Vì sao giải ngân vốn ODA chậm?

Việt Thắng (thực hiện) 13/06/2016 09:05

Tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt khoảng 1.850 triệu USD, trong đó ODA vốn vay đạt 1.750 triệu USD, ODA viện trợ không hoàn lại 100 triệu USD, thấp hơn khoảng 4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, việc giải ngân chậm đã khiến nhiều công trình bị đội giá. Vay vốn ODA đã khó nhưng làm sao sử dụng hiệu quả là vấn đề cần được đặt. Trao đổi với ĐĐK, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, để công trình được triển khai mau chóng có lẽ phải triển khai nga

PV: Hiện việc giải ngân vốn ODA đang thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?

Vì sao giải ngân vốn ODA chậm?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Việc giải ngân vốn ODA phụ thuộc nhiều vào điều kiện. Hạn mức thì họ cấp cho mình nhưng khi giải ngân ta phải đáp ứng nhiều điều kiện, trong đó có vấn đề thẩm định dự án, tiến độ như thế nào. Trong nhiều trường hợp ta đã không đáp ứng được điều kiện hạn mức đó trong hợp đồng ODA. Cái chính là phải chứng minh được tiến độ dự án vì thường thường họ giải ngân từng phần theo tiến độ dự án. Nếu dự án mà chậm, dù có hạn mức ở đấy nhưng số giải ngân ra thấp. Vấn đề ì ạch không phải từ phía họ mà từ phía mình, vì ngân sách của họ theo niên khóa, nếu ngân sách không được dùng thì năm sau bị ảnh hưởng thành ra họ muốn cho mình vay càng sớm càng tốt. Cho nên phải tháo gỡ ngay từ phía mình và đó mới là vấn đề chính.

Thưa ông, vay vốn ODA đã khó nhưng làm sao để sử dụng nó cho hiệu quả, không bị thất thoát, tránh lãng phí?

- Đây là vấn đề lớn. Những dự án đầu tư công cho thấy có dự án đem lại hiệu quả tốt, song có nhiều sự án lãng phí, như trường học, bệnh viện xây lên rồi nhưng không sử dụng. Ngay cả những hạ tầng cơ sở cũng vậy. Mình vay được vì là nước có thu nhập trung bình nhưng khi vay được rồi thì lại giải ngân chậm. Khi giải ngân lại phát sinh lãng phí, trong đó có cả việc chất lượng công trình kém, do việc chọn nhà thầu không chặt chẽ khiến công trình không có chất lượng. Làm sao để công trình tránh được lãng phí là vấn đề rất lớn nên tất cả các cơ quan phải vào cuộc. Thanh tra Chính phủ đã thanh kiểm tra nhưng khả năng có giới hạn, khảo sát công trình như thế đòi hỏi kiến thức chuyên môn, những người có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ngành nghề đó. Thành ra việc kiểm tra là chuyện đầu tiên nhưng mà cũng là khâu khó khăn nhất. Thứ hai phải có ban tài chính thẩm định và đây cũng không phải là chuyện dễ vì vướng mắc nhiều vấn đề, trong đó có việc tham nhũng. Thứ ba, đấu thầu là khâu quan trọng, trước khi triển khai một công trình cũng phải đấu thầu công khai và khách quan thì ta đang vướng mắc. Có nạn “tay trong tay ngoài” rồi các nhóm lợi ích. Việc đấu thầu không minh bạch, công minh từ đó dẫn đến tham nhũng, dẫn đến chất lượng công trình không bảo đảm. Chính vì thế việc làm sao kiểm tra chất lượng, dùng số tiền ODA một cách hiệu quả là vấn đề rất lớn. Cho đến giờ này ta mới cố gắng làm cho tốt chứ nói hoàn hảo thì chưa.

ODA cũng như khoản mà ta đi vay nếu quản lý không tốt thì nó cũng như là một gánh nợ công, thưa ông?

- Đúng vậy! Vay ODA thứ nhất phải tạo ra được sản phẩm sinh ra phúc lợi, tạo ra công ăn việc làm từ đó nền kinh tế có tiền để trả nợ. Còn dùng vốn ODA mà không sinh ra các sản phẩm cho xã hội, không đưa ra tiện ích cho xã hội thì không có nguồn để trả nợ. Thành ra nợ công của ta một phần là do nợ quá nhiều thiếu sự kiểm soát, nhưng một phần là do tiền dùng không “đơm hoa kết trái”. Ở một nước đang phát triển như ta thì bắt buộc phải dùng ODA, nhưng nếu dùng không hiệu quả thì gánh nợ công càng ngày càng đẩy lên cao.

Thưa ông, trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay thì nên sử dụng ODA như thế nào cho hiệu quả hay nói cách khác cần tập trung vào những lĩnh vực nào?

- Thứ nhất tất cả các khoản vay phải được Quốc hội rà soát một cách cẩn thận. Chính phủ là nơi thực hiện những dự án liên quan đến ODA nhưng phải có cơ quan rà soát là Quốc hội. Bây giờ cần rà soát lại tất cả nợ công, nguồn vốn ODA đang được sử dụng như thế nào? Hiệu quả ra sao? Phải có sự thẩm định chặt chẽ từ đó sàng lọc ra những dự án chưa sử dụng, hoặc sử dụng không đúng mục đích, hoặc chưa hiệu quả, đưa nó sang một bên và phải đưa ra được phương án xử lý. Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội phải nắm chắc vấn đề thì sẽ có một chương trình để sử dụng vốn ODA và có ban để thẩm định kiểm tra một cách chặt chẽ và độc lập với Chính phủ.

Nhưng lâu nay thẩm định vẫn là khâu yếu?

- Với vốn ODA có thẩm định trước dự án và hậu thẩm định. Hai mặt đó đều quan trọng để xác định vốn được dùng thế nào, có hiệu quả hay không. Khâu tiền thẩm định phải rà soát phương án, dự án đó từ khâu kỹ thuật, tài chính, cho đến nhà cung cấp. Khi đi vào công trình, ban thẩm định phải sâu sát cho từng thời kỳ, giai đoạn của công trình để thẩm định sát sao kỹ lưỡng. Khâu thẩm định của ta là khâu rất yếu, nó liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó có nạn tham nhũng. Rồi người thẩm định không phải ai cũng có chuyên môn trong lĩnh vực đó, thành ra khó kiểm soát được vấn đề một cách hiệu quả.

Thưa ông việc giải ngân ODA chậm gây nên hiệu quả là nhiều công trình dự án không được cung cấp vốn ngay để lâu ngày sẽ bị đội vốn, vậy cần giải pháp nào để tháo gỡ?

- Đúng vậy, nhiều công trình không thể đợi vốn, thành ra nếu không có vốn những công trình đó sẽ dang dở, ì ạch. Trong trường hợp này dĩ nhiên ta phải rà soát lại, phải quyết liệt với các nhà thầu, thấy không đạt thì phải xử lý chứ hiện chúng ta vẫn nương tay với các nhà thầu. Để công trình được triển khai mau chóng có lẽ phải triển khai ngay từ khâu nhà thầu, nếu phía cấp vốn ODA thấy ta thực hiện một cách chặt chẽ như vậy thì chắc chắn giải ngân sẽ nhanh chóng.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao giải ngân vốn ODA chậm?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO