Vì sao ngộ độc botu-linum xảy ra liên tiếp?

THANH MAI 04/06/2023 07:38

Sau khi chùm ca ngộ độc do ăn pate chay được phát hiện từ năm 2020, thời gian vừa qua nhiều ca ngộ độc botulinum xảy ra liên tiếp trong thực phẩm cá muối chua, giò lụa, mắm ủ lâu ngày.

Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhân bị ngộ độc botulinum tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM).

Nguy cơ ngộ độc từ thói quen tích trữ thực phẩm

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), botulinum là một trong những độc tố mạnh nhất được nhân loại ghi nhận, sinh ra từ vi khuẩn kỵ khí C. botulinum. Liều có thể gây tử vong ở người được y văn ghi nhận là 1 mcg. Ở điều kiện bình thường, vi khuẩn này không thể tồn tại, nhưng nó có thể thích nghi và tạo ra các bào tử, tức vỏ bọc để vi khuẩn ngủ đông. Khi gặp môi trường yếm khí (không có không khí), C. botulinum sẽ tái hoạt, phá vỏ bao bào tử để sản sinh ra chất độc gọi là botulinum. Botulinum là chất độc thần kinh cực mạnh. Khi vào cơ thể, nó gắn chặt vào các dây thần kinh, gây liệt toàn bộ cơ.

BS Nguyên cho biết, yếu tố dịch tễ và các biểu hiện đặc trưng của bệnh thường khó khai thác nên việc chẩn đoán xác định rất khó khăn. Dạng ngộ độc phổ biến nhất là qua đường ăn uống, thường gọi ngộ độc thực phẩm. Hầu hết ca ngộ độc botulinum thời gian qua là sau khi ăn thực phẩm nhiễm khuẩn, như pate chay (năm 2020), cá muối chua (tháng 3/2023), giò lụa, mắm ủ lâu ngày (tháng 5/2023). Theo đó, đóng gói thực phẩm trong túi nylon hoặc hút chân không dễ tạo môi trường yếm khí sinh độc tố botulinum, gây ngộ độc cho người ăn. Thịt hay rau, củ, quả, hải sản được đóng gói kín đều có thể nhiễm độc tố. Ví dụ, ở Thái Lan đã xảy ra trường hợp ngộ độc botulinum do ăn măng đóng lọ, còn Trung Quốc ghi nhận ca ngộ độc sau ăn đậu lên men.

Cũng theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Bệnh viện Bạch Mai và nhiều cơ sở y tế, trước đây chưa chính thức ghi nhận trường hợp nào bị ngộ độc thuốc loại này. Song, năm 2020, khi chùm ca ngộ độc do ăn pate chay được phát hiện, thì các bác sĩ đã lưu tâm hơn. Mới nhất là ca bị ngộ độc botulinum của 6 người tại TPHCM, trong đó 5 người sau ăn giò lụa bán dạo và một người sau khi ăn mắm ủ lâu ngày. Bệnh này cần thuốc giải độc ngay trong 72 giờ kể từ khi bị ngộ độc. Việt Nam chỉ còn hai lọ thuốc giải độc, được truyền cho 3 em bé - các cháu hiện cải thiện sức khỏe, 3 người còn lại không có thuốc giải, chỉ có thể điều trị hỗ trợ triệu chứng. Một tuần sau, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chuyển từ Thụy Sĩ về 6 lọ thuốc giải độc, tuy nhiên người ăn mắm đã chết trước khi được truyền thuốc giải. Hai bệnh nhân quá "thời gian vàng" dùng thuốc thì liệt gần như hoàn toàn.

Hai tháng trước đó, 10 người ở Quảng Nam bị ngộ độc sau khi ăn cá chép muối chua, trong đó một người tử vong trong thời gian đầu nhập viện. Thời điểm đó, Việt Nam còn 5 lọ thuốc giải độc, lưu giữ tại Bệnh viện Chợ Rẫy và được chuyển đến Quảng Nam. Đánh giá tình trạng của 10 bệnh nhân, các bác sĩ quyết định truyền thuốc giải độc cho 3 bệnh nhân nặng nhất. Còn lại hai lọ thuốc giải, về sau truyền cho 3 em bé trên tại TPHCM.

Vì sao nhiều ca ngộ độc botulinum xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây, các BS cho rằng sự thay đổi thói quen ăn uống, chế biến thực phẩm so với truyền thống có thể gây ngộ độc nhiều hơn. Bác sĩ Nguyên ví dụ, ngày xưa gói giò chả bằng lá chuối thoáng khí, nay thay bằng túi nylon, bọc kín, hút chân không để bảo quản lâu ngày, vô tình tạo môi trường yếm khí sinh độc tố. Còn BS Doãn Uyên Vy - Phó Đơn vị chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) phân tích, trước đây mọi người chế biến món ăn tươi sống và dùng trong ngày, ít nguy cơ ngộ độc. Nay, đồ ăn sẵn bán nhiều, thực phẩm tích trữ lâu ngày trong tủ lạnh, nếu chế biến, bảo quản không an toàn, nguy cơ ngộ độc rất cao. Tình trạng ngộ độc phụ thuộc vào từng cá nhân ở từng tình huống riêng biệt. Bất cứ ai và khi nào đều có thể nhiễm độc tố botulinum, xảy ra khi ăn uống, qua vết thương hở.

Thiếu thuốc điều trị

Ở góc độ điều trị, TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, trong quá khứ vẫn tồn tại các ca ngộ độc dạng này, song ngày nay khả năng chẩn đoán y tế tốt hơn nên phát hiện nhiều ca hơn trước. Vấn đề quan trọng là ngành y tế cần có phương tiện cấp cứu kịp thời, đặc biệt là thuốc giải độc. Giải độc sớm trong 48 đến 72 tiếng kể từ khi khởi phát triệu chứng, bệnh nhân có thể thoát tình trạng liệt, không phải thở máy. Hoặc, bệnh nhân bắt đầu thở máy 1-2 ngày (sau khi ngộ độc) mà được dùng thuốc thì trung bình 5-7 ngày có thể hồi phục và cai máy thở. BS Hùng cho biết quá trình đô thị hóa, khoa học kỹ thuật phát triển, con người tiếp xúc với nguồn độc nhiều hơn. Như vậy, cần dự trữ thuốc điều trị, kể cả thuốc hiếm.

Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, đây là loại thuốc rất hiếm do bệnh lý này ít khi xảy ra nhưng đã xảy ra thì thường rất nặng nên nguồn thuốc Botulism antitoxin heptavalent (BAT) có tác dụng giải độc tố do vi khuẩn Clostridium botulinum gây ra có giá là 8.000 USD (khoảng 190 triệu đồng) do Canada sản xuất, hạn sử dụng 8 năm, loại thuốc này trên thế giới cũng rất hiếm.

BAT hiện chưa nằm trong danh mục các thuốc được bảo hiểm chi trả. Bên cạnh việc cấp phép và nhập khẩu thuốc thương mại thông thường, để đảm bảo tính cấp bách, năm 2020 để phục vụ các ca nhiễm độc tố botulinum do sử dụng pate chay có chứa độc tố, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) đã đề nghị WHO hỗ trợ tìm kiếm nguồn cung thuốc BAT và WHO đã có những hỗ trợ rất kịp thời 10 lọ thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent.

Về giải pháp căn cơ, để chủ động hơn với các thuốc chống ngộ độc nói riêng, các thuốc hạn chế về nguồn cung nói chung, Thủ tướng đã đồng ý và chỉ đạo Bộ Y tế xây dựng cơ chế đảm bảo thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Trong đó, một giải pháp quan trọng là thành lập các trung tâm tồn trữ thuốc hiếm nguồn cung tại các vùng kinh tế - xã hội. Bộ Y tế cho biết đang khẩn trương hình thành 3-6 trung tâm dự trữ thuốc hiếm. Số lượng danh mục các thuốc dữ trự sẽ khoảng 15-20 loại. BAT dùng để giải độc botulinum cũng nằm trong danh mục này.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân cần hết sức lưu ý, không bảo quản và sử dụng thức ăn đã được chế biến từ lâu, đảm bảo an toàn thực phẩm, tránh nguy cơ ngộ độc nói chung, ngộ độc độc tố botulinum nói riêng. Giữ môi trường sạch, tránh bụi bẩn, đất cát bám khi chế biến thực phẩm tươi sống. Không đóng kín thức ăn nếu không có kiến thức và kỹ thuật tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao ngộ độc botu-linum xảy ra liên tiếp?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO