông ra những lời này, nhưng tao biết mày là một thằng điên". Đến khi trận chung kết Champions League kết thúc, Porto thắng 3-0 thì lẽ ra vợ con ông đã phải trở về Bồ Đào Nha bằng một chuyến bay riêng để đảm bảo an ninh. Nhưng một số thành viên Porto đã lên khán đài kéo họ xuống sân, và tất cả cùng ôm nhau rồi bật khóc. Mourinho kể lại: "Khi ấy cậu con trai tôi lên tiếng: Hôm nay là ngày vui, vì sao mọi người lại khóc?".

Cuộc đời huấn luyện của Mourinho, từ Bồ Đào Nha đến Anh, Italia, Tây Ban Nha đã trải qua không ít những khoảnh khắc bị đe doạ như thế, nhưng có vẻ như sau mỗi lần như thế, cái phẩm chất lì lợm, sắt thép trong con người ông càng được tôi luyện, củng cố thêm. Trở lại với những khó khăn mà Mourinho đang phải đối diện ở Chelsea hiện thời, khi báo giới Anh đặt câu hỏi: "Ông nghĩ gì với cái hoàn cảnh đang xảy ra với mình?", ông trả lời: "Nhìn ở một góc độ nào đó thì hoàn cảnh này cũng có ích, vì nó giúp sự nghiệp của tôi có thêm một trải nghiệm mới, từ đó tôi sẽ có thêm những kinh nghiệm, những bài học mới".

Chờ xem sau khi thẩm thấu "bài học mới" Mourinho rồi có vượt qua giai đoạn tồi tệ này như thế nào?

"Như thế nào?" chứ không phải là "được không", vì ông là Mourinho, là "Người đặc biệt" như chính ông từng nhận cho mình?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì ông là Mourinho!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO