Vì sao sốt xuất huyết tăng nhanh?

THANH MAI 19/06/2022 08:13

Từ đầu năm đến nay, sốt xuất huyết ở nước ta chủ yếu ở phía Nam, chiếm 80% số ca mắc của cả nước và 100% số ca tử vong với 36 trường hợp tử vong tại bệnh viện do tình trạng nặng. Đáng chú ý, số ca mắc, tử vong tăng rất nhanh trong 4 tuần gần đây. Chuyên gia nhận định, năm nay, số ca sốt xuất huyết nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước, nhưng vẫn chưa đạt đỉnh dịch.

Bác sĩ Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa hồi sức nhiễm Covid-19 Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh), thăm khám một bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nặng.

Dịch sốt xuất huyết (SXH) tăng cao ở khu vực phía Nam với gần 40.000 ca mắc, trong đó có 1.193 ca nặng và 36 ca tử vong tính từ đầu năm 2022 đến nay.

Theo BS Lương Chấn Quang - Phó Trưởng khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, số ca SXH tăng nhanh trong 4 tuần trở lại đây, chiếm gần 50% số ca mắc và 45% ca tử vong tích lũy từ đầu năm đến nay.

Các tỉnh, thành phố có số ca mắc tăng cao là: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, An Giang, Đồng Nai, Bình Dương… Trong đó, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương mỗi nơi có 8 ca tử vong do SXH, Đồng Nai 5 ca, Tây Ninh 5 ca. BS Lương Chấn Quang nhận định, năm nay, số ca SXH nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước, nhưng vẫn chưa đạt đỉnh dịch.

Đáng chú ý, SXH tăng cao tại miền Tây, có nơi tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ. Như ở An Giang tính đến ngày 5/6 là gần 4.500 ca, tăng 387% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 251% so với số ca của trung bình 5 năm (2016-2020). Trong đó báo động tại thị xã Tân Châu tăng hơn 1.000% và huyện An Phú tăng gần 1.000% so với cùng kỳ.

Tại Hội nghị tăng cường triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và công tác phòng chống SXH khu vực miền Nam do Bộ Y tế tổ chức mới đây tại Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước có 50.000 ca mắc SXH, miền Nam chiếm 89% số ca mắc. Theo bà Hương, hiện nay đang bước vào cao điểm dịch SXH, do mùa mưa là điều kiện hết sức thuận lợi cho muỗi phát triển.

Trong khi đó, nhận thức của người dân về công tác vệ sinh môi trường, loại trừ các ổ bọ gậy/lăng quăng còn chưa cao; tình trạng di biến động dân cư, giao lưu giữa các vùng, miền liên tục tăng; có nhiều khu công nghiệp, khu đô thị đang trong quá trình xây dựng; thói quen tích trữ nước trong các lu, khạp của người dân... là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển và bệnh SXH lan rộng.

Về nguyên nhân tử vong gia tăng, theo TS Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế là do người dân còn khá chủ quan, khi hết sốt thì sang giai đoạn nguy hiểm nhưng người nhà thường bỏ qua. Bệnh nhân vào viện muộn, chuyển lên tuyến trên cũng muộn.

Là địa phương có số ca mắc cao nhất khu vực phía Nam, theo BS Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong 2 năm qua, địa phương phải tập trung toàn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, do đó đã nảy sinh tâm lý chủ quan với SXH.

Bên cạnh đó, thời gian qua có tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, luân chuyển công tác, những người mới thay thế chưa nắm bắt được địa bàn cũng như cách thức tổ chức phòng dịch.

Theo TS Vương Ánh Dương hiện SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh. Bệnh thường gây dịch lớn với nhiều người mắc cùng một lúc khiến công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong, đặc biệt là với trẻ em. Hơn 85% các ca mắc SXH dengue và 90% trường hợp tử vong xảy ra ở các tỉnh phía Nam. Trong đó, 90% các ca tử vong do SXH là dưới 15 tuổi.

Bệnh SXH do virus Dengue gây ra với 4 tuýp, ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 tuýp virus này đều có khả năng gây bệnh ở Việt Nam và luân phiên gây ra dịch bệnh. Miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ đặc hiệu đối với từng tuýp riêng lẻ, vì vậy có thể hiểu rằng: Một người có thể mắc SXH 4 lần trong đời với 4 tuýp virus khác nhau.

Bệnh SXH chia làm 3 mức độ: SXH Dengue, SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo và SXH Dengue nặng (sốc SXH Dengue). Bệnh SXH có biểu hiện khá đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Các BS cũng lưu ý giai đoạn sốt tương ứng với thể bệnh SXH Dengue thông thường, nếu đã chuyển qua giai đoạn nguy hiểm tức là đã chuyển qua mức độ của thể bệnh SXH có dấu hiệu cảnh báo và SXH Dengue nặng. Khi đó cần phải cho bệnh nhân nhập viện ngay vì có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh sẽ giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh.

Đáng lưu ý, cũng xảy ra tình trạng mắc SXH trên nền hậu Covid-19 cao hơn, BS Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh cho biết, có nhiều trường hợp trẻ mắc Covid-19 đã khỏi, khi mắc thêm SXH thì trẻ có phản ứng viêm tăng rất nhiều so với những trẻ chưa từng mắc Covid-19, dù chưa có nghiên cứu rõ ràng.

Do đó phụ huynh cần chú ý tới các trẻ đã từng mắc Covid-19, nhóm trẻ mắc phải hội chứng viêm đa hệ thống MIS-C trong mùa SXH này. Ngay khi trẻ gặp các triệu chứng như sốt cao; nôn ói; chảy máu mũi, máu răng; tiêu chảy, đi cầu phân đen; mệt mỏi... thì cần đưa trẻ tới cơ sở y tế khám, xét nghiệm để sàng lọc SXH.

Phân tích nguyên nhân số ca mắc và tử vong do SXH tăng cao, TS.BS Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh nhân SXH ở phía Nam chuyển biến nặng, tử vong cao là do người dân khi mắc bệnh thường đến các phòng khám tư và chỉ đến bệnh viện khi trở nặng. Những trường hợp này việc điều trị khó khăn hơn và nhiều người không qua khỏi. Ngoài ra, người mắc SXH còn chủ quan, thường bỏ qua các dấu hiệu khi đã hết sốt nhưng không biết rằng sau giai đoạn hết sốt là rất nguy hiểm.

Một thực tế khác là hóa chất diệt muỗi, máy phun... ở nhiều địa phương đã cạn kiệt nhưng chưa được duyệt kinh phí để mua. Các cơ sở y tế, nhất là tuyến huyện thiếu dịch truyền do không mua được, thiếu nguồn cung (bệnh viện khu vực) dẫn đến thiếu phương tiện điều trị cho bệnh nhân. Chưa kể, sau 2 năm phòng chống dịch Covid-19, nhiều nhân viên y tế nghỉ việc nên hiện phần lớn là người mới, chưa được tập huấn về công tác phòng chống SXH.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao sốt xuất huyết tăng nhanh?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO