Vì sao 'ma men' nhan nhản trên đường?

Đức Sơn - Nghĩa Văn 13/04/2022 07:47

Những tưởng sau khi tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông và ngành chức năng đồng loạt ra quân xử lý “ma men” trên địa bàn toàn quốc thì tình trạng “ma men” điều khiển phương tiện giao thông sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, chỉ trong 3 ngày nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua, ngành chức năng đã phát hiện, xử lý hàng nghìn “ma men” điều khiển giao thông “tung hoành” trên đường khiến dư luận lo lắng.

Tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an TP HCM kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông. Nguồn ảnh: Cục Cảnh sát giao thông

Đối với các tài xế sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, các chuyên gia giao thông cho rằng, cần tăng mức xử phạt, thậm chí xử lý hình sự để răn đe và kết hợp với giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

“Ma men” vẫn “tung hoành” trên đường

Chuyện tài xế sau khi sử dụng rượu bia vẫn lái xe chưa khi nào hết nóng, vẫn liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến tài xế vi phạm nồng độ cồn.

Gần đây nhất, khoảng 14h30 ngày 2/3, tại khu vực đường làng phường Cự Khối (quận Long Biên, Hà Nội) xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Vào thời điểm trên, Vũ Văn Khải (SN 1968, trú tại phường Long Biên, quận Long Biên) điều khiển xe ô tô (BKS: 30F-631.86) lưu thông trong ngõ 565 đường Bát Khối chiều đê Long Biên - Xuân Quan hướng đi cầu Thanh Trì.

Khi đi đến khu vực cột đèn CK3/13 thì xảy ra va chạm với xe mô tô (BKS: 18F4-1080) do anh Lại Văn D. (SN 1978, quê Thái Bình) chở sau xe là chị Nguyễn Thị Th. (SN 1987), đi theo chiều ngược lại. Hậu quả, anh D., chị Th. bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu.

Qua xác minh, vào thời điểm gây tai nạn, Vũ Văn Khải đã sử dụng rượu. Kết quả đo được lái xe này vi phạm 0,8 miligram/lít khí thở, vượt gấp đôi mức xử phạt.

Trường hợp điển hình khác, khoảng 17h40 ngày 4/4, ô tô 7 chỗ (BKS: 43A- 505.82) chạy trên đường gom của hầm chui Điện Biên Phủ (phường Chính Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) theo hướng từ quận Hải Châu lên quận Liên Chiểu. Khi đến gần đoạn giao với đường Lê Độ, ô tô 7 chỗ tông vào đuôi xe 16 chỗ chạy cùng chiều.

Chưa dừng lại, ô tô 7 chỗ tiếp tục chạy với tốc độ nhanh, lao thẳng vào tiệm bánh mì Đồng Thạnh (số 60A đường Điện Biên Phủ) khiến 6 người bị thương, phải nhập viện cấp cứu. Công an xác định, người lái xe gây tai nạn là Lương Duy Tân (SN 1980, trú phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) ngoài dương tính với ma túy Tân còn sử dụng rượu bia khi lái xe.

Một vụ tai nạn giao thông trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang mà nguyên nhân được xác định do tài xế sử dụng rượu bia, phóng nhanh, vượt ẩu.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) chỉ tính riêng trong 3 ngày nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua (năm 2022) toàn quốc xảy ra 81 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 37 người, bị thương 52 người. Trong đó có 1 vụ tai nạn giao thông đường bộ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Lực lượng CSGT đường bộ các địa phương đã kiểm tra, xử lý 15.951 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; nộp Kho bạc Nhà nước 17,18 tỷ đồng; Tạm giữ 62 xe ô tô 1.971 xe mô tô.

Đáng chú ý, lực lượng cảnh sát giao thông đã tước 1.236 Giấy phép lái xe các loại trong đó vi phạm nồng độ cồn 1.040 trường hợp.

Số liệu về các trường hợp tài xế đã uống rượu bia vẫn lái xe khiến người dân lo lắng, hoang mang mỗi khi ra đường.

“Từng chứng kiến và hàng ngày đọc báo thấy các vụ tai nạn giao thông mà tài xế có hơi men khiến chúng tôi không khỏi rùng mình. Nhiều người đã uống bia rượu say nhưng vẫn lái xe trên đường, nguy cơ gây tai nạn. Để ngăn chặn tình trạng này, tôi nghĩ cơ quan chức năng cần xử phạt thật nghiêm để răn đe...” - ông Bùi Thanh Liêm (trú tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) lo lắng.

Cùng chung sự lo lắng, anh Đặng Tân (38 tuổi, trú tại thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) chia sẻ, tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn nhưng nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Lái xe sau khi ăn nhậu thì nguy cơ tai nạn càng hiện hữu hơn. Đặc biệt, nhiều người sau khi ăn nhậu cứ nghĩ mình còn tỉnh táo nên lái xe tham gia giao thông.

Nguy hiểm hơn, nhiều người mất tự chủ lái xe với tốc độ cao, lạng lách và thực tế đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra xuất phát từ việc ăn nhậu rồi lái xe một cách mất kiểm soát. Theo tôi, cần xử lý mạnh tay hơn nữa nhất là trong các dịp lễ, Tết để răn đe, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông và hạn chế tối đa những tai nạn thương tâm không đáng có.

Lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn.

Cần xử phạt nghiêm kết hợp với giáo dục ý thức

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT cho biết, xử lý vi phạm nồng cồn là một trong những chuyên đề của CSGT đang thực hiện quyết liệt và đang đạt được những hiệu quả. Lực lượng CSGT đã làm quyết liệt chuyên đề này trong nhiều năm nay.

Trong thời điểm dịch bệnh, Cục CSGT vẫn triển khai chuyên đề này và sử dụng phương tiện, thiết bị, kỹ thuật hoàn toàn tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh.

Theo ông Nhật, Nghị định 100, nâng lên mức phạt cao nhất đối với ô tô là 30 - 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng. Tuy nhiên, những vi phạm về nồng độ cồn trong quá trình kiểm tra thì vẫn còn phát hiện.

“Hiện nay, chúng tôi vẫn đang thực hiện cao điểm vi phạm cồn gắn liền với ma túy và đã có kế hoạch chỉ đạo của Bộ Công an, đây là kế hoạch xuyên suốt trong năm 2022 và cao điểm bắt đầu từ 15/3 - 15/12” - ông Nhật cho hay.

Bàn về giải pháp ngăn ngừa tình trạng trên, chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Giao thông vận tải) nhận định, thời gian qua, lực lượng CSGT đã tham gia, kiểm tra, giám sát, xử lý việc sử dụng rượu bia khi lái xe thì thấy hàng nghìn trường hợp vi phạm. Tài xế uống rượu vẫn lái xe là nguyên nhân dẫn đến các tai nạn.

Theo ông Thủy, tại sao Nghị định 100 đã tăng mức xử phạt lên hàng chục lần nhưng nhiều người đã uống rượu bia vẫn lái xe. Đây là điều mà chúng ta cũng phải lưu ý và xem nguyên nhân tại sao.

Ông Thủy nhấn mạnh, vấn đề rượu bia đối với giao thông là tệ nạn. Tuy nhiên, việc uống rượu bia tham gia giao thông không thể kiểm tra, giám sát hết được. Riêng Hà Nội, mỗi ngày có hàng chục triệu phương tiện đi lại trên đường phố, TP Hồ Chí Minh lớn hơn nhiều, trong đó rất nhiều người đã sử dụng rượu bia, lực lượng công an không kiểm tra hết được.

Bàn về giải pháp ngăn chặn, ông Thủy cho rằng, có thể tăng mức xử phạt lên cao hơn. Có thể tăng thêm mức độ xử phạt vi phạm hành chính, tăng thời gian tạm giữ phương tiện vi phạm. Vụ nào nghiêm trọng cần đưa ra xử lý về mặt hình sự. Xử lý về mặt hình sự sẽ hiệu quả hơn, tác dụng răn đe xã hội sẽ cao hơn.

Ngoài ra, còn sử dụng sức mạnh mềm đó là mỗi gia đình cần giáo dục, khuyên răn các thành viên trong gia đình về ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, nhắc nhở ai đã uống rượu bia rồi không cho lái xe, lấy tình cảm để khuyên răn nhau. Vấn đề này nghe thì đơn giản nhưng rất hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt nam: Cần xử lý nghiêm minh

Khi tài xế điều khiển phương tiện giao thông mà đã uống rượu bia sẽ giảm khả năng phản xạ, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Bởi vậy, người nào vi phạm nồng độ cồn khi lái xe thì xử lý nghiêm theo các quy định hiện hành. Việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm là cần thiết, góp phần tạo sự răn đe chung và góp phần giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ rượu bia gây ra.

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã tuyên truyền, phổ biến đầy đủ trong các doanh nghiệp vận tải thuộc Hiệp hội. Trường hợp nào vi phạm, Hiệp hội cũng xử lý nghiêm minh. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tán thành và đề nghị, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý một cách kịp thời và nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Trưởng Phòng Tranh Tụng, Công ty Luật TGS:Công khai hơn trong xử lý vi phạm

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 và thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016) đã đạt được nhiều thành tựu đáng mong đợi.

Thời gian gần đây, xảy ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông thương tâm do lái xe uống rượu bia, cướp đi sinh mạng của nhiều người khiến dư luận hết sức bức xúc. Việc xử phạt về nồng độ cồn theo Nghị định mới một phần nào giảm thiểu các vụ TNGT do bia rượu gây ra, nhất là thời điểm các dịp lễ, Tết… liên tục diễn ra có nguyên nhân của bia rượu. An toàn giao thông là mong muốn của mọi người, mọi nhà.

Các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, tăng cường chế tài xử phạt đối với các lái xe vi phạm nồng độ cồn, ngoài xử lý hành chính, cần có các hình phạt bổ sung và tạo môi trường pháp lý xử lý hình sự hành vi này.

Việc xử lý vi phạm giao thông cần nghiêm minh, không có chuyện “du di” xin, cho và công khai hơn việc xử lý vi phạm. Về lâu dài, cần có biện pháp tuyên truyền hiệu quả, dần dần thay đổi văn hóa, thói quen uống rượu bia của người dân, siết chặt quy định về độ tuổi, thời gian, mức độ,… để hạn chế việc tiếp cận rượu bia trong xã hội.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Hà Nội): Cần tăng chế tài xử lý người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia

Theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với lỗi vô ý.

Tuy nhiên, do chế tài xử lý hình sự với lỗi vô ý chưa đủ sức răn đe nên hành vi vi phạm vẫn có xu hướng gia tăng.

Vì vậy, quan điểm của tôi là tăng chế tài, cụ thể là đưa vào hành vi nhóm lỗi cố ý gián tiếp theo Khoản 2 Điều 10 Bộ luật Hình sự năm 2015: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Ma men sau tay lái chính là tội ác. Để cái ác không có cơ hội gây ra tội, cần tăng mạnh, áp dụng các mức phạt mang tính răn đe hơn cũng như bổ sung các hình phạt mang tính giáo dưỡng như lao động công ích hay tham gia điều tiết giao thông là cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao 'ma men' nhan nhản trên đường?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO