Vì sao lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương

Việt Thắng 19/10/2021 17:11

Ngày 19/10, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Tại buổi họp báo, ông Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20/10/2021, bế mạc vào ngày 13/11/2021 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kỳ họp thứ 2 được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, chia thành 2 đợt.

Theo đó, Đợt 1: Họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20/10 đến ngày 30/10/2021). Đợt 2: Họp tập trung tại Nhà Quốc hội (từ ngày 8/11 đến ngày 13/11/2021).

Ngoài ra, dự phòng phương án nếu dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trong cả nước thì sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc phải họp trực tuyến cả kỳ nhưng bố trí Đợt 2 liền mạch với Đợt 1 để kỳ họp kết thúc sớm, tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương tập trung thời gian cho công tác phòng, chống dịch.

Trả lời về việc Quốc hội sẽ xem xét việc lùi thời điểm tăng lương, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh: Cải cách tiền lương là vấn đề quan trọng, tác động đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức. Việc này, Nghị quyết số 27 đã việc chuẩn bị, Tuy nhiên, vừa qua do dịch bệnh Covid-19 tác động hết sức nghiêm trọng đến kinh tế xã hội của nước ta, không chỉ tác động đến chuỗi cung cứng, sản xuất kinh doanh, đời sống và chúng ta đã phải chi rất nhiều ngân sách cho công tác phòng, chống dịch từ việc mua kít xét nghiệm, mua vaccine, thiết bị y tế, cho đến việc chi có lực lượng tuyến đầu và cán cơ sở.

“Vì thế, việc tăng lương theo lộ trình mà chúng ta đã đặt ra theo Nghị quyết 27 là hết sức cần thiết nhưng trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đứt gãy các chuỗi sản xuất. Và chúng ta đã thấy, nếu năm nay hết sức cố gắng thì tăng trưởng trên 3%, như vậy nguồn lực đầu tư cho phát triển, cho an sinh xã hội, chăm lo cho người dân cần hơn và cán bộ công chức thì cũng sắn sàng đồng thuận và theo nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII đã quyết định lùi thực hiện cải cách tiền lương đến thời điểm thích hợp. Thời điểm nào thì Trung ương cũng giao Chính phủ, các cơ quan liên quan và Quốc hội xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Tuy nhiên, Trung ương cũng xác định, nhóm thu nhập thấp thì được ưu tiên trước, theo đó những người có lương hưu trước năm 95 thì được xem xét trước” - ông Cường cho hay.

Trả lời thêm, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết: Đến giờ này chúng ta cho là cải cách tiền lương lỡ hẹn, Trung ương 4 vừa rồi cũng nói là dời cải cách tiền lương không thời hạn, đến thời điểm thích hợp sẽ làm.

Ông Phong cho hay: Chúng ta thấy là đã chuẩn bị rất kỹ các giải pháp tạo nguồn lực cho cải cách tiền lương như cơ cấu thu chi ngân sách để đảm bảo nguồn thu bền vững để có nguồn cải cách tiền lương; thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước, trong đầu tư xây dựng cơ bản để tiết kiệm tạo nguồn hay quyết liệt thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế để tăng nguồn; tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên hàng năm; dành 50% tăng thu dự toán, 70% tăng thu thực hiện ngân sách địa phương; 40% tăng thu ngân sách trung ương dành nguồn cho cải cách tiền lương.

Nhìn chung các vấn đề này đều tập trung thực hiện nhưng so với nhu cầu vẫn chưa đủ nguồn lực. Bên cạnh đó đề án vị trí việc làm, tinh giản bộ máy, biên chế song hành cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Các điều kiện cần thiết để đáp ứng cải cách tiền lương chưa đạt được yêu cầu. Bên cạnh đó toàn bộ nguồn lực của quốc gia gần như tập trung đầu tư cho phòng chống dịch Covid-19. Các địa phương đang đề nghị Quốc hội điều chỉnh cho phép các địa phương được sử dụng nguồn sử dụng nguồn tiết kiệm để cải cách tiền lương để giải quyết cho phòng chống dịch hiện nay như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đang có người dân trở về quê, họ không có nguồn để chi giải quyết vấn đề này do ngoài dự kiến hoàn toàn và vướng Nghị quyết 23 của Quốc hội nên chưa chi được.

Theo ông Phong, cả nước đang “thắt lưng buộc bụng” lo phòng chống dịch chờ cơ hội để phục hồi kinh tế mà giai đoạn này nếu có tiền mà tăng lương thì chưa phù hợp. Cho nên chỉ đạo của Trung ương lùi thời điểm cải cách tiền lương là phù hợp. Bởi lẻ các điều kiện cần và đủ chuẩn bị chưa đáp ứng được. Sắp tới làm theo lộ trình nào, căn cứ theo mức lương cơ bản hay mức sống tối thiểu, các mức chênh lệch của khoảng cách về tiền lương chắc chắn Chính phủ sẽ trình trong điều kiện ngân sách, nguồn lực cho phép.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO