Vì sao một số người ở trọ không được nhận tem phiếu đi chợ?

An Chi 30/07/2021 16:12

Để giảm thiểu tối đa lượng người đi ra chợ, tránh tập trung đông người, từ ngày 26/7, một số phường trên địa bàn TP Hà Nội đã phát phiếu cho người dân đi chợ theo khung giờ và theo ngày chẵn, lẻ. Tuy nhiên, một bộ phận người ở trọ (lao động, công nhân, sinh viên…) đang tạm trú tại phường nhưng không nhận được "tem phiếu".

Theo quy định, việc phát và nhận tem được thống kê bởi tổ dân phố thông qua hộ khẩu và khai báo tạm trú tạm vắng của người dân. Vì vậy, trường hợp người lao động ở trọ từ các địa phương khác đến TP Hà Nội nếu không đăng ký tạm trú tạm vắng thì sẽ không được cấp “tem phiếu” đi chợ.

Luật cư trú cũng đã quy định, khi người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn. Do đó, việc đăng ký tạm trú khi đến sinh sống, làm việc tại Hà Nội là một trong những thủ tục cần thiết.

Tuy nhiên, với số lượng người lao động lớn ra vào thành phố thì việc chưa đăng ký tạm trú tạm vắng theo quy định là không thể tránh khỏi. Trong tình hình dịch hiện nay, việc không có tạm trú tạm vắng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích của mỗi cá nhân, điển hình là không được cấp “tem phiếu” đi chợ trong mùa dịch.

Là một trong những phường của quận Thanh Xuân có số lượng người lao động cư trú đông, đại diện chính quyền phường Kim Giang cho hay, cơ quan chức năng đã chỉ đạo các tổ dân phố rà soát lại, nắm lại thật kỹ từ các hộ cho thuê nhà trọ để tránh thiếu sót, ảnh hưởng đến lợi ích của người dân. Phường Kim Giang sẽ cố gắng nhân rộng đối tượng được nhận tem phiếu, để mỗi phòng trọ trên địa bàn được coi như một hộ dân và sẽ được phát phiếu đi chợ như nhau.

Chia sẻ về việc phát phiếu đi chợ, cô Lan, trú tại xóm Bơ, phường Kim Giang (Hà Nội) bày tỏ: Mặc dù còn một số bất cập và người dân cũng chưa làm quen được với cách thức mới này, tuy nhiên, trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay đi chợ bằng tem phiếu là rất cần thiết, vì chợ là một trong những nơi rất dễ lây lan dịch bệnh nếu không kiểm soát tốt. Người dân như chúng tôi khi đến chợ mua đồ cũng yên tâm hơn. Hy vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát để cuộc sống người dân trở lại bình thường.

Những lưu ý khi đi chợ bằng “tem phiếu” mùa dịch

Ngay sau khi Bộ Y tế ban hành, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo sở Công Thương các tỉnh/thành phố để phổ biến, áp dụng. Theo đó, Bộ Y tế đã hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại chợ trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ như sau:

Đối với Đơn vị quản lý chợ: Cần có kế hoạch/phương án phòng, chống dịch (PCD); Công khai thông tin liên lạc của cán bộ đầu mối phụ trách công tác PCD; Ký cam kết với chính quyền địa phương về việc thực hiện, tuân thủ các quy định, khuyến cáo về PCD; Tổ chức mua hàng theo một chiều; Cung cấp đầy đủ khẩu trang; yêu cầu khai báo y tế hàng ngày (mã QR điểm kiểm dịch/Bluezone/giấy); thực hiện 5K; Đo thân nhiệt tại cửa chợ, bố trí biển báo quy định PCD, nước sát khuẩn tay, khu vực xếp hàng có kẻ vạch giãn cách, thu - kiểm soát và quản lý Thẻ vào chợ, kiểm soát mật độ người vào chợ; Bố trí phòng/khu vực cách ly theo quy định; Bố trí khu vực giao nhận hàng hoá; khử khuẩn phương tiện giao nhận nếu cần thiết; hạn chế tiếp xúc giữa người giao và nhận hàng.

Đặc biệt, không bố trí làm việc và yêu cầu không đi làm đối với người có một trong các triệu chứng: mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở và người thuộc đối tượng F1, F2; yêu cầu mọi người tự theo dõi sức khoẻ tại nhà và báo cho đơn vị quản lý, y tế khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ…

Đối với các hộ kinh doanh: Cơ quan chức năng yêu cầu chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, tuân thủ việc sắp xếp bảo đảm khoảng cách, quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm; Các hộ kinh doanh phải ký cam kết thực hiện tuân thủ các quy định, hướng dẫn về phòng chống dịch và các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, hộ kinh doanh cũng phải quản lý thông tin người lao động/làm việc, người bán hàng, yêu cầu thông báo khi có tiếp xúc với các trường hợp F0 hoặc F1. Đặc biệt, phải đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch vệ sinh khử khuẩn hàng ngày, thông thoáng, khoảng cách, có biển thông báo số điện thoại liên hệ khi cần thiết.

Ngoài ra, thông báo ngay nếu phát hiện bản thân hoặc người có triệu chứng; hạn chế tiếp xúc, giữ khoảng cách tối thiểu; Nhắc nhở khách hàng luôn đeo khẩu trang, tuân thủ khoảng cách; Thường xuyên tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm và bản thân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như hướng dẫn với người bán hàng.

Đối với khách hàng đi chợ: Bộ Y tế cho biết cần lưu ý 6 điểm trước khi đi chợ. Trong đó, lưu ý đầu tiên là không được đến chợ nếu có một trong các triệu chứng hoặc đang trong thời gian cách ly; Đồng thời, khách hàng đi chợ phải khai báo y tế hàng ngày và thực hiện 5K; Nếu phát hiện bản thân hoặc người có triệu chứng phải thông báo ngay.

Khi di chuyển đến chợ và ngược lại, khách hàng phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch; Người lao động ký cam kết thực hiện, tuân thủ quy định, hướng dẫn phòng chống dịch và tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm; Đặc biệt, khách hàng đi chợ theo đúng ngày được quy định và nộp thẻ vào chợ tại cổng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao một số người ở trọ không được nhận tem phiếu đi chợ?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO