Vì sao chưa có 1 triệu doanh nghiệp?

Hồ Hương 25/10/2020 08:30

Năm kinh tế 2020 đang bước dần vào những tháng cuối cùng, tuy nhiên, mục tiêu đạt được 1 triệu doanh nghiệp hoạt động khả năng cao “lỡ hẹn”. Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó vì cú bồi Covid 19, khiến cho cộng đồng doanh nghiệp lao đao.

Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn.

Dự báo trước

Tại Dự thảo Báo cáo 5 năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẳng thắn chỉ ra, rằng mục tiêu có được 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 là không đạt được. Dù đây là kết quả đã được dự báo từ trước.

Theo thống kê, ước đến tháng 10/2020, cả nước có 795.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Như vậy nhiệm vụ có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 là hoàn toàn bất khả thi.

Vậy tại sao mục tiêu lớn này lại không đạt được?

Trước khi phân tích nguyên nhân, lùi lại thời gian để biết rằng, năm 2016 là thời điểm Chính phủ xây dựng mục tiêu này. Cũng chính giai đoạn này Chính phủ đã rất kỳ vọng vào các nhóm giải pháp và nhiệm vụ tại Nghị quyết 35/NQ-CP.

Song khi triển khai Nghị quyết, diễn ra cảnh trên nóng dưới lạnh, đa số các chính sách, giải pháp mới dừng ở việc ban hành các quy định, văn bản quy định pháp luật, mà chưa đi vào cuộc sống. Chưa kể mức độ tiếp cận, thụ hưởng chính sách hỗ trợ của các doanh nghiệp cũng hạn chế.

Đặc biệt, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chính sách khuyến khích hộ gia đình chuyển đổi thành doanh nghiệp chưa đủ hấp dẫn, do đó số doanh nghiệp thành lập mới từ hộ kinh doanh rất khiêm tốn. Trong khi đó, đây là khu vực được kỳ vọng sẽ bổ sung một lực lượng lớn cho khu vực doanh nghiệp.

Trong khi đó, thời điểm hiện tại, năm 2020, nền kinh tế bị tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19. Do dịch, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng đăng ký kinh doanh có thời hạn tăng đột biến, tăng gần 82% so với cùng kỳ năm ngoái, gấp 3,7 lần so với mức tăng bình quân của cả giai đoạn 2015-2019.

Trung bình mỗi tháng đầu năm 2020, có 8.701 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 27,2% so với trung bình 9 tháng đầu năm 2019. Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới thì lại thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Chưa kể, theo phân tích của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt được con số 1 triệu doanh nghiệp hoạt động năm 2020 thì tăng trưởng doanh nghiệp phải đạt trên 17% trong khi tăng trưởng hiện nay mới chỉ hơn 10%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tốc độ tăng doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2019 là 14,4%.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Duy Đông nói, mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 là chưa đạt được, xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Thiếu đột phá

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn khi nói về cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đó không chỉ là số lượng mà còn nhiều vấn đề chất lượng. Doanh nghiệp hoạt động manh mún, thiếu liên kết nhau, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công, lắp ráp nên hàm lượng thặng dư không cao.

Theo phân tích của giới chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam vừa thiếu, vừa yếu là vì còn nhiều rào cản theo kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Mọi chính sách của Chính phủ đều nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp không được thụ hưởng điều đó. Chẳng hạn như năm 2017 từng được chọn là năm giảm phí cho doanh nghiệp song kết quả chỉ ra, các chính sách đề xuất hoàn toàn ngược. Năm 2017, cộng đồng doanh nghiệp đã phản ứng rất dữ dội với các quyết định tăng thuế nước ngọt, tăng trần thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Năm 2018, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban pháp chế Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phải dẫn chứng rằng, năm 2017 tăng lương tối thiểu, đóng góp bảo hiểm xã hội cũng tăng theo. BOT, chi phí logistic cao, gây bất lợi cho nền kinh tế xuất nhập khẩu như Việt Nam...

Vì những lý do trên, các chuyên gia cho rằng, mục tiêu đạt được 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 là một thách thức không nhỏ và rất có thể không hoàn thành được từ những ngày đầu khi xây dựng mục tiêu.

Thẳng thắn chia sẻ lo ngại về mục tiêu cải cách, ông Phan Đức Hiếu- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, môi trường kinh doanh của Việt Nam mới dừng lại ở mức cải thiện đáng kể. Nhưng nếu cứ ở mức cải thiện thì rất nhiều mục tiêu sẽ không đạt được.

“Chúng ta đang thiếu cải cách đột phá. Theo nghiên cứu của chúng tôi, trong khi chỉ có 5% thành công được quyết định bởi chương trình, nội dung cải cách, quyết tâm cải cách, thì 95% còn lại được quyết định bởi cách tổ chức thực hiện. Chúng ta đã có chương trình cải cách với những nội dung, giải pháp cụ thể, nhưng thiếu mất 95% còn lại”- ông Phan Đức Hiếu nói.

Nhiệm vụ nặng nề

Vậy làm sao để doanh nghiệp tăng về lượng và mạnh về chất? Đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập, nền kinh tế ký kết nhiều hiệp định thương mại, nếu doanh nghiệp không đủ sức, đủ lực, không hoà nhập được sẽ rất dễ hoà tan.

Phần lớn ý kiến cho rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, bên cạnh việc tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp về thủ tục thành lập doanh nghiệp, đất đai, thủ tục hải quan… thời gian tới cần hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa nắm bắt cơ hội từ hiệp định thương mại tự do Việt Nam- liên minh châu Âu (EVFTA), đẩy mạnh xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, đào tạo, lao động có tay nghề và chuyên gia.

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, việc giãn/giảm thuế, nếu có, chỉ nên được áp dụng với thuế VAT thay vì thuế thu nhập doanh nghiệp, vì giảm thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ hỗ trợ được số ít doanh nghiệp không bị ảnh hưởng hoặc đang hưởng lợi từ các tác động của dịch bệnh, chứ không giúp được đa số các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Từ đó, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn có nguy cơ tạo ra bất bình đẳng sâu sắc hơn trong môi trường kinh doanh, ảnh hưởng không tốt đến việc phục hồi kinh tế sau đại dịch

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mục tiêu phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030 là tốc độ tăng trung bình số doanh nghiệp hoạt động khoảng 15% năm, tăng tỉ lệ doanh nghiệp vừa và lớn chiếm khoảng 5-6% trong tổng số doanh nghiệp vào năm 2025, phấn đấu đạt 8% vào năm 2030.

Bên cạnh đó, mức tăng trưởng bình quân lao động 2021-2030 đạt khoảng 25-30%, tăng trưởng bình quân mức đóng góp vào ngân sách Nhà nước đạt khoảng 23-25%/năm; Có 15 doanh nghiệp khu vực tư nhân có vốn hoá trên 1tỷ USD vào năm 2020 và 20 doanh nghiệp khu vực tư nhân có vốn hoá trên 1 tỷ USD vào năm 2030.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị đưa ra 6 nhóm giải pháp; trong đó, gồm hỗ trợ doanh nghiệp sau tác động bởi dịch bệnh Covid-19; phát triển doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt trong một số ngành, tạo cực tăng trưởng mới cho nền kinh tế; thúc đẩy nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp; tăng cường kiên kết doanh nghiệp, tham gia chuỗi giá trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác phát triển doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao chưa có 1 triệu doanh nghiệp?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO