Vì sao giấy tờ giả vẫn còn ‘đất sống’?

Đức Sơn 15/09/2021 06:30

Hàng trăm đường dây sản xuất, mua bán giấy tờ giả bị đánh sập, cũng ngần ấy vụ việc người sử dụng giấy tờ, tài liệu giả bị phát hiện, xử lý nhưng tình trạng này vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Chỉ cần nhấp chuột tìm kiếm trên Google, các trang mạng, trong “một nốt nhạc” xuất hiện hàng triệu đường link liên quan đến mua bán đủ loại giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ giả mạo.

Một nam thanh niên dùng giấy đi đường giả để "thông chốt" kiểm dịch ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: H.Phong.

Việc xuất hiện các đường dây làm giả giấy đi đường, giấy xét nghiệm Covid giả để “thông chốt”, dẫn đến nguy cơ làm lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng.

Trung tá Đào Trung Hiếu, Chuyên gia Tội phạm học (Bộ Công an) nhận định, xã hội sính bằng cấp, nặng về thủ tục hành chính đó là “mảnh đất” rất “màu mỡ” để loại tội phạm này phát triển. Nhiều khi trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, người ta không quá quan tâm đến thực chất, năng lực của người dự tuyển mà lại xem hồ sơ, bằng cấp, giấy tờ có đầy đủ hay không, nên có “cầu” ắt có “cung”. Những người ứng tuyển không có khả năng trang bị cho mình đầy đủ văn bằng chứng chỉ đó, họ sẽ cố gắng “sắm sửa” cho mình bằng cách đi mua.

Trung tá Hiếu cũng cho hay, hiện tại, pháp luật đã quy định rất rõ chế tài xử lý tội làm giả giấy tờ, tài liệu. Người mua, sử dụng các giấy tờ giả để nộp cho các cơ quan, tổ chức để nhằm mục tiêu thăng tiến có thể xử lý hành chính kỷ luật hoặc có thể xử lý hình sự, tùy theo tính chất và mức độ nguy hiểm và hậu quả của hành vi.

“Pháp luật đã có khung pháp lý đủ mạnh, đủ nghiêm rồi, cái chính là chúng ta thực hiện pháp luật, xử lý thực tế như thế nào thôi…” - Trung tá Hiếu nhấn mạnh.

“Ma trận” giấy tờ giả

Chỉ cần nhấp chuột tìm kiếm trên “không gian mạng”, lập tức xuất hiện rất nhiều đường link liên quan đến mua bán đủ loại giấy tờ giả từ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký xe ô tô, mô tô, giấy phép lái xe, giấy khám sức khỏe, sổ hộ khẩu, văn bằng, chứng chỉ giả…

Với nhiều mục đích khác nhau như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xin việc, hàng trăm, thậm trí hàng nghìn người đã mua, sử dụng các loại giấy tờ giả để phục vụ tư lợi cá nhân. Trong đó, có lẽ hậu họa khôn lường nhất là tình trạng những người kém năng lực, kém đạo đức sử dụng các văn bằng, chứng chỉ giả để ứng tiến vào các cơ quan nhà nước.

Một trường hợp điển hình không thể không nhắc đến đó là mặc dù “leo” đến chức vụ Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lai Châu, nhưng vì mưu lợi cá nhân, bà Vàng Thị Chính đã sử dụng Chứng chỉ tiếng Anh B1 không hợp pháp để làm hồ sơ cán bộ ứng cử chức danh Phó chủ tịch UBND TP Lai Châu nhiệm kỳ 2016 - 2021, và hồ sơ giới thiệu tái ứng cử Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, ứng cử chức Phó Bí thư Thành ủy Lai Châu nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Phát hiện vụ việc, mới đây, Tỉnh ủy Lai Châu đã quyết định thi hành kỷ luật bà Chính bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Lai Châu các nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025.

Trường hợp khác, ông Trần Công Hướng, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lai Châu đã sử dụng Chứng chỉ Tiếng Anh trình độ B2 không hợp pháp để được dự thi nâng ngạch từ chấp hành viên trung cấp lên ngạch chấp hành viên cao cấp và trúng tuyển ngạch chấp hành viên cao cấp.

Sự việc là rất nghiêm trọng, nhưng khi bị bại lộ, ông Hướng chỉ bị Bộ Tư pháp và Tỉnh Lai Châu xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Hiện tại, ông Hướng vẫn ung dung ngồi ở vị trí Bí thư Chi bộ, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lai Châu.

Một vụ điển hình khác, Trường Đại học Đông Đô đã làm, cấp bằng, Giấy chứng nhận giả cho 431 trường hợp. Cơ quan điều tra đã làm rõ 210 trường hợp được cấp văn bằng, giấy chứng nhận giả và được sử dụng.

Đáng chú ý trong số này, có 67 người đã dùng bằng giả để làm nghiên cứu sinh, 2 trường hợp sử dụng để học thạc sĩ, 4 người kê khai hồ sơ công chức và viên chức, 3 cá nhân khác thi công chức hoặc thi thăng hạng. Đặc biệt, một trường hợp bị phát hiện sử dụng văn bằng giả do Đại học Đông Đô cấp để thi thăng hạng viên chức tại UBND tỉnh Thái Bình.

Thời gian gần đây, vấn nạn giấy tờ giả thực sự báo động khi lực lượng chức năng phát hiện nhiều đường dây sản xuất giấy đi đường, giấy xét nghiệm Covid-19 giả và hàng trăm trường hợp dùng các loại giấy tờ giả để “thông chốt” kiểm dịch.

Mới đây, Công an TP Bắc Ninh vừa khởi tố bị can đối với Trần Tấn Dương và 11 đối tượng khác về hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan tổ chức.

Trước đó, kiểm tra văn phòng Công ty Thiết kế in ấn quảng cáo Thiên Nhân do Trần Tấn Dương làm giám đốc, Công an phát hiện Dương bán cho khách hàng hàng loạt phiếu giả kết quả xét nghiệm Covid giả của Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ và Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Còn Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã triệt phá đường dây làm giấy đi đường giả cực lớn, được bán với giá từ 1-2 triệu đồng/giấy. Tại Hà Nội, gần đây lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện các trường hợp dùng giấy tờ giả để “thông chốt” kiểm dịch.

Hành vi làm giả và sử dụng giấy đi đường, giấy xét nghiệm Covid-19 giả của các đối tượng không chỉ vi phạm pháp luật mà còn có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống dịch bệnh đang rất nóng bỏng.

Đối tượng Trần Tấn Dương, Giám đốc Công ty TNHH thiết kế in ấn quảng cáo Thiên Nhân (Bắc Ninh) bị bắt vì sản xuất hàng loạt Giấy đi đường giả, Giấy xét nghiệm Covid giả để bán kiếm lời.

Chế tài đã đủ mạnh?

Dù lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, triệt phá hàng trăm ổ nhóm làm giấy tờ giả, nhưng loại tội phạm này vẫn còn “đất sống”, khi người dân vẫn có nhu cầu về giấy tờ giả để trục lợi cá nhân.

Về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS nhận định, nguyên nhân là do việc xử lý các hành vi vi phạm nhiều khi đã không được thực hiện một cách quyết liệt, thường xuyên và hiệu quả, dẫn đến tình trạng nhờn luật, không đảm bảo tính giáo dục và răn đe.

Bên cạnh đó, các quy định pháp luật về lĩnh vực này vẫn còn những hạn chế, không thống nhất, làm giảm hiệu quả của công tác thực thi pháp luật.

Luật sư Hùng cho hay, theo quy định của pháp luật thì hành vi “làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật” sẽ bị xử lý hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341, Bộ luật Hình sự).

Theo quy định này thì hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức sẽ bị xử lý hình sự, bất kể là người làm giả có sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả vào mục đích trái pháp luật hay không. Còn đối với hành vi sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thì chỉ cấu thành tội phạm khi có việc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả để thực hiện hành vi trái pháp luật.

Cùng quan điểm, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả để thi tuyển, bổ nhiệm, thăng chức đối với cán bộ, công chức hoặc viên chức đều là hành vi trái pháp luật, có đủ dấu hiệu của “tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Do đó, ngoài việc phải chịu các chế tài kỷ luật theo quy định của Đảng và Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức, thì các hành vi vi phạm này hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự về tội danh nêu trên.

“Hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả để thi tuyển, bổ nhiệm, thăng chức đối với cán bộ, công chức, viên chức sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước, cũng như uy tín của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Do đó, việc xem xét, xử lý hình sự đối với những vi phạm này là rất cần thiết, để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, tăng cường tính giáo dục, răn đe và phòng ngừa vi phạm, cũng như bảo vệ uy tín, sự trong sạch, vững mạnh của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” - Luật sư Tuấn nhấn mạnh.

Ông Bùi Văn Xuyền, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Lợi dụng dịch bệnh để phạm tội có thể coi là tình tiết tăng nặng

Hành vi lợi dụng tình trạng dịch bệnh để phạm tội có thể coi là tình tiết tăng nặng. Theo đó, việc làm giả giấy tờ, con dấu, tài liệu đã có các quy định pháp luật để xử lý, từ xử lý hành chính cho đến hình sự, căn cứ tùy theo mức độ, hậu quả để trục lợi, gây ra hậu quả. Việc xử lý tùy theo mức độ phạm tội, nhưng rõ ràng việc phạm tội trong tình trạng dịch bệnh, lợi dụng tình trạng thiên tai dịch bệnh để phạm tội thì đây được coi là tình tiết tăng nặng, cần được xử lý ở mức cao hơn.

Như vừa qua trong lúc dịch bệnh đã xảy ra tình trạng làm “giả giấy đi đường”. Phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ chung, cho nên việc làm giả giấy tờ, nhất là làm giả giấy đi đường phải bị xử lý nghiêm. Giả sử người dùng giấy đi đường giả để thông hành, nhưng nhỡ đâu không may người đó lại đang là F0 mà không biết. Dùng giấy tờ giả để đi đường rồi làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì sao? Đây có thể coi là tình tiết tăng nặng và có thể bị khởi tố.

Ông Trần Ngọc Vinh, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội luật gia TP Hải Phòng: Xử lý nghiêm hành vi sử dụng giấy tờ giả

Để ngăn chặn tình trạng làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và việc sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo tôi khi phát hiện các trường hợp vi phạm thì phải xử lý thật nghiêm theo qui định của pháp luật.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và đã xử lý, nhưng tôi thấy việc xử lý còn nhẹ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức vẫn tái diễn. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần phải xử lý thật nghiêm đối với các trường hợp sử dụng con dấu hoặc tài liệu của cơ quan, tổ chức thì mới răn đe được các trường hợp khác.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp vận động để khuyến khích người dân tham gia tố giác đối với các hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và hành vi sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng này.

H.Vũ (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao giấy tờ giả vẫn còn ‘đất sống’?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO