Vì sao giải ngân vốn đầu tư công của Hà Tĩnh tăng mạnh?

Hạnh Nguyên 30/11/2022 11:10

Sau nhiều giải pháp quyết liệt, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Hà Tĩnh có nhiều chuyển biến tích cực.

Ngày 30/11, theo Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh, tính đến ngày 25/11, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương này quản lý đạt 5.568/9.697 tỷ đồng, bằng 57,4% kế hoạch năm. So với cả nước, Hà Tĩnh cao hơn bình quân cả nước khoảng 4,97% (cả nước 11 tháng ước đạt 52,43%).

Ảnh minh họa.

Vốn ngân sách Trung ương tại Hà Tĩnh đã giải ngân được 824/1.874 tỷ đồng (44% kế hoạch), vốn ngân sách địa phương đạt 4.743/7.823 tỷ đồng (61% kế hoạch năm).

Riêng trong tháng 11/2022, tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 886,03 tỷ đồng, tăng 24,28% so với tháng trước và tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, như Đại Đoàn Kết Online đã thông tin, 5 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đạt 782 tỷ đồng, bằng 10% kế hoạch vốn giao (thấp hơn cùng kỳ năm trước 7%).

Nếu loại trừ nguồn vốn của các dự án do bộ, ngành quản lý và nguồn vốn cấp huyện, cấp xã quản lý thì giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 cấp tỉnh của Hà Tĩnh trong 5 tháng đầu năm chỉ đạt 128 tỷ đồng, bằng 2,2% kế hoạch vốn giao.

Trước tình trạng giải ngân vốn đầu tư công thấp và xuất phát từ các chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Hà Tĩnh, đầu tháng 6/2022, Sở Tài chính tỉnh này buộc phải ra “tối hậu thư” đốc thúc các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Tiếp đó, cuối tháng 6/2022, UBND tỉnh Hà Tĩnh thành lập 3 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại một số địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Một công trình đang thi công ở Hà Tĩnh.

Đứng đầu mỗi tổ công tác là 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Các tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công (từ khâu lập chủ trương đầu tư, thiết kế thi công, GPMB, đấu thầu, tổ chức thi công đến nghiệm thu, thanh, quyết toán và ban giao công trình, dự án đưa vào sử dụng); kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Đánh giá việc triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 theo các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh.

Kiến nghị UBND tỉnh cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án chậm giải ngân để bố trí cho các dự án có tiến độ triển khai tốt, giải ngân nhanh, các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2022 nhưng chưa được bố trí đủ vốn, nhằm đảm bảo giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được giao trong niên độ ngân sách năm 2022.

Xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công tại từng sở, ban, ngành, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu.

Báo cáo kết quả kiểm tra và đề xuất, kiến nghị cụ thể các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, gửi UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra đối với sở, ban, ngành và địa phương.

Thời gian các tổ tiến hành kiểm tra là từ ngày 25/6/2022 đến hết ngày 25/7/2022.

Sau khi kết thúc đợt kiểm tra, các tổ công tác tiếp tục theo dõi, đôn đốc tình hình triển khai, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của các đơn vị, địa phương theo phân công đến hết niên độ ngân sách năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao giải ngân vốn đầu tư công của Hà Tĩnh tăng mạnh?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO