Vì sao nhiều người sập bẫy dự án 'ma'?

Đức Sơn - Tuấn Minh 18/02/2022 07:04

Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt giám đốc doanh nghiệp bất động sản bán dự án “ma” ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành… bị khởi tố, bắt giam đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về nạn “vẽ” dự án để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Các chủ doanh nghiệp đều sử dụng phương thức lừa đảo như nhau, thậm chí “cũ rích” nhưng vì sao người dân vẫn sập bẫy dự án “ma”?

Mặc dù đã được cảnh báo, song nhiều người vẫn mắc lừa bởi các dự án bất động sản “ma”.

Lập dự án “ma” chiếm đoạt tiền tỷ

Công an tỉnh Bình Dương vừa khởi tố vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP thương mại tư vấn và đầu tư KingLand - Chi nhánh Bình Dương. Theo điều tra, từ năm 2019, Trịnh Quốc Hưng (Tổng Giám đốc Công ty KingLand) thành lập Chi nhánh Công ty tại Bình Dương và giao cho bà Nguyễn Thị Thanh Hiếu làm Giám đốc chi nhánh.

Sau đó, Công ty KingLand mua một số thửa đất với tổng diện tích 45.000m2 tại xã Định An (huyện Dầu Tiếng) nhằm mục đích tách thành nhiều thửa nhỏ để xin chủ trương thành lập dự án khu nhà ở.

Mặc dù chưa lập thủ tục xin chủ trương phê duyệt dự án Khu nhà ở nhưng Trịnh Quốc Hưng đã thực hiện phân lô 4 thửa đất nêu trên và tự đặt tên là Khu nhà ở Kingland Home City 5.

Sau đó, Hưng chỉ đạo bà Hiếu và nhân viên giới thiệu dự án trên đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt chủ trương xây dựng dự án nhà ở, pháp lý đầy đủ, hiện công ty đang thi công xây dựng cơ sở hạ tầng và cam kết trong vòng 12 tháng sẽ bàn giao đất, sổ đỏ cho người mua. Với hình thức này, Công ty KingLand đã thu tiền của 49 người với tổng số tiền khoảng 12,9 tỷ đồng. Sau đó không bàn giao đất và sổ đỏ cho khách hàng.

Tại tỉnh Vĩnh Phúc, bà Đỗ Thị Miên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đại An cũng vừa bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, Miên mua gom khoảng 6ha đất nông nghiệp của một số hộ dân tại địa phương. Mặc dù các diện tích đất nêu trên chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án nhưng Miên đã tự ý thuê người vẽ bản đồ quy hoạch chi tiết, lập hồ sơ dự án khu đô thị, phân lô tách thửa thành hàng trăm ô đất và lấy tên là Khu đô thị Đại An tại thị trấn Hợp Châu, khu nhà ở thấp tầng xã Đạo Tú và khu đất ở cho người thu nhập thấp ở xã Thiện Kế.

Sau khi lên bảng giá, Miên tổ chức cho nhân viên Công ty Đại An rao bán các ô đất trên trái phép cho khách hàng. Bước đầu, Miên khai nhận đã lừa bán được 131 lô đất với khoảng 30 tỷ đồng.

Tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tình trạng các đối tượng lập dự án “ma” để lừa đảo khách hàng cũng diễn biến rất phức tạp. Chỉ trong thời gian ngắn, cơ quan điều tra đã khởi tố hàng chục vụ án, bị can liên quan đến hành vi lừa đảo liên quan đến bất động sản.

Điển hình, Công an TP Hồ Chí Minh vừa khởi tố bị can và bắt tạm giam bà Hoàng Thị Hồng để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP đầu tư bất động sản Phát An Gia. Trước đó, Cơ quan điều tra cũng đã khởi tố, bắt tạm giam đối với Hoàng Mạnh Cường - Tổng Giám đốc Công ty Phát An Gia.

Theo điều tra, mặc dù không làm các thủ tục cấp phép dự án, Hoàng Mạnh Cường vẫn tự “vẽ” ra 5 dự án khu dân cư Central House Đường 4, khu dân cư Đường 8, khu dân cư Trường Lưu; khu dân cư Long Phước và khu dân cư Võ Văn Hát.

Cường tự đặt tên dự án, lập bảng quảng cáo, bản vẽ phân thành 193 nền đất để ký kết hợp đồng đặt cọc hứa chuyển nhượng và hứa nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Hợp đồng đặt cọc khu dân cư chuyển nhượng 91 nền đất cho hàng chục khách hàng, chiếm đoạt số tiền hơn 97 tỷ đồng. Bà Hồng được xác định cùng tham gia với Cường trong việc tổ chức, thực hiện phân lô bán nền trái phép.

Điểm chung của các chủ doanh nghiệp bất động sản bị bắt trong thời gian gần đây là lập dự án “ma” để bán đất nền không có thật hoặc đất nông nghiệp. Phương thức, thủ đoạn lừa đảo của loại tội phạm này không có gì mới nhưng hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người vẫn mắc lừa dẫn đến “tiền mất, tật mang”.

Lập ra các dự án “ma”, Công ty TNHH MTV Đại An (Vĩnh Phúc) lừa bán cho nhiều khách hàng chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.

Làm sao ngăn chặn?

Chia sẻ với phóng viên Đại Đoàn Kết về việc bị mắc lừa dự án “ma”, ông Nguyễn Việt Dũng - nạn nhân của Công ty Đại An (Vĩnh Phúc) chia sẻ: “Trước khi mua, tôi cũng cẩn thận đi xem đất, thấy vị trí đẹp nên tôi mới đồng ý mua. Hơn nữa, công ty Đại An cam kết từ 8-12 tháng sau khi ký hợp đồng sẽ có sổ đỏ. Ngoài ra, khi ra thăm dự án, còn thấy chủ đầu tư thuê máy xúc, máy ủi thực hiện việc san gạt mặt bằng và cắm bản quy hoạch nên yên tâm “xuống tiền”, ai dè lại bị lừa một cách trắng trợn”.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh hiện nay có 2 loại thông tin về dự án, thứ nhất đó là thông tin về dự án đủ điều kiện mở bán, hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc đưa lên web của Sở Xây dựng, không có tính lan tỏa. Nếu được, Sở Xây dựng nên có một danh bạ các cơ quan truyền thông để gửi thông tin. Sở Xây dựng cũng cần công khai tất cả các dự án trên địa bàn mà đang còn hiệu lực triển khai.

Tiếp đến là loại thông tin về quy hoạch, pháp lý, Sở Quy hoạch Kiến trúc cần phải công khai quy hoạch của các khu vực, các dự án. Sở Kế hoạch Đầu tư cần công khai danh mục những dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận Nhà đầu tư theo Luật Đầu tư mới.

Ngoài ra, chính quyền cấp cơ sở cần phải vào cuộc. “Việc chính quyền cơ sở vào cuộc là cần thiết, vì không có dự án bất động sản nào mà không nằm trên một khu đất, một xã, một phường cả” - ông Châu nhấn mạnh.

Bà Đỗ Thị Miên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đại An tại cơ quan điều tra.

Ông Châu cũng cho hay, người tiêu dùng bị “mắc lừa” có 2 dạng.

Thứ nhất là dạng có nhu cầu thật. Đây là thành phần người dân không hiểu nhiều về thị trường bất động sản, không hiểu nhiều về dự án, không hiểu về pháp lý cho nên rất dễ rơi vào bẫy dự án “ma”.

Thứ hai là dạng đầu tư thứ cấp, tức là mua đi bán lại. Bên cạnh đó, cũng có sự tiếp tay của các văn phòng thừa phát lại, một số văn phòng thừa phát lại cố tình làm trái quy định.

Lý giải nguyên nhân tồn tại các dự án bất động sản “ma” trên nhiều địa phương, Bộ Xây dựng cho rằng, có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do: thông tin về quy hoạch, dự án chưa được kịp thời, công khai, minh bạch dẫn đến một số tổ chức, cá nhân lợi dụng để quảng bá, cung cấp thông tin sai sự thật nhằm trục lợi.

Đồng thời, do hành vi vi phạm chưa được kịp thời phát hiện, ngăn chặn ngay từ khi mới phát sinh. Việc xử lý và công khai xử lý hành vi vi phạm để cảnh tỉnh cho người dân biết.

Theo Bộ Xây dựng, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương tập trung triển khai tăng cường công khai, minh bạch thông tin quy hoạch, dự án... trên địa bàn, không để đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo, trục lợi.

Đồng thời, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm có thể xảy ra và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.

Luật sư Nguyễn Văn Hùng- Giám đốc Công ty Luật TNHH CHD LAW:

Các đối tượng lừa đảo có thể chịu án phạt cao nhất là chung thân

Hành vi của các đối tượng, doanh nghiệp lập dự án bất động sản “ma” để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người mua là hành vi vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, các đối tượng sẽ phải chịu xử phạt từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm và phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xử lý nghiêm minh, kịp thời ngăn chặn những hành vi của các đối tượng lừa đảo vẽ ra các dự án “ma” nhằm chiếm đoạt tài sản, đảm bảo an ninh trật tự cho thị trường kinh doanh bất động sản cũng như quyền lợi, tài sản của người dân.

Luật gia Nguyễn Thế Hiển - Công ty Luật Trường Sơn:

Người dân phải đi khảo sát

Theo điểm a Khoản 17 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi một số Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai thì chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân.

Từ đó có thể thấy đặc điểm chung cơ bản của các dự án “ma” đó chính là thường không có hạ tầng cơ bản, hoặc có hạ tầng, đường, hệ thống điện, nước nếu chỉ nhìn qua nhưng thực chất là tự ý xây dựng mà không có sự phê duyệt của cơ quan nhà nước.

Để tránh sập bẫy dự án “ma” của các đối tượng lừa đảo thì điều đầu tiên người dân mua bất động sản cần quan tâm đó chính là hồ sơ pháp lý của dự án.

Do đó người dân không nên vội tin vào những lời hứa hẹn suông của các đối tượng vào những dự án “ảo”, khu đô thị mới “trong tương lai”, mà hãy để ý đến các giấy tờ pháp lý của dự án, đặc biệt là giấy tờ về quyền sử dụng đất, văn bản nghiệm thu cơ sở hạ tầng, các chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án như tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai,… ngoài ra còn phải kiểm tra xem dự án có thuộc diện bị thu hồi hay không, có đang trong tình trạng tranh chấp hay không.

Một cách đơn giản để biết được dự án bất động sản có phải dự án “ma” hay không đó chính là nên đến địa chỉ nơi có dự án để khảo sát, tìm hiểu về cơ sở hạ tầng, tiến độ dự án, hoặc thuê luật sư để được tư vấn, cho lời khuyên.

Tuấn Minh (Ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao nhiều người sập bẫy dự án 'ma'?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO