Vi phạm gian lận thương mại: Có thể bị xử lý hình sự

Minh Phương 12/01/2018 08:00

Từ ngày 1/1/2018, những hành vi gian lận thương mại như trốn thuế, vi phạm về môi trường, trốn đóng bảo hiểm xã hội, kinh doanh đa cấp… sẽ không chỉ bị quy trách nhiệm dân sự, phạt hành chính thông thường, mà có thể sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự, theo quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung.

Cụ thể, từ 1/1/2018, pháp nhân vi phạm pháp luật hình sự sẽ bị xử lý về 1 trong 33 tội danh. Trong số 33 tội danh quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân có 22 tội thuộc nhóm các tội phạm về kinh tế, 9 tội thuộc nhóm các tội phạm về môi trường và 2 tội danh thuộc các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Những hình phạt chính dành cho pháp nhân phạm tội gồm: Phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc vĩnh viễn.

Đây là lần đầu tiên các quy định về “pháp nhân thương mại phạm tội” được áp dụng. Theo quy định này, rất nhiều hành vi vi phạm phổ biến trước đây như việc trốn thuế, vi phạm môi trường, sa thải lao động trái pháp luật, không đóng bảo hiểm xã hội, kinh doanh đa cấp… doanh nghiệp (DN) sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, các nhà điều hành có thể phải liên đới chịu trách nhiệm về những sai phạm từ DN của mình gây ra.

Điều này có nghĩa rằng, nếu như trước đây, các hành vi vi phạm về môi trường, gian lận thương mại, hay các loại hình kinh doanh đa cấp, chỉ bị phạt hành chính thông thường, thì nay, những vi phạm kể trên sẽ bị xử lý hình sự.

Theo luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội), việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật Hình sự 2015 là cần thiết trong nền kinh tế thị trường hiện nay bởi đã có hành vi trái pháp luật mang tính chất tội phạm. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế như trốn thuế, kinh doanh trái phép, đầu cơ, buôn lậu hoặc vì lợi ích cục bộ đã không thực hiện các biện pháp mà pháp luật đòi hỏi để bảo vệ môi trường, gây hậu quả nghiêm trọng.

Giới luật sư cũng cho rằng, hầu hết các hành vi vi phạm pháp nhân thương mại thực hiện trong thời gian qua là do những người lãnh đạo thực hiện vì lợi ích của pháp nhân đó, hoặc trong khuôn khổ hoạt động của DN. Sử dụng các thủ đoạn ngày càng tinh vi, có tổ chức cao… Những hành vi đó gây phương hại vô cùng nghiêm trọng cho nền kinh tế, thiệt hại cho môi trường cũng như thất thu ngân sách nhà nước. Bởi vậy, người đứng đầu pháp nhân thực hiện tội phạm nhằm tối đa hóa lợi ích cho pháp nhân (như trốn thuế, xả thải gây ô nhiễm môi trường…) phải chịu trách nhiệm hình sự.

Theo ông Tú, quy định mới của Bộ luật Hình sự không gây ra những khó khăn cho các DN như nhiều cá nhân, tổ chức e ngại; nếu như các pháp nhân thương mại tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Những pháp nhân thương mại có hành vi cố tình vi phạm Bộ luật Hình sự sẽ “tự mình đào thải”. Điều này cũng khắc phục được thực tiễn áp dụng pháp luật thời gian qua bởi cơ chế xử phạt vi phạm hành chính và bồi thường thiệt hại áp dụng đối với pháp nhân thương mại trước đây tỏ ra bất cập, không đủ sức răn đe; Nhiều pháp nhân sẵn sàng chịu phạt để tiếp tục vi phạm, tiếp tục gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế, an sinh xã hội…

Khuyến cáo của giới luật gia, các DN khi bước vào thương trường, cần phải nắm rõ thông tin, gắn trách nhiệm của mình với pháp luật hình sự theo quy định mới, để hạn chế thấp nhất những vi phạm về gian lận thương mại, vì chế tài xử lý đã không còn chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính thông thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vi phạm gian lận thương mại: Có thể bị xử lý hình sự

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO