Vì sao phải xét xử kín ông Nguyễn Đức Chung?

Xuân Ngọc 01/12/2020 15:25

“Nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự là xét xử công khai, tuy nhiên trong một số trường hợp có thể xét xử kín nhưng tuyên án công khai”.

Ông Nguyễn Đức Chung và các đồng phạm sẽ bị xử kín vào ngày 11/12/2020.

Ngày 30/11, TAND TP Hà Nội đã có quyết định đưa vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” xảy ra tại Hà Nội ra xét xử vào ngày 11/12/2020.

Bốn bị cáo gồm: Nguyễn Đức Chung (53 tuổi, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội), Phạm Quang Dũng (37 tuổi, cựu cán bộ Cục Cảnh sát Kinh tế - C03, Bộ Công an), Nguyễn Anh Ngọc (46 tuổi, cựu Phó Trưởng phòng Thư ký biên tập, UBND TP Hà Nội) và Nguyễn Hoàng Trung (37 tuổi, cựu chuyên viên). Bốn bị cáo cùng bị truy tố về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”.

Theo quyết định, vụ án sẽ được xét xử kín, Chủ toạ phiên toà là Thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó Chánh toà Hình sự TAND TP Hà Nội.

Từ trái qua: Nguyễn Anh Ngọc, Nguyễn Hoàng Trung và Phạm Quang Dũng. Ảnh: Bộ Công an.

Liên quan đến vấn đề xét xử kín ông Nguyễn Đức Chung và các đồng phạm, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, nếu xét xử công khai thì công dân từ 16 tuổi trở lên được phép tham dự phiên tòa mà không cần phải có giấy mời, giấy triệu tập của tòa án.

Còn xét xử kín được hiểu là không phải tất cả mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa như trường hợp xét xử công khai. Tuy nhiên, đến phần tuyên án thì tất cả mọi người đều có thể đến phiên tòa để nghe tòa tuyên án, trừ trường hợp người dưới 16 tuổi hoặc phòng xét xử không đủ chỗ để người dân tham dự.

Theo đó, đối với những phiên tòa xét xử kín thì chỉ có mặt Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký phiên tòa, bị cáo, đương sự và những người tham gia tố tụng do Hội đồng xét xử triệu tập nếu xét thấy cần thiết. Còn lại, không một ai khác được ở lại phòng xét xử để theo dõi diễn biến phiên tòa, kể cả nhà báo hay người thân của bị cáo, đương sự. Những người có giấy triệu tập của tòa án trong phiên xét xử kín thì mới được tham dự phiên toà.

Theo Luật sư Cường, xét xử vụ án hình sự là hoạt động của tòa án để thực hiện quyền tư pháp, thủ tục xét xử trở thành những nguyên tắc cơ bản được ghi nhận trong hiến pháp và các văn bản pháp luật về tố tụng hình sự.

Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 quy định về nguyên tắc xét xử tại Điều 103, trong đó nêu rõ: “Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín”.

Trên cơ sở nội dung của Hiến pháp, Điều 25, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã quy định: “Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”.

Luật sư Đặng Văn Cường phân tích, về cơ bản thì các vụ án hình sự đều xét xử công khai tuy nhiên, trong một số trường hợp cần thiết thì tòa án có thể xét xử kín và tuyên án công khai. Những trường hợp được xét xử kín thông thường là những vụ án cần giữ bí mật nhà nước, những vụ án xâm hại tình dục…

Đặc biệt là những vụ án mà nạn nhân là trẻ em, người chưa thành niên thường được xét xử kín, tránh gây áp lực tâm lý cho nạn nhân. Theo quy định này, để tránh trình bày toàn bộ tình tiết của vụ án, làm ảnh hưởng tới bí mật nhà nước, bí mật đời tư, ảnh hưởng tới việc bảo vệ cho người dưới 18 tuổi…, khi tuyên án công khai, Hội đồng xét xử chỉ đọc phần quyết định trong bản án. Điều này được nêu rõ tại Điều 327 - Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã quy định: “Trường hợp xét xử kín thì chỉ đọc phần quyết định trong bản án”.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Như vậy, vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” mà bị can là ông Nguyễn Đức Chung và một số đồng phạm có liên quan đến bí mật Nhà nước, bí mật điều tra vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng mà Cục Cảnh sát điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an đang điều tra nên việc Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định xét xử kín vụ án này là chuyện bình thường, để đảm bảo giữ gìn bí mật nhà nước.

Tuy nhiên khi tuyên án thì tòa sẽ tuyên án công khai theo quy định pháp luật nêu trên. Việc xét xử kín vẫn phải đảm bảo tính khách quan, công bằng, đảm bảo nguyên tắc tranh tụng và những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự, Luật sư Cường cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao phải xét xử kín ông Nguyễn Đức Chung?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO